Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 đã chính thức khép lại, giải Nhất trong lĩnh vực y dược được trao cho công trình “Nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh máu” của nhóm tác giả gồm 13 người, nhóm trưởng là GS. TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
“Vinh dự được nhận giải Nhất về Y học của Nhân tài Đất Việt năm 2016, tập thể Viện huyết học - Truyền máu Trung ương chúng tôi, nhóm thực hiện đề tài chúng tôi rất vui sướng và tự hào. Bởi đây là sự khẳng định, sự cố gắng, nỗ lực của những người làm khoa học của Viện huyết học truyền máu Trung ương được cộng đồng, được xã hội, được Đảng và Nhà nước công nhận”, GS Trí nói.
Bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - trao giải Nhất lĩnh vực Y dược cho GS Trí và các cộng sự Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương
Theo đánh giá của cá nhân GS Trí, đề tài “Cụm công trình nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh máu” là công trình rất đồ sộ vì liên quan rất nhiều mảng. Trong đó, thành quả lớn nhất là xây dựng thành công 1 ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng để có nguồn tế bào gốc điều trị cho các bệnh lý ác tính ở người.
“Với ngân hàng tế báo gốc này, chúng tôi đã lưu giữ được hơn 3.000 mẫu máu dây rốn, từ chỗ hiến tặng của cộng đồng rồi phục vụ cho cộng đồng. Đó là những khối tế bào gốc tốt về chất lượng, đủ về mặt số lượng”, GS Trí khẳng định.
Theo GS Trí, biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho những nhóm bệnh về tế bào gốc tạo máu chính là thay thế những tế bào tổn thương đó bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, kỹ thuật này mặc dù đã phổ biến rất rộng rãi trên thế giới nhưng còn chưa được triển khai mạnh mẽ ở Việt Nam. Bệnh nhân muốn có cơ hội được điều trị bằng ghép tế bào gốc phải ra nước ngoài, chi phí tốn kém.
Được biết, từ tháng 11/2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương đã được thực hiện thành công tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Đến thời điểm hiện tại, Viện đã ghép thành công hơn 200 ca. Cho đến nay, Viện cũng thực hiện thành công 10 ca ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng.
Ông Trí khẳng định, kết quả trên đã khẳng định các mẫu máu dây rốn từ ngân hàng có chất lượng và tiềm năng ứng dụng rất tốt. Kết quả này có thể đáp ứng được nhu cầu ghép tế bào gốc đồng loại ngày một tăng cao của các bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nói riêng và bệnh nhân mắc các bệnh về máu của Việt Nam nói chung.
“Đây là kỹ thuật có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Kỹ thuật này lấy từ máu dây rốn nay lại trở thành phương thuốc kỳ diệu cho người bệnh. Nguồn tế bào gốc được lưu trữ không chỉ được sử dụng để điều trị bệnh máu mà còn có thể sử dụng cho để ghép tế bào gốc điều trị nhiều bệnh khác như: Tiểu đường, parkinson, bệnh lý thần kinh..." - GS Trí thông tin.
Vì tế bào gốc là những tế bào có khả năng biệt hóa thành những tế bào khác nhau trong cơ thể. Mỗi khi một mô nào đó của cơ thể bị thương, bị mất đi do già hóa hoặc chết tự nhiên… thì tế bào gốc sẽ lập tức “sửa chữa”, thay thế cho các tế bào này. Đến nay, tỉ lệ ghép tế bào gốc thành công ở nhóm ghép tự thân là 70%, nhóm ghép đồng loại là 63,3%. Kết quả ghép thành công ở nhóm bệnh lành tính lên đến gần 90%, nhóm bệnh ác tính thành công 56,5%.
Tỉ lệ thành công của ghép tế bào gốc là tiền đề, là động lực lớn để triển khai đối tượng ghép sang nhiều nhóm bệnh khác như u lympho ác tính, lơ xê mi kinh dòng hạt, suy tủy xương, tan máu bẩm sinh, đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm… Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ luôn nỗ lực không ngừng nghỉ vì người bệnh, để tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả nhất, mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho bệnh nhân.
Trích nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ KH & CN
Biên tập: Trần Hương (T2)