Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
“Cởi trói” rào cản về cơ chế, chính sách

Số còn lại ra đời từ năm 2006 trở đi với hơn 50 trường, trong đó nhiều trường chưa thể nào có đủ điều kiện đảm bảo chất lượng như mong muốn, nhất là trong bối cảnh phải cạnh tranh không cân sức với đại học công lập.

Để các đại học NCL có thể phát triển và khẳng định thương hiệu trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là phải xác lập được một cơ chế, môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử.

Chỉ nên đầu tư cho trường tốt

GS Hoàng Xuân Sính nêu quan điểm: “Cơ chế chính sách của nhà nước tới bây giờ, ngoài quy chế ban hành và giấy phép cho mở trường NCL thì tuyệt nhiên chưa có bất kỳ hỗ trợ gì khác.

Điều này cũng dễ hiểu vì ta cho ra đời mô hình này để giảm tải và giải quyết khó khăn về tài chính cho các trường công. Cá nhân tôi cho rằng, lý luận như vậy còn phiến diện. Để đầu tư cho giáo dục có hiệu quả, ta hãy làm như nhiều quốc gia đang làm.

Cần tạo hành lang pháp lý và môi trường cạnh tranh bình đẳng để các trường NCL phát triển. (Ảnh: minh họa)

Đó là đầu tư cho trường nào tốt, hoạt động có hiệu quả, dù nó là công hay tư. Trong khi đó, thái độ của chúng ta đối với trường NCL hiện nay giống như với doanh nghiệp: Doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, nhưng nhà nước vẫn ra sức đổ tiền vào để nó tồn tại”.

GS Trần Hồng Quân cho rằng: Mặc dù tài trợ của nhà nước mang tính phúc lợi giáo dục và tín dụng ưu đãi cho sinh viên thì không phân biệt công hay tư song chính sách học phí hiện nay không có sự công bằng giữa sinh viên công lập và sinh viên ngoài công lập. Sinh viên NCL phải trả phí đào tạo 100%, còn sinh viên công lập chỉ phải trả 30-40% chi phí đào tạo, phần còn lại đều do nhà nước bao cấp.

Để tạo lập sự bình đẳng giữa trường công lập và NCL, GS Trần Hồng Quân đề xuất: Ngoại trừ một số ngành đặc biệt, phục vụ công ích và hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, không được dùng ngân sách nhà nước bao cấp chi phí đào tạo cho sinh viên giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập như bấy lâu nay. Điều này sẽ tạo ra sự công bằng cả về nghĩa vụ và quyền lợi, tránh được những hệ lụy tiêu cực mà người học và xã hội mong muốn.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục NCL nói chung, ĐH NCL nói riêng cần được Nhà nước nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh cho phù hợp theo Nghị quyết 29 Ban chấp hành Trung ương Khóa XI như quy định cụ thể bản chất sở hữu của trường ĐH dân lập, ĐH tư thục vì lợi nhuận, ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; đặc biệt là quy định về việc chuyển từ ĐH dân lập sang tư thục vốn còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho chính các trường.

GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT thì khẳng định: Bộ GD&ĐT cần đẩy nhanh việc phân tầng và xếp hạng các trường ĐH một cách khách quan, công bằng, không phân biệt công tư  để các trường ĐH ở tầng nào làm đúng “phận sự” ở tầng đó, đúng theo chức năng nhiệm vụ của mình.

Dù hiện nay chưa có quy định rõ ràng nhưng Bộ cũng đã có quy định 16 trường ĐH, học viện trọng điểm quốc gia, 2 ĐH quốc gia và 5 ĐH vùng. Đó là ĐH tầng trên, các trường này nên làm nhiệm vụ của mình, không nên tuyển sinh một cách tràn lan và lấn sân sang các trường tầng dưới như hiện nay.

Sẽ tạm dừng thành lập trường công, khuyến khích mở trường tư

Khách quan mà nói, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng khó khăn của các trường NCL không chỉ do sự bất cập của cơ chế, chính sách mà còn ở cách làm “ăn xổi ở thì” của một số trường.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường ra đời một cách vội vã, không có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giáo trình. Chưa hết, cuộc chạy đua mở ngành khiến rất nhiều trường đổ xô đào tạo một vài ngành thời thượng dẫn đến quá tải, khủng hoảng thừa.

Bên cạnh đó, một số trường vẫn để xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi, nảy sinh mất đoàn kết; các nhà đầu tư tài chính thuần túy nắm quyền làm chủ hoàn toàn, còn các nhà giáo, nhà khoa học trở thành người làm thuê dẫn đến chất lượng chuyên môn giảm sút. Cá biệt, có một số trường, nội bộ mất đoàn kết kéo dài, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sư phạm.

Năm 2011, Bộ GD&ĐT tiến hành kiểm tra 24 trường NCL cho thấy, đa số các trường đều vi phạm cam kết, trong đó, có đấu đá giữa các nhà đầu tư, có biểu hiện lợi dụng chính sách, đầu cơ; cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên vừa thiếu vừa yếu dẫn đến chất lượng kém. Đội ngũ quản lý một số trường NCL có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Có ba vấn đề lớn của các trường NCL nên bàn thảo và đưa ra phương pháp xử lý tập trung, đó là cơ chế chính sách, vấn đề tuyển sinh và việc xác định chiến lược để phát triển bền vững. Khó khăn trước mắt và vấn đề lớn nhất của các trường NCL hiện nay là việc tuyển sinh. Bởi nếu không giải quyết được bài toán này sẽ rất khó khăn trong hoạt động.

Trước những vấn đề liên quan đến các trường NCL hiện nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập tổ công tác để tiến hành khảo sát toàn bộ các trường NCL về các nội dung như thực trạng của các trường, môi trường pháp lý cho các trường NCL hoạt động như thế nào, mô hình cơ cấu các trường NCL, điều kiện thành lập trường thế nào, đội ngũ giảng viên... Sau khi có tất cả dữ liệu, Bộ GD&ĐT mới biết để 'bắt mạch', kê đơn, có văn bản trình Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các trường.

“Cơ thể nào yếu quá thì không nên chữa nữa. Còn ai chữa được là phải chữa đến cùng cho tốt lên. Không chữa được thì khuyên các trường thoái vốn, cắt lỗ, sáp nhập hay thế nào đó. Tôi mong muốn đến năm 2020, có 5-7 trường NCL ngang ngửa với trường ĐH công lập. Năm 2035, phải có 2, 3 trường thuộc top cao.

Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành Giáo dục, tôi khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ phải đi tiên phong trong vấn đề tạo hành lang pháp lý, có định hướng chắc chắn, mạch lạc thực sự để các trường ĐH ngoài công lập có thể phát triển”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ không thành lập các ĐH công lập nhưng khuyến khích ĐH tư thành lập nếu đủ điều kiện.

Còn đối với các trường NCL đang hoạt động, muốn tồn tại và phát triển bền vững, các trường phải xây dựng được chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo để tự định đoạt lấy thương hiệu cho mình.

Nguồn: Báo CAND
Biên tập: Đỗ Thị Thu

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi