Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Chủ dự án nuôi trồng thủy sản khai thác trái phép 1.000 m3 cát sông

Ngày 20/12, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) cho biết đã có kết quả giám định mẫu tang vật cần giám định thu dưới lòng sông Cổ Chiên, kết quả xác định là cát  xây dựng thông thường.

Việc giám định mẫu tang vật để củng cố hồ sơ xử lý đối với ông Nguyễn Văn Lịch (huyện Mang Thít) về hành vi "vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản", xảy ra tại xã Mỹ An. Cơ quan chức năng xác định ông Lịch đã khai thác trái phép khoảng 1.000m3 bùn, đất, cát (kết quả giám định là cát) từ dưới lòng sông Cổ Chiên.

Chủ dự án nuôi trồng thủy sản khai thác trái phép 1.000 m3 cát sông -0
Ông Nguyễn Văn Lịch thừa nhận đã hút 1.000m3 bùn, đất, cát dưới sông Cổ Chiên.

Ông Nguyễn Văn Diên, Chủ tịch UBND huyện Mang Thít cho biết sau khi có kết quả giám định, UBND huyện sẽ hoàn tất hồ sơ, trình UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền.

Ông Lịch là chủ dự án nuôi trồng thủy sản ở huyện Mang Thít. Dự án này từng được Sở Tài Nguyên Môi trường kiến nghị lập thủ tục thu hồi nhưng đến nay, UBND huyện Mang Thít không thực hiện.

Lý giải về việc này, Chủ tịch UBND huyện Mang Thít cho rằng thời điểm Sở Tài nguyên Môi trường kiến nghị, bộ phận Văn thư không nhận được văn bản (?). Hiện nay dự án đang tiếp tục triển khai.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mang Thít, vụ việc liên quan đến nhiều thành phần, nhiều cơ sở và nhiều người. Đến nay, UBND huyện Mang Thít vẫn chưa giải quyết được nên đã báo cáo và có đề xuất gửi UBND tỉnh Vĩnh Long.

Chủ dự án nuôi trồng thủy sản khai thác trái phép 1.000 m3 cát sông -0
Dự án nuôi trồng thủy sản khai thác cát trái phép, lấp bờ bao lấn sông Cổ Chiên. 

Như Báo CAND đã thông tin, năm 2007, ông Lịch được UBND huyện Mang Thít cho thuê 65.781m2 đất mặt nước ở xã Mỹ An, với tiền thuê 75 đồng/m2/năm, nộp tiền hàng năm. Sau hơn 8 năm thuê đất, ông Lịch không triển khai dự án nuôi trồng thủy sản. Năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long đã kiểm tra, kiến nghị UBND huyện lập thủ tục thu hồi đất. Tuy nhiên, UBND huyện Mang Thít không thực hiện.

4 năm sau, Chủ tịch UBND huyện Mang Thít tiếp tục đề xuất cho ông Lịch được gia hạn 24 tháng triển khai dự án nuôi trồng thủy sản. Năm 2019, ông Lịch mới triển khai dự án, tức sau 12 năm được huyện Mang Thít cho thuê đất.

Quá trình triển khai dự án, tháng 5/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận đơn tố giác về việc hút cát sông của tập thể các hộ dân ở xã Mỹ An đối với dự án trên. Thanh tra Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan, khảo sát khu vực phần đất ông Lịch đang thuê, phát hiện có bơm hút đất cát từ lòng sông Cổ Chiên.

Ông Lịch thừa nhận việc thực hiện dùng xáng hút bơm bùn, đất, cát từ lòng sông lên để đắp bờ ao cá nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Ngành chức năng đã đo đạc lại phần đất thi công bơm hút bùn, đất, cát của ông Lịch. Kết quả phần bùn, đất, cát bơm san lấp đê bao khoảng 5.271m3.

Ông Lịch trình bày nguồn gốc vật liệu san lấp, gồm: nguồn bơm từ dưới sông Cổ Chiên khoảng 1.000m3; lấy đất từ trong khu đất thuê để san lấp khoảng 3.000m3 và phần còn lại khoảng 1.200m3 lấy từ các mỏ cát và mua nơi khác chở đến. 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL chỉ ra hàng loạt dấu hiệu vi phạm luật, liên quan đến việc lấn sông Cổ Chiên và khai thác trái phép bùn đất, cát sông của ông Lịch.

“Dự án này rõ ràng có tính chất là một dự án lấn sông, cản trở dòng chảy, có dấu hiệu vi phạm nhiều luật. Sông Cổ Chiên là một nhánh chính của sông Cửu Long, được định nghĩa là nguồn nước liên quốc gia và là lưu vực sông liên tỉnh theo Khoản 7, Điều 2 và Khoản 9, Điều 2, Luật tài nguyên nước. Hành vi lấn sông, tạo chướng ngại, cản trở thoát lũ, lưu thông nước là hành vi bị nghiêm cấm theo Khoản 4 và việc khai thác cát trái phép ở đây cũng là hành vi bị cấm tại Khoản 5, Điều 9 của Luật tài nguyên nước”.

Hành vi lấn sông cũng là hành vi cải tạo bãi sông có thể gây ra nguy cơ sạt lở ở vùng lân cận, ảnh hưởng xấu đền sự ổn định bờ, bãi sông vùng lân cận thì phải chịu sự điều chỉnh của Điều 63, Luật tài nguyên nước. Khoản 2, Điều 48 quy định việc khai thác tài nguyên nước phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng không được phép cản trở dòng chảy. 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện viện dẫn thêm Khoản 1, Điều 29, Luật Bảo vệ môi trường, dự án này thuộc nhóm phải Đánh giá sơ bộ tác động môi trường liệt kê tại Mục 3, Khoản 3, Điều 28. Với diện tích dự án đến 65.781m2, tức là lớn hơn 1 hecta thuộc diện phải Đánh giá tác động môi trường. Hành vi lấn chiếm bãi sông, tạo vật cản, cản trở dòng chảy, khai thác trái phép cát sỏi, gây sạt lở bờ sông bị nghiêm cấm tại Khoản 4, Điều 12, Luật Phòng chống thiên tai.

“Về mặt tác động, dự án có tính chất lấn sông này làm hẹp, ảnh hưởng đến dòng chảy của đoạn sông Cổ Chiên. Đặc biệt lưu ý, sông Cổ chiên là một nhánh sông chính của sông Cửu Long. Vào những năm lũ lớn, sông Cổ Chiên cần được thông thoáng để thoát lũ”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nói.

Dòng chảy sông qua bất cứ đoạn nào của dòng sông đều phải giải quyết vấn đề năng lượng dòng chảy. Khi lấn sông làm hẹp dòng chảy, vận tốc dòng chảy phải tăng lên, chảy xiết hơn và có khuynh hướng đào sâu đáy sông hoặc gây sạt lở bờ bên kia để phục hồi diện tích mặt cắt ướt của sông tại khu vực đó.

“Việc lấn sông cũng làm thay đổi hướng dòng chảy làm gia tăng sự va đập dòng chảy vào bờ bên kia và đổi hướng dòng chảy ở phía hạ lưu. Trong trường hợp này, cồn Phú Đa có thể bị đe dọa sạt lở ở phía đầu cồn. Ngoài ra, hành vi khai thác cát lòng sông trái phép của dự án này làm cho đáy sông sâu hơn và gây gia tăng sạt lở bờ sông”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện khẳng định.

Sông Cổ Chiên là một nhánh chính của sông Cửu Long, một dự án như thế cần phải được xem xét cẩn thận về khía cạnh pháp lý và tác động để không tạo ra một tiền lệ xấu cho hệ thống sông Cửu Long, mạch máu của ĐBSCL.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi