Thứ Sáu, 22/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Công an nhân dân đấu tranh bảo vệ chính quyền sau cách mạng tháng 8-1945

 

Đội Trinh sát Sở Công an Bắc Bộ trực tiếp điều tra khám phá tổ chức phản động Quốc dân Đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội, ngày 12-7-1946.

Nhật đầu hàng, thời cơ cách mạng đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước cùng đứng lên tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội; ngày 23-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế, Quảng Bình…, ngày 25-8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn, Vĩnh Long,…

Trong không khí sục sôi thắng lợi của cách mang tháng 8-1945, lực lượng Công an nhân dân đã ra đời: ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và Liêm phóng toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ. Đồng chí Lê Giản được giao nhiệm vụ là Giám đốc Việt Nam Công an vụ đầu tiên. Việt Nam Công an vụ lúc này có những nhiệm vụ: Thứ nhất, tìm kiếm và tập trung các tin tức và tài liệu liên can đến sự an toàn của quốc gia, hoặc bề trong, hoặc bề ngoài. Thứ hai, đề nghị thi hành các phương pháp đề phòng những sự hành động có thể làm rối việc trị an và mất trật tự trong nước, bất cứ sự hoạt động đó là do người Việt Nam hay người ngoại quốc. Thứ 3, điều tra về những hành động trái phép và truy tìm người can phạm giúp tòa án trong sự trừng trị. Ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ, quy định Việt Nam Công an vụ có 3 cấp: ở Trung ương gọi là Nha công an Việt Nam; ở Bắc, Trung, Nam gọi là Sở công an; các tỉnh gọi là Ty công an. Thực hiện Sắc lệnh số 23-SL và Nghị định 121-NĐ, lực lượng Công an đã được triển khai thống nhất trên tất cả các địa phương trong cả nước, cùng toàn quân toàn dân đấu tranh bảo vệ  độc lập tự do của dân tộc, bảo vệ Nhà nước dân chủ nhân dân.

Cách mạng tháng 8-1945 thành công, Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, thắng lợi đã đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận những người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Nhưng, vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải đương đầu với những khó khăn, thách thức nghiêm trọng. Theo quy định của Hiệp định Potsdam, từ cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1945, dưới danh nghĩa quân đồng minh vào tước khí giới của quân Nhật, ở phía bắc (từ vĩ tuyến 16 trở ra) 20 vạn quân Tưởng, theo sau chúng là bọn phản động lưu vong trong các tổ chức “Việt Nam Quốc dân đảng”, “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” kéo vào mang theo mưu đồ là tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động lật đổ chính quyền cách mạng.

Ở miền Nam, hơn 1 vạn quân Anh vào với danh nghĩa tước vũ khí quân Nhật, nhưng thực chất là chúng vào để mở đường cho Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Bọn phản cách mạng trong các tổ chức như “Đại Việt”, “Việt Nam Quốc dân đảng”, bọn tờrốtkít, bọn phản động lợi dụng tôn giáo, bọn Việt gian tay sai của Pháp thừa cơ ra sức chống phá chính quyền cách mạng. Cùng với đó, tình hình kinh tế cũng rất khó khăn, tài chính kiệt quệ. Đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ. Hệ thống chính quyền các cấp dù được thành lập song năng lực quản lý, điều hành hạn chế. Cán bộ chính quyền, Việt Minh các cấp ít, hầu hết chưa có kinh nghiệm tổ chức, quản lý.

Trước những âm mưu và hành động chống phá quyết liệt của bọn đế quốc và tay sai phản động, tình hình đất nước còn gặp nhiều khó khăn. Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho cách mạng Việt Nam và lực lượng Công an là bằng mọi giá phải bảo vệ được Đảng, bảo vệ chính quyền, giữ vững an ninh chính trị, ổn định mọi mặt đời sống xã hội.

Để tránh cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện sách lược hết sức khôn khéo, mềm dẻo, tài tình là hòa với Tưởng để đánh Pháp và hòa với Pháp để đuổi Tưởng; đấu tranh đập tan mọi âm mưu của địch và các thế lực phản động tay sai, giữ vững chính quyền cách mạng.

Để tăng cường sức mạnh của chính quyền cách mạng, Chính phủ đã ban ban hành một số sắc lệnh để đảm bảo chủ quyền, an ninh trật tự: ngày 5/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 8 giải tán Đại Việt quốc dân đảng, Đại Việt quốc gia Xã hội đảng. Ngày 12/9/1945, Chính phủ tiếp tục ra Sắc lệnh số 30 giải tán Việt Nam Hưng quốc Thanh niên và Việt Nam Ái quốc Thanh niên. Ngày 13-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thiết lập các Tòa án quân sự có nhiệm vụ xét xử những người có hành vi làm phương hại đến nền độc lập, đồng thời ra Sắc lệnh số 33A định thể lệ cho Liêm phóng và Cảnh sát khi bắt một người.

Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến, kiến quốc, đề ra những vấn đề cơ bản về chủ trương, đ­ường lối và phư­ơng pháp cách mạng. Để bảo vệ chính quyền, đảm bảo an ninh trật tự của xã hội mới, Đảng nêu rõ quan điểm kiên quyết: “Trừng trị bọn phản quốc đã nhân những khó khăn về nội trị và ngoại giao và dựa vào thế lực người mà ngóc đầu dậy, trừng trị bọn chia rẽ, bọn thất bại (defaitisme), bọn đầu cơ tích trữ và bọn lạm quyền nhiễu dân”.

Nắm vững nguyên tắc, sách lược của Đảng, các lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát ở miền Bắc đã kết hợp nhiều hình thức, biện pháp đấu tranh quyết liệt, trừng trị những tên tay sai phản động, kịp thời ngăn chặn và bắt nhiều tên cầm đầu đảng phái phản động, những tên tay sai nguy hiểm của Pháp, Nhật như: Nguyễn Xuân Chữ, cầm đầu bù nhìn trong “uỷ ban chính trị”; Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, thủ lĩnh Quốc dân đảng và Đại Việt quốc gia liên minh…. Ngày 20/11/1945, lực lượng Liêm phóng Kiến An được sự hỗ trợ của Cảnh sát xung phong Hải Phòng đã tiến hành trấn áp bọn phản động Việt Nam Quốc dân đảng ở nhà Bảo Hương, bắt 43 tên, đập tan âm mưu gây bạo loạn của chúng. Cũng trong năm 1945, Liêm phóng Bắc Bộ kịp thời ngăn chặn hoạt động gây rối của bọn Quốc dân đảng ở Ngân hàng Đông Dương …v.v.

Song song với cuộc đấu tranh của lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát ở miền Bắc. Ở Nam Bộ, lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc đã phối hợp với nhân dân và các lực lượng khác đào đường, dựng chiến lũy, dũng cảm chiến đấu để cản bước tiến của quân Pháp. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, một bộ phận Quốc gia tự vệ cuộc rút về Chợ Đệm xây dựng lực lượng vũ trang lấy tên “Bộ đội Chợ Đệm” vừa làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, lãnh đạo của Đảng, vừa thực hiện chặn đánh các cuộc đánh chiếm của địch. Bộ phận khác chiến đấu giam chân địch ở thành phố, sau đó rút về Cần Giuộc rồi lên Hiệp Hòa tổ chức kháng chiến. Tại Hiệp Hòa, đơn vị được bổ sung lực lượng và lấy tên “Bộ đội Hiệp Hòa”. Tháng 1-1946, bộ đội Chợ Đệm và bộ đội Hiệp Hòa hợp nhất lại thành “Quốc vệ đội Nam Bộ”.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Sài Gòn, đánh dấu việc chính thức quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước hành động xâm lược của Pháp, ngay trong ngày 23/9, lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc ở Cần Thơ và Sóc Trăng đã tổ chức bảo vệ an toàn chuyến tàu đầu tiên chở các chiến sĩ cách mạng từ Côn Đảo trở về, trong đó có các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng để trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.

Ngày 12/11/1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Bình, Trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ, “Đội cảm tử” đã bí mật tập kích vào sở chỉ huy hành quân của Pháp ở thị trấn Cái Răng, bắn trọng thương tên Ruăng, quan ba chỉ huy vị trí Cái Răng. Thắng lợi của trận đánh đã khích lệ lòng yêu nước và quyết tâm kháng chiến của đồng bào ta. Cuối tháng 11/1945, quân Pháp tiến ra Nha Trang, đầu tháng 12, lực lượng Trinh sát Khánh Hòa đột nhập vào sân bay Nha Trang đốt cháy hai máy bay, phá hỏng một chiếc và tiêu hủy 5.000 lít xăng.

Ngày 8/4/1946, Công an Gia Định tổ chức đột nhập, đốt cháy kho đạn Thị Nghè, gây cho địch nhiều thiệt hại. Tháng 6-1946, Công an Gia Định khám phá vụ gián điệp của tổ chức hỗn hợp Phòng Nhì và biệt kích số 5 tại đường Lý Thành Nguyên - Chợ Lớn, bắt tên Hồng Tảo chỉ huy và 7 tên đồng bọn.

Đặc biệt hơn, ngày 12/7/1946, dưới sự chỉ đạo của Nha Công an Trung ương, lực  lượng trinh sát và Công an xung phong đã bí mật, bất ngờ đột nhập vào trụ sở 132 Đuyvinhô (nay là phố Bùi Thị Xuân) bắt bọn phản động, thu nhiều tài liệu, chứng cứ, kịp thời khám phá thành công vụ án ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), vây quét 40 trụ sở của bọn Quốc dân đảng ở Hà Nội, bắt hàng trăm tên phản động, trong đó có những tên đầu sỏ như Phan Kích Nam, Nghiêm Kế Tổ, Phan Khôi, đập tan âm mưu và hoạt động của thực dân Pháp câu kết với bọn phản động, tay sai định tiến hành đảo chính lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi này của lực lượng Công an được Tổng Bí thư Trường Chinh gửi thư khen ngợi… Cùng với Hà Nội, lực lượng Công an ở các tỉnh trong cả nước cũng tiến hành truy quét bọn phản động: lực lượng công an Hải Phòng khám phá và truy bắt những tên lính Pháp gây ra vụ thảm sát ở tiệm vàng Vĩnh Tường; bắt tên Maki gián điệp Nhật hoạt động cho Pháp. Tại Ninh Bình, ta bắt tên Bạch Vân, thủ lĩnh Quốc dân đảng; ở Thái Bình, ta kịp thời dập tắt vụ bạo loạn Cổ Tuyết, bắt hàng trăm tên Quốc dân đảng.

Thất bại hoàn toàn trong âm mưu câu kết với bọn phản động nhằm lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ nước ta, thực dân Pháp điên cuồng mở rộng chiến tranh xâm lược ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đồng thời sau khi được ra miền Bắc thay quân Tưởng, chúng liên tiếp tiến hành những cuộc đánh chiếm Hải Phòng và đòi ta trao quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội cho chúng. Trước các hành động ngang ngược của Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng Công an nhân dân đã khẩn trương triển khai công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ nhân dân di chuyển lên chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài với thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt thời gian này lực lượng Công an đã bảo vệ tuyệt đối an toàn chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Cộng hòa Pháp với tư cách là thượng khách.

Ngày nay, phát huy truyền thống vẻ vang của lượng Công an nhân dân trong quá trình đấu tranh bảo vệ tổ quốc qua các giai đoạn lịch sử, với tinh thần “Chỉ biết còn Đảng thì còn mình”, Công an nhân dân đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc. Đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, quyết sách, chiến lược và có nhiều đóng góp quan trọng trong bảo vệ, giữ vững nền tảng tư tưởng, bảo vệ việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, chống phá chế độ của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập trong nội địa, đóng góp tích cực trong bảo vệ tổ chức đảng, sự đoàn kết thống nhất, các nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên sai phạm theo quy định; góp phần quan trọng thực hiện thành công đường lối phát triển kinh tế - xã hội, làm trong sạch nội bộ, nâng cao uy tín, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài: Thiếu tá, Ths Nguyễn Văn Tùng

Khoa Lý luận Chính trị KHXHVN và Tâm lý

 


 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi