Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Cần một hoạch định chiến lược để hạt gạo mang lại giá trị cho nông dân

Hội nghị do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh An Giang phối hợp tổ chức, với sự tham gia của trên 200 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương vùng ĐBSCL.

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích, năng xuất, sản lượng lúa của ĐBSCL liên tục tăng từ 1995 đến năm 2015. Thời gian qua sản xuất lúa góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, ổn định chính trị, xã hội vùng ĐBSCL; góp phần quan trọng tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành…

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, sản xuất lúa gạo của ĐBSCL còn nhiều tồn tại. Cụ thể, hiệu quả giá trị, gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường lúa gạo còn thấp, chủ yếu do tỷ lệ thất thoát cao (13,7%). Khả năng cạnh tranh thương mại và hội nhập quốc tế của sản phẩm lúa gạo chưa cao; thị trường lúa gạo thiếu tính ổn định; thu nhập của nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL còn thấp…

Theo Thủ tướng, thời gian qua chúng ta đã nỗ lực và có khát vọng xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, nhưng chưa có phương pháp tốt nên không làm được. Vì vậy, các Bộ, ngành cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, nhất là về khoa học công nghệ. Phải bỏ tư duy sản xuất chạy theo sản lượng năm sau phải cao hơn năm trước, trong khi đó giá trị thấp. Thay vào đó là sản xuất chuyên sâu, nâng cao giá trị của ngành hàng, làm theo quy trình gạo hữu cơ, an toàn thực phẩm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tham quan một số gian hàng trưng bày sản phẩm lúa gạo của các doanh nghiệp tham dự Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL” .

Để rộng đường cho ngành hàng lúa gạo vươn ra thế giới, Thủ tướng yều cầu phải bỏ ngay quy định quy hoạch về thương nhân xuất khẩu gạo; đổi mới tổ chức, hoạt động của Hiệp hội lương thực Việt Nam; thay đổi chích sách thuế, mở rộng quy định hạn điền, ưu tiên vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp…

Tại hội nghị, các tham luận nhất trí cho rằng, lúa gạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia trong điều kiện dân số tăng, đất nông nghiệp giảm do công nghiệp hóa, đô thị hóa và tác động của biến đổi khí hậu. Nhu cầu tiêu thụ, giá gạo thế giới tăng do sự tăng dân số toàn cầu và sử dụng vào các mục đích khác.

Tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2016, xuất khẩu gạo của nước ta đạt trên 4,8 triệu tấn, thu về 2,17 tỉ USD, giảm cả về số lượng và giá trị. Cùng với việc có thị trường xuất khẩu gạo ổn định, điều đáng mừng là năm 2016, giá gạo đã tăng trên 27 USD/tấn so với năm 2015. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, chưa bao giờ thị trường gạo xuất khẩu lại có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Do đó, gạo Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Trong khi đó, thế giới có xu hướng bảo hộ thị trường trong nước, tạo các rào cản kỹ thuật đối với gạo Việt Nam; nhiều nước có hàng rào phi thuế quan, kỹ thuật liên quan đến truy suất nguồn gốc, năng lực, điều kiện… gây khó khăn cho xuất khẩu gạo của nước ta. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL”.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL tiếp tục được xác định là an ninh lương thực quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Ngành lúa gạo đứng trước giờ “G” của công cuộc đổi mới, đòi hỏi tư duy kiến tạo. Vì thế, cần tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm hoạch định chiến lược để hạt gạo mang lại giá trị cho nông dân.

Vậy tầm nhìn đó là gì? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho rằng: “Việt Nam phải xuất khẩu đạt kim ngạch hàng đầu thế giới; phấn đấu từ 10 - 20 năm tới củng cố, góp phần khẳng định chúng ta là nền nông nghiệp lâu đời nhất thế giới. Để có được điều đó, tôi đề nghị chúng ta phải đổi mới lúa gạo bằng giải pháp đột phá về thể chế chính sách. Cụ thể, là mở rộng hạn điền, hình thành cánh đồng lớn, liên kết hộ nông dân; tổ chức mô hình HTX kiểu mới để có lợi nhất cho người trồng lúa”.

Ngoài ra, Thủ tướng chỉ ra điểm yếu hiện nay là lúa từ nông dân ra nhà máy chế biến đi lòng vòng, chi phí lớn. Vì thế, các địa phương cần tìm cách hạn chế lúa đi qua “cò”, làm ảnh hưởng lợi nhuận của nông dân, mà nên thông qua HTX và cần làm tốt khâu này để giảm chi phí. Mặt khác, chi phí lãi vay ngân hàng trong đầu tư, thu mua, chế biến còn cao, chưa có tín dụng hợp lý nên cần tính toán lại để hỗ trợ. Song song đó, ngành nông nghiệp cũng cần chú trọng vào thị trường tiêu thụ nội địa, tăng cường khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà, không để thua thiệt khi gạo ngoại tràn vào…

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Đỗ Thu (T2)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi