Bộ LĐ-TB&XH đề xuất trích 6 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động bị mất việc, có nguy cơ mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đề xuất được đánh giá cao trong bối cảnh doanh nghiệp và người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19...
Tuy nhiên, đề cập đến vấn đề này, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng chính sách cần phải đi vào thực tiễn, tránh việc có cũng như không như gói hỗ trợ trước đây doanh nghiệp không thể tiếp cận do điều kiện quá ngặt nghèo.
Doanh nghiệp thận trọng
Dự kiến có khoảng 1 triệu lao động được hỗ trợ tối đa 6 tháng với mức 1 triệu đồng/tháng nếu chính sách được ban hành. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng phải thỏa mãn không ít các điều kiện như: phải thay đổi công nghệ, đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ, trong đó thể hiện doanh thu bị giảm từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019… thì mới có thể tiếp cận được nguồn vốn này.
Đề cập đến vấn đề này, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, đại dịch còn tiếp diễn, chưa dự đoán được thời điểm kết thúc, nên chính sách hỗ trợ là cần thiết. Với khoảng 12 nghìn lao động, thời gian qua đơn vị đã phải bỏ chi phí ra đầu tư công nghệ, đào tạo lại công nhân, ngoài ra còn bù lương cho người lao động. Bởi vậy, doanh nghiệp cần hai khoản hỗ trợ gồm kinh phí để chuyển đổi và chi phí bù đắp cho giai đoạn đầu chuyển đổi (khoảng 3 tháng đầu).
|
Đào tạo lại trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay là rất cần thiết.
|
“Với 4 tiêu chí của gói hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp sẽ khó chứng minh doanh thu tài chính giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 dù khó khăn là có thật. Nếu chính sách triển khai, cần có hướng dẫn cụ thể cho từng ngành nghề, vì mỗi ngành có đặc thù, chịu mức độ ảnh hưởng khác nhau”, ông Việt cho biết.
Việc đào tạo lại lao động tại Công ty cổ phần May Nam Hà đã được đơn vị này tiến hành từ tháng 4-2020 khi cả nước cách ly xã hội. Điều này là tất yếu khi công ty cần chuyển đổi một số mặt hàng để tạo việc làm cho người lao động.
Theo đó một phần công nhân được chuyển từ sản xuất quần áo bơi sang may khẩu trang. Người lao động được đào tạo tại chỗ để học thêm cách vận hành máy móc. Công ty hỗ trợ kinh phí và cử người kèm cặp, thậm chí trả thêm tiền lương sản phẩm để khuyến khích công nhân học công nghệ mới.
“Yêu cầu doanh thu giảm từ 20% trở lên đối với doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh hiện nay rất dễ đáp ứng. Xong làm hồ sơ có nhận được hỗ trợ hay không thì chưa dám chắc vì trong đó còn một yêu cầu nữa là phải thay đổi công nghệ. Chúng tôi đã thay đổi công nghệ rồi giờ không thể tiếp tục thay đổi nữa. Gói hỗ trợ doanh nghiệp 16 nghìn tỷ năm ngoái, dù gặp không ít khó khăn nhưng vì điều kiện quá khó nên công ty chúng tôi đã không làm hồ sơ để vay gói này”, ông Đoàn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT May Nam Hà cho hay.
Chính sách cần phải đi vào cuộc sống
Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH), chế độ đào tạo, bồi dưỡng để người lao động duy trì việc làm theo quy định trong Luật Việc làm điều kiện thụ hưởng rất chặt. Do đó, việc có nới rộng hơn các điều kiện theo đề xuất này cũng chỉ là nới tạm thời căn cứ trên đề xuất của các hiệp hội như Dệt may, Da giày. Việc nới này nằm trong thẩm quyền của Chính phủ để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn.
“Quy định về điều kiện phải theo luật, trong phân cấp của Chính phủ chỉ nới các điều kiện về kinh phí, điều kiện khó khăn. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi công nghệ sản xuất kinh doanh và đào tạo lao động để sử dụng tiếp thì sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo. Hiện vấn đề này vẫn đang tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, sau đó Cục Việc làm sẽ trình Bộ LĐ-TB&XH để Bộ trình Chính phủ”, ông Tú cho biết.
Trao đổi với PV, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đánh giá, về mặt chủ trương chính sách này là rất tốt, có ý nghĩa với doanh nghiệp và lao động đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Vấn đề là làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được.
Do đó, muốn biết doanh nghiệp cần gì, người lao động cần gì thì lấy ý kiến thực tế từ các doanh nghiệp và người lao động, như thế chính sách mới đi vào cuộc sống. Rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ trước đây, khi thực hiện cần liên tục kiểm tra, đánh giá chính sách để điều chỉnh kịp thời nếu có những khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp và người lao động.
“Không chỉ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà người lao động cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ việc làm từ cuộc cách mạng 4.0. Việc đào tạo lại lao động có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Dùng nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động cũng là đúng luật vì luật đã quy định, nguồn quỹ này ngoài việc hỗ trợ thất nghiệp còn dùng để đào tạo lại lao động. Do đó, chúng ta phải tính toán để sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này và hỗ trợ được người lao động”, ông Huân cho hay.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, cho rằng, chính sách hỗ trợ học nghề là rất cần thiết đối với người lao động hiện nay. Tuy nhiên, đào tạo cần phải thực tế, phù hợp với bối cảnh thị trường việc làm mới như ngành nghề nào phù hợp, không phù hợp thì không đào tạo nữa. Xây dựng kịch bản đào tạo, chuyển đổi nghề cụ thể là rất quan trọng.
“Không chỉ lý do dịch bệnh mà việc hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động để đáp ứng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cũng là cần thiết. Do đó, phải làm sao để doanh nghiệp dễ tiếp cận. Những điều kiện như bắt buộc phải là sụt giảm doanh thu từ 20% trở lên mới được hỗ trợ cần phải xem xét cụ thể. Con số này có phần “cảm tính”, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng ta cần rút kinh nghiệm từ các chính sách trước để sử dụng nguồn tiền cho phù hợp”, TS Nguyễn Thị Lan Hương cho hay.
Nguồn: Báo CAND