Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Ấm áp nghĩa Đảng, tình dân

 

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Roòn (Quảng Bình) giúp người dân xã Quảng Ðông, huyện Quảng Trạch lợp lại nhà sau bão số 10. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Lũ qua, tình người còn mãi

Hơn mười ngày sau trận mưa lũ lớn đầu tháng 10, ven lòng sông Âm trơ đá, sỏi, ngổn ngang gỗ, cành cây. Mùa kiệt, nhiều đoạn sông có thể xắn quần lội qua nhưng vào ngày 10 và 11-10, nước từ thượng nguồn đổ về thị trấn huyện lỵ Lang Chánh (Thanh Hóa) mấp mé mặt sàn dưới cây cầu sang xã Quang Hiến. Nước lũ dâng cao, chia cắt nhiều đường, tràn trên các tuyến giao thông. Chiều 10-10, Thượng tá, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Yên Khương Cao Ðăng Cường (45 tuổi) sau khi đi kiểm tra việc triển khai các phương án ứng phó mưa lũ cùng Ðại úy, Ðội trưởng tổng hợp bảo đảm Nguyễn Thành Chủng (40 tuổi) trở về đơn vị. Xe của hai đồng chí đi từ bản Mè, qua đường tràn bản Bôn thì bất ngờ bị lũ cuốn trôi. Sáu ngày sau, thi thể Thượng tá Cường mới được tìm thấy ở khu vực xã Giao An cách vị trí gặp nạn hàng chục km. Ðến hôm nay, đồng đội vẫn chưa tìm thấy thi thể của Ðại úy Chủng.

Khi chúng tôi đến gia đình anh Cường ở phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), bà Nguyễn Thị Xuân (79 tuổi), mẹ anh, không ngăn nổi nước mắt. Hơn 27 năm con trai là bộ đội biên phòng, trong đó 15 năm công tác tại Ðồng Tháp, bà chỉ được gặp anh trong những ngày nghỉ phép ít ỏi. Con trai anh Cường, cháu Trung Kiên nghẹn ngào kể: Bố là người nghiêm khắc, giản dị, những việc càng khó bố càng muốn làm. Thiếu tá Nguyễn Quang Hải, Chính trị viên phó Ðồn Biên phòng Yên Khương nhớ lại những ý tưởng sáng tạo, đổi mới trong công tác của người đồng đội luôn sâu sát cơ sở. Từ những mô hình phát triển chăn nuôi, thâm canh, tăng nhanh năng suất lúa, đến nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn, xóa bỏ hủ tục, nhân rộng mô hình làng văn hóa, bản nông thôn mới... đều có dấu ấn của Chính trị viên Cao Ðăng Cường.

Trận mưa lũ lịch sử những ngày qua đã gây kinh hoàng cho người dân xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Trong câu chuyện kể về mất mát đau thương ấy, hình ảnh người trưởng xóm Bùi Văn Hức, 38 tuổi đời và 18 năm tuổi Ðảng xả thân vì người dân, sẽ còn mãi được nhắc đến. Ðêm 11-10, khi mưa gió xối xả, anh Hức rời nhà cách thác Khanh khoảng 1 km, lặn lội đến từng gia đình ở gần thác vận động người dân di chuyển ra khỏi nơi nguy hiểm. Anh ở lại cùng bà con, đợi trời sáng để giúp người dân di chuyển. Nhưng không ngờ, đó là "đêm định mệnh" của 18 người, trong đó có anh.

Trong tâm trí của người dân xóm Khanh, anh Hức luôn hiểu rõ hoàn cảnh và tận tâm, tận sức, dốc lòng chia sẻ khó khăn của người dân. Là cán bộ trẻ, có uy tín, đã làm là đến nơi đến chốn, anh được tin tưởng bầu làm Bí thư chi bộ xóm và Trưởng xóm hai nhiệm kỳ, kiêm thôn đội trưởng, tổ trưởng Ngân hàng chính sách xã hội xóm. Những người cao tuổi trong xóm bảo rằng, các chức danh của anh chẳng to tát gì so với xã hội, nhưng luôn "to trong lòng chúng tôi". Những công việc này khó lắm, chẳng bổng lộc gì nhưng không phải ai cũng làm được. Phải đủ các tiêu chuẩn và được dân tin yêu thì dân mới tín nhiệm như thế. Từ cụ già đến trẻ nhỏ, ai cũng quý mến anh. Từ việc lớn như vận động nhân dân góp công sức mở rộng con đường vào thác Khanh, đến việc nhỏ là vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh... đều ghi dấu ấn hình ảnh người cán bộ xóm tận tụy. Sau gần một tuần tìm kiếm những người bị vùi lấp trong hàng chục nghìn m3 đất đá, lực lượng cứu hộ lần lượt tìm thấy thi thể các nạn nhân, nhưng vẫn chưa tìm được thi thể anh. Có người dân xúc động buột miệng nói: "Chắc là trưởng xóm sẽ tiễn mọi người hết rồi anh mới ra". Không ngờ đúng là như vậy, thi thể cuối cùng được tìm thấy chính là anh.


Lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) giúp người dân sơ tán tránh bão số 10. Ảnh: THIỆN LƯƠNG

Ấm tình quân dân, nghĩa đồng chí, đồng bào

Cơn mưa to kéo dài suốt đêm 10-10 làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Kim Bon, huyện Phù Yên (Sơn La) Bàn Văn Châu đang nghỉ lại tại thị trấn chờ hôm sau dự một cuộc họp của huyện không ngủ được. Anh quyết định lấy xe máy đội mưa về nhà ngay trong đêm, kịp cùng người dân phòng, chống mưa lũ. Con đường từ thị trấn huyện Phù Yên lên xã Kim Bon dài 40 km vốn đã khó đi, trong đêm tối mưa xối xả, đất đá tràn xuống càng khó di chuyển. Ðến gần một giờ sáng, anh Châu mới về tới nhà. Trận mưa to như trút nước đêm ấy ở Phù Yên đã gây lũ ống, lũ quét, làm hai người chết, ba người bị thương, 315 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ, tài sản bị hư hỏng nặng nề, thiệt hại hơn 600 tỷ đồng. Toàn xã Kim Bon bị cô lập do đường trong xã có 54 điểm bị sạt lở, ách tắc giao thông, 36 ngôi nhà sạt lở, bị vùi lấp, trong đó 11 nhà phải di dời khẩn cấp.

Suốt một tuần, xã bị cô lập. Ðảng ủy, UBND xã đã phải thực hiện bốn tại chỗ, tập trung lực lượng giúp dân tháo dỡ nhà cửa, di chuyển khỏi vùng nguy hiểm. Những ngày đó, Chủ tịch UBND xã Bàn Văn Châu không ở nhà, mà lặn lội ở những nơi nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao. Cô giáo Hoàng Thị Thư, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS Kim Bon, cho biết: Trong lúc chờ hỗ trợ từ huyện, tỉnh để sửa chữa khu nhà bán trú, gia đình anh Châu đã đón 52 học sinh về ở. Các gia đình khác gần trường cũng đón các cháu về ở tạm. Nếu không có sự hỗ trợ ấy thì có lẽ một tháng nữa các thầy giáo, cô giáo ở đây vẫn chưa có nhà công vụ để ở, học sinh chưa có chỗ ăn nghỉ, học tập.

Chị Ngô Thị Lương (47 tuổi) đã 10 năm làm Bí thư Chi bộ xóm 6, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Ðây là địa bàn ở ngoài đê sông Lam, thường xuyên chịu cảnh lũ lụt. Những ngày đầu tháng 10, vùng rốn lũ này ngập sâu trong nước. Lũ lên nhanh, nhiều gia đình ở xóm 6 trở tay không kịp. Tạm gác công việc gia đình, chị Lương một mình chèo thuyền đến từng nhà đốc thúc mọi người chạy lũ. Bác Trần Duy Lợi (70 tuổi) kể: Tôi ở nhà một mình, ốm đau, lại tàn tật chỉ còn một chân nên không kịp chạy lũ. Nhờ chị Lương và các cán bộ xóm kịp thời giúp đỡ, tôi được đưa đến nơi an toàn. Bất chấp mưa lớn, nước lũ chảy xiết chị Lương vẫn chèo thuyền đến các hộ neo người để giúp sơ tán kịp thời người già, trẻ em. Bà Nguyễn Thị Tích tâm sự: "Giữa lúc nước lũ lên cao, mấy bà cháu chúng tôi đang lo lắng thì thấy chị Lương chèo thuyền đến, mọi người yên tâm vì biết sẽ nhanh chóng được đến nơi an toàn". Theo Bí thư Ðảng ủy xã Hưng Lợi Phan Thị Thơ, nhờ sự tháo vát, nhiệt tình của chị Lương cùng lực lượng xung kích, người dân trong xóm đều an toàn vượt qua những ngày lũ lớn. Sau lũ, chị Lương lại tất bật có mặt ở nhà văn hóa xóm, các nhà neo người để vệ sinh môi trường.

Trong những ngày mưa lũ chia cắt, cô lập nhiều tuyến đường, làm ngập nhiều nhà dân và các điểm cầu tràn trên địa bàn huyện Anh Sơn (Nghệ An), anh Vi Văn Quang, Bí thư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Thọ Sơn cùng đoàn viên, thanh niên trong xã trực tại các điểm xung yếu, ngăn người dân mạo hiểm vượt qua các đoạn đường, khe suối bị ngập, đe dọa tính mạng. Trường tiểu học và THCS xã Thọ Sơn có khoảng 50 học sinh không thể về nhà. Chính quyền xã Thọ Sơn đã cắt cử lực lượng hỗ trợ người dân, học sinh đi lại. Trưa 10-10, nước dâng cao khiến tất cả học sinh ở các thôn 1, 9, 10, 11 không thể về. Anh Quang đã đón 16 học sinh đưa về nhà, đi chợ, nấu cơm cho các em...

Trận mưa to cả ngày 10-10, khiến dòng suối Nung đỏ ngầu nước, cuồn cuộn chảy xiết. Trong đêm, anh Hà Kế Quyết, Bí thư Chi bộ Ao Luông 1, xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) cứ cách vài giờ lại rọi đèn pin ra suối Nung kiểm tra mực nước, để đánh trống báo động chạy lũ. Tờ mờ sáng, nghe tiếng chị Hà Thị Hương nhà phía thượng lưu suối Nung hét lớn: "Có người trôi suối, cứu với!", anh Quyết vội chạy ra. Cách bờ suối khoảng 4 m, anh thấy cạnh chiếc can nhựa trắng trôi cùng cành cây, đụn rác, có một bóng người nhấp nhô. Không kịp suy nghĩ, anh lao ra dòng nước lũ, với tay chụp. Người được cứu là anh Vũ Minh Tâm, sinh năm 1990, ở phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) do nhà sập bị lũ cuốn trôi khoảng 7 km. Quay về nhà, gần một tấn thóc, mấy con lợn của gia đình anh Quyết đã bị nhấn chìm, số cá giống mua hơn ba triệu đồng mới được thả cũng trôi theo dòng lũ.

Tại xã Hợp Tiến, địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lần này của huyện Mỹ Ðức (Hà Nội), mười ngày qua, Chủ tịch Hội Phụ nữ Nguyễn Thị Bè trực tiếp chèo thuyền vận chuyển kịp thời các nhu yếu phẩm cần thiết; tận tình đưa đón các tổ chức, cá nhân thăm hỏi, động viên và tặng quà cứu trợ các hộ dân bị ngập sâu. Ít ai biết rằng, gia đình chị Bè cũng bị thiệt hại lớn, khi 15 ha mặt nước thuê thả cá tại hồ Quan Sơn bị lũ dâng cao, cá tràn ra ngoài. Tổng số tiền mua 15 tấn cá giống, thức ăn từ đầu năm đến nay trị giá 900 triệu đồng không còn lại được bao nhiêu. Chị Bè chia sẻ, hiện vẫn còn nhiều hộ dân bị ngập sâu, cô lập kéo dài, vì thế, một thùng mỳ tôm, bình nước uống, cây nến thắp sáng đến tay người dân kịp thời có giá trị, ý nghĩa rất lớn. Nước rút đến đâu, Hội sẽ huy động các hội viên tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường đến đó, đồng thời, tổng hợp danh sách hội viên nghèo, bị thiệt hại lớn, lên phương án giúp đỡ giống cây trồng, vật nuôi, sớm ổn định cuộc sống.

Vài tuần sau bão số 10, chúng tôi trở lại thăm làng biển Vĩnh Sơn nằm bên đèo Ngang thuộc xã Quảng Ðông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Cuộc sống hằng ngày đã trở lại nhưng vẫn còn đó dấu ấn của trận cuồng phong quét qua làng. Trong câu chuyện với chúng tôi, vợ chồng thương binh già hạng 2/4 Ðinh Xuân Quảng không biết bắt đầu thu dọn từ đâu trên mớ hỗn độn, đổ vỡ ấy. Nhưng khoảng hơn một giờ sau khi bão qua, năm cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn Huấn luyện - cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đến giúp gia đình ông lợp lại toàn bộ mái nhà, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Cách nhà ông Quảng không xa là nhà bà Nguyễn Thị Lài, 74 tuổi, cũng bị tốc mái hoàn toàn. Gia đình bà Lài được cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Roòn đến lợp lại mái nhà kín đáo để mấy bà cháu sớm trở lại cuộc sống bình thường. Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Roòn cho biết, bão số 10 đã làm hư hỏng nặng nhiều công trình của đơn vị. Nhưng tạm gác công việc của Ðồn, Ban chỉ huy huy động tối đa lực lượng tỏa về các địa bàn giúp nhân dân khắc phục hậu quả của bão. "Chúng tôi không nhớ đã tu sửa bao nhiêu trường học, lợp lại bao nhiêu ngôi nhà, bởi đó là nhiệm vụ, là mệnh lệnh. Chúng tôi thấy vui khi người dân được ngủ ngon giấc trong những ngôi nhà ấm áp", anh Sơn chia sẻ.

Thật khó kể hết những nghĩa cử, những việc làm đẹp, đáng trân trọng trong những ngày bão lũ, lúc hoạn nạn, khó khăn. Qua bão lũ, càng sáng hơn hình ảnh những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ quân đội, công an trong lòng đồng chí, đồng bào, càng tôn thêm tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam ta. Nghĩa Ðảng, tình dân trong khó khăn, gian khổ càng mặn nồng, ấm áp.

Trích nguồn: Báo Nhân dân
Biên tập: Mai Hương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi