Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Chính phủ và doanh nghiệp cần có hành động chung để kích hoạt một nền kinh tế tuần hoàn

Ngày 24/12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp cùng Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng Kinh tế tuần hoàn (KTTH), vì mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, mô hình nghiên cứu tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”.

Hội thảo do Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đồng chủ trì.

Tham dự hội thảo có PGS.TS. Phạm Văn Linh, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các sở ngành, các viện, trường, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp…

“Chính phủ và doanh nghiệp cần có hành động chung để kích hoạt một nền kinh tế tuần hoàn” -0
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu và một số điểm cầu trực tuyến khác.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích kết nối, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, học tập kinh nghiệm từ các mô hình phát triển bền vững của các nước tiến tiến, cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, pháp luật vì mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), đặc biệt là các thành tựu về khoa học, công nghệ, kinh tế số gắn liền với nhu cầu thực tiễn nhằm triển khai hiệu quả mô hình KTTH; nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn của đội ngũ lãnh đạo, quản lý và vận hành phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.

“Chính phủ và doanh nghiệp cần có hành động chung để kích hoạt một nền kinh tế tuần hoàn” -0
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Viết Thanh cho biết Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có vị trí trọng yếu kết nối kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh vùng Đông Nam Bộ, đồng thời là địa phương có nhiều giá trị văn hóa lịch sử cách mạng rất quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo trong bảo tồn, khai thác và phát triển kinh tế - xã hội…

Áp dụng mô hình KTTH đang là xu thế của thế giới, do đó việc nghiên cứu ứng dụng mô hình KTTH tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương là yêu cầu mang tính cấp thiết hiện nay và là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm chiến lược phát triển bền vững theo chương trình Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 31/10 - 12/11/2021 tại Glasgow (Anh), hiện thực hóa cam kết, mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Trình bày tại hội thảo cũng như nội dung các bài tham luận gửi về hội thảo của các chuyên gia đã tập trung phân tích bối cảnh quốc tế, những yếu tố tác động tới hoạt động phát triển bền vững kinh tế biển nói chung của Việt Nam và của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh hiện nay của các nước trên thế giới, đặc biệt là các mô hình phát triển kinh tế biến đảo thành công của thế giới, các nền kinh tế biển, hải đảo có điều kiện tự nhiên, xã hội tương đồng.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã trình bày quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTH, mục tiêu tăng trưởng xanh, bảo vệ tài nguyên môi trường trong giai đoạn mới. Cơ sở, điều kiện có thể vận dụng vào việc ứng dụng các mô hình, phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.  

“Chính phủ và doanh nghiệp cần có hành động chung để kích hoạt một nền kinh tế tuần hoàn” -0
Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phân tích vị trí, đặc thù của tỉnh về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và những thách thức, khó khăn vướng mắc mà tỉnh đang phải đối mặt… Đồng thời, đề xuất nghiên cứu áp dụng mô hình KTTH tại huyện Côn Đảo nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay, xây dựng điển hình trong ứng dụng KTTH tại địa phương.

Các chuyên gia tham gia hội thảo cũng đã trao đổi nhiều kinh nghiệm, mô hình ứng dụng KTTH thành công trên thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm tại các đất nước, quần đảo có điều kiện tự nhiên, xã hội tương đồng với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với đặc trưng phát triển kinh tế biển như Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Châu Âu.   

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH (ICED), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều tiềm năng để áp dụng mô hình KTTH. Việc phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gắn với mô hình KTTH thông qua áp dụng các nguyên tắc KTTH không những đảm bảo lộ trình phát triển đô thị hiện đại mà còn giảm tác động môi trường, thúc đẩy kinh tế và tạo nhiều có hội việc làm hướng đến một đô thị phát triển bền vững và thịnh vượng trong tương lai.

Tại hội thảo, Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành đã trình bày tham luận “Nghiên cứu xây dựng mô hình hệ sinh thái KTTH ứng dụng tư duy hệ thống trong CMCN 4.0”. Đồng chí đã nêu rõ về lịch sử KTTH, với các khái niệm, bản chất và vai trò của nền KTTH.

Theo Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, để quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt và đối phó với lượng chất thải ngày càng tăng, chúng ta phải tránh xa tư duy phát triển kinh tế tuyến tính (sử dụng tài nguyên tăng dần) truyền thống như: khai thác, sản xuất, xử lý mà phải chuyển sang chu trình khép kín đối với tất cả các tài nguyên được sử dụng. Nói một cách đơn giản, văn hóa tiêu dùng phải được thay đổi. Bằng cách giữ lại các sản phẩm, bao bì cũng như các nguồn lực được lưu chuyển càng lâu càng tốt, chúng ta mới có thể giải quyết được các vấn đề của nền kinh tế hiện tại là nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.

“Chính phủ và doanh nghiệp cần có hành động chung để kích hoạt một nền kinh tế tuần hoàn” -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành cho rằng hiện tại chúng ta đang hoạt động trong một nền kinh tế mà mọi nguồn tài nguyên và tiêu thụ cũng như rác thải luôn gia tăng tuyến tính, việc chuyển đổi hệ thống sẽ cần phải mạnh dạn đi đầu, hợp tác, đổi mới và cam kết thay đổi hiện trạng. Do đó, hướng tới một nền KTTH hơn là một đề xuất hợp lý. Sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm, giải quyết biến đổi khí hậu, tăng cường sự hài lòng của người tiêu dùng, đồng thời cải thiện điểm mấu chốt.

Từ đó, Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành nêu lên 4 bước quan trọng đối với nền KTTH. Bao gồm: Vai trò lãnh đạo và hoạch định chính sách; Thích ứng với cuộc CMCN 4.0; Chuỗi giá trị vật liệu tuần hoàn; Thúc đẩy hợp tác là chìa khóa thành công. Một số lĩnh vực trọng tâm trước mắt cần thúc đẩy KTTH: Ngành may mặc, thời trang tuần hoàn; Thúc đẩy kinh tế nhựa, chất dẻo tuần hoàn; Thúc đẩy các sáng kiến tuần hoàn về sản xuất, tiêu dùng lương thực, thực phẩm; Tuần hoàn điện tử tiêu dùng.

Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành khuyến nghị Chính phủ và doanh nghiệp cần phải có hành động chung cho sự thay đổi huy động hành động toàn cầu để kích hoạt một nền KTTH. Khi các giải pháp tuần hoàn xuất hiện, sự phối hợp quốc tế giữa nhiều bên là rất cần thiết để xây dựng chính sách và khuyến khích, và sắp xếp các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm cân bằng kinh tế và cho phép các giải pháp tuần hoàn ở quy mô quốc gia và toàn cầu.

“Để phát triển KTTH ở Việt Nam cần phải hiểu rõ bản chất và luận cứ được cách thức phát triển này gắn với hợp tác công - tư và sự ủng hộ của cộng đồng người tiêu dùng. Nhận thức được các thách thức của CMCN 4.0, các công nghệ chủ đạo của CMCN 4.0 để tiếp cận, vận dụng cho phát triển KTTH”, Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.\

Theo Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, KTTH là một khái niệm đã phát triển qua nhiều thập kỷ để trở thành một sự thay thế khả thi cho hệ thống tiêu dùng lãng phí hiện tại. Nó đang dần dần hình thành và được áp dụng, đòi hỏi ít hy sinh của người tiêu dùng hay ngành công nghiệp. Hệ thống này sẽ đi tiên phong trong thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang và tái chế lâu dài.

Khi thế giới ngày càng nhận thức được tác động của loài người đối với hành tinh của chúng ta, hệ thống kinh tế mới cần phải giải quyết bản chất hữu hạn của tài nguyên không tái tạo, mà còn xử lý lượng chất thải lớn đã tạo ra.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi