Thưa Toà soạn!
Những ngày giữa tháng 3, tôi rùng mình bởi thông tin có 2 người phụ nữ nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Phú Quốc, về Thành phố Hồ Chí Minh, rồi toả đi nhiều nơi khác. Rùng mình bởi lẽ qua theo dõi thông tin báo chí, tôi được biết là dịch bệnh ở Campuchia đang có những diễn biến hết sức phức tạp.
Rùng mình bởi lẽ ngành Y tế Việt Nam đã cảnh báo nguy cơ xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ 4 ở Việt Nam, đề nghị mọi người phải hết sức cẩn thận, đề phòng. Trong bối cảnh đó, nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cho người khác.
|
Cao Nguyễn Hồng Loan và Wu Yong Can tại tòa.
|
Thưa Tòa soạn, chỉ một ca COVID-19 đến từ một người Nhật Bản ở trong lòng Hà Nội mà cả Hà Nội đã phải đóng cửa các hàng quán vỉa hè, gây thiệt hại kinh tế, và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân thủ đô. Tức là chỉ một manh mối nhỏ - một nguy cơ nhỏ - một mồi lửa nhỏ đã khiến cả xã hội phải thực hiện hàng loạt những biện pháp chống đỡ nghiêm ngặt. Buộc phải làm như vậy để "mồi lửa" không trở thành "đám cháy"!
Vậy mà lại có 2 người phụ nữ từ vùng dịch tìm mọi cách nhập cảnh trái phép về nước, không qua khai báo, không qua cách ly, rồi cứ thế đi nhiều nơi khác, tiếp xúc với nhiều người. Thực sự là chỉ nghĩ đến tình huống này thôi là chúng ta đã rợn tóc gáy vì… kinh sợ. Tôi tự hỏi là ý thức trách nhiệm của 2 người phụ nữ này ở đâu? Mà không chỉ dừng lại ở 2 người phụ nữ này, ý thức trách nhiệm của những người nhập cảnh trái phép nhưng không/ hoặc chưa bị phát hiện nằm ở đâu?
Thưa toà soạn, giờ nghĩ lại tôi thấy kêu gọi về ý thức luôn là một kêu gọi rất chung chung. Cách đây 1 năm, khi một người từ vùng dịch về sân bay Nội Bài, khai báo y tế không trung thực, dẫn đến việc cả xã hội phải thực hiện cách ly, chúng ta đã kêu gọi rất nhiều rồi. Có cả những người quá khích, quá đà thực hiện hàng loạt những cuộc tấn công khủng bố cô gái thiếu ý thức này rồi. Và chúng ta nghĩ, nó sẽ là tấm gương tày liếp để không ai dám đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích cộng đồng trong những hoàn cảnh như thế này nữa.
Vậy mà bây giờ, không chỉ là câu chuyện khai báo y tế không trung thực, mà là nhập cảnh lậu. Vậy thì phải chăng việc kêu gọi ý thức là chưa đủ, và không bao giờ đủ? Điều quan trọng là pháp luật phải xử thật nặng những trường hợp như thế này. Phải xử sớm, xử nặng, công bố rộng rãi ra dư luận để từ nay về sau không ai dám lặp lại sai lầm này nữa.
|
Những người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về An Giang tại Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: L.G
|
Thủ tướng Chính phủ đã từng đưa ra khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc". Khi chúng ta coi "dịch" như "giặc" thì cũng có nghĩa là chúng ta đang tự đặt mình vào hoàn cảnh "thời chiến", vậy thì phải chăng cũng nên áp dụng tính chất "thời chiến" để đưa ra những mức xử lý "thời chiến"? Tôi nhớ là khi làn sóng COVID-19 xuất hiện, toàn xã hội sợ hãi, đua nhau đi mua khẩu trang thì đã có một số cửa hàng bán khẩu trang lợi dụng hoàn cảnh để "hét giá" rồi "bán giá" trên trời. Ngay lập tức Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã tuyên bố sẽ phạt rất nặng tất cả những ai dám tiếp tục thực hiện hành vi kiếm lời bất nhẫn này. Theo tôi, đấy là một quyết định đúng kiểu "thời chiến", và quyết định đó đã có tác dụng ngay tắp lự.
Mong nhận được ý kiến hồi đáp của Toà soạn, và mong rằng câu chuyện hai người phụ nữ nhập cảnh lậu từ vùng dịch vào Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh rồi lan đi nhiều nơi khác sẽ là câu chuyện nhập cảnh lậu cuối cùng mà chúng ta phải nghe trong bối cảnh dịch dã toàn cầu vẫn đang vô cùng nguy hiểm.
Xin chân thành cảm ơn toà soạn!
Tuyết Anh (TP Hồ Chí Minh )
Kính gửi độc giả Tuyết Anh!
Chúng tôi hiểu cảm giác "kinh sợ" của độc giả khi nghe tin có 2 người phụ nữ nhập cảnh lậu từ Campuchia về Việt Nam. Bởi đó thực sự cũng là cảm giác của chúng tôi và nhiều người nữa. Không biết độc giả có để ý không, ngày 26-3 vừa rồi, TAND TP Đà Nẵng đã xét xử 2 bị cáo, một người Việt Nam, một người Trung Quốc về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Câu chuyện này diễn ra từ ngày 29-6 đến ngày 17-7-2020, tức là thời điểm mà Trung Quốc đang bùng phát dịch bệnh, còn Đà Nẵng gần như cũng ở trạng thái "giới nghiêm" để toàn tâm toàn ý chống nguy cơ dịch bệnh dâng cao. Trong một hoàn cảnh nguy hiểm như vậy mà Cao Nguyễn Hồng Loan và Wu Yong Can - tên hai bị cáo, vẫn cấu kết với nhau để 27 người Trung Quốc ở lại khách sạn trái phép. Thực hiện hành động này, họ thu được gì? Xin thưa, họ thu được gần 100 triệu đồng bất chính.
100 triệu đồng to không? Chắc chắn là rất to, nhất là với những người lao động bình dân. 100 triệu đồng càng có ý nghĩa trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khách sạn gần như đình trệ vì dịch bệnh. Nhưng vì 100 triệu đồng mà bất chấp sự an toàn của cộng đồng, bất chấp những lời kêu gọi phòng chống dịch thì vô cùng dại dột. Vì 100 triệu đồng mà mờ mắt tới độ có thể gieo rắc cái chết cho chính đồng bào của mình thì vô cùng bất nhân.
- Bị cáo thấy đúng hay sai?
Chủ toạ phiên toà đặt câu hỏi.
- Dạ thấy sai.
Nguyễn Hồng Loan trả lời.
Thấy sai, nhưng đặt món hời gần 100 triệu lên trên cái sai, nên vẫn làm. Và đấy chính là vấn đề mà độc giả đã đề cập trong bức thư gửi chúng tôi, rằng chúng ta phải hiểu như thế nào về việc "kêu gọi ý thức" của người dân trong quá trình phòng chống dịch. Thưa độc giả, đúng là việc "kêu gọi ý thức" không thể chỉ diễn ra chung chung, và những người tiếp nhận lời kêu gọi cũng không thể ứng xử với nó một cách chung chung.
Ý thức ở đây cần phải hiểu một cách rõ ràng: Không thể đặt những món hời cá nhân lên trên nguy cơ gieo rắc bệnh tật, chết chóc cho chính cộng đồng mình đang sống. Hiểu được điều này là một lẽ, làm được điều này là lẽ khác. Trong rất nhiều trường hợp, nó đòi hỏi khả năng tự nỗ lực, tự chiến đấu của mỗi người. Nó phụ thuộc vào năng lực nhắc nhở, cảnh báo, giám sát của người thân. Và đúng như độc giả đã đề cập, nó còn phụ thuộc vào những bản án đủ nặng - đủ sức răn đe dành cho những trường hợp tương tự diễn ra trước đó.
Thưa độc giả, nếu câu chuyện của Nguyễn Hồng Loan sai ngay từ đầu, sai không bàn cãi thì câu chuyện của Dương Tấn Hậu - một tiếp viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng lại cho thấy: Chỉ từ một chút chủ quan, một chút lơ đễnh, một chút thiếu trách nhiệm là đã có thể dẫn tới hậu quả tày đình. Theo những gì Dương Tấn Hậu chia sẻ trong phiên toà xét xử mình ngày 30-3 thì sau khi trở về từ Nhật Bản - một vùng dịch lúc đó, anh đã cách ly theo quy định tại khu cách ly của Vietnam Airlines.
Anh cũng nói là trong suốt quá trình cách ly, mình ít khi giao du, tiếp xúc với những người ở những phòng cách ly khác. Nhưng chỉ một lần hiếm hoi tiếp xúc với N.T.H và N.T.N (sau này, cả 2 người này đều được xác nhận là dương tính với COVID-19) mà Dương Tấn Hậu đã phải trả giá. Và nữa, sau 2 lần xét nghiệm, cho kết quả âm tính hẳn hoi, Dương Tấn Hậu có phần lơ là, chủ quan khi về cách ly tại phòng trọ của mình.
Bằng chứng là anh đã cùng một người bạn của mình đi ăn, đi uống cà phê, để rồi sau đó chính người bạn này cũng dương tính. Và đến lượt mình, người bạn này lại làm lây nCoV cho một bé trai một tuổi, cùng nữ học viên của một trung tâm Anh ngữ. Ước tính tổng thiệt hại trong việc Hậu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là rất lớn, gồm chi phí tầm soát các trường hợp F1, F2, và việc tổ chức cách ly cho những người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân. "Để xảy ra việc lây lan bệnh ra ngoài cộng đồng là do bị cáo quá tự tin mình không nhiễm bệnh vì hai lần xét nghiệm đều âm tính. Bị cáo nhìn nhận thấy lỗi của mình và gửi lời xin lỗi đến 3 nạn nhân và cả cộng đồng" - Hậu thừa nhận tại phiên toà.
Nhìn lại toàn bộ quá trình này dễ thấy là trong tình hình dịch bệnh phức tạp, chỉ một chút thiếu ý thức của một cá nhân là toàn bộ cộng đồng đã phải hứng chịu những hậu quả ghê gớm ra sao. Mức án 2 năm tù treo mà cá nhân này phải nhận chắc chắn là một bài học lớn cho nhiều người.
Thưa độc giả Tuyết Anh, mặc dù đã có 3 lần chống dịch rất thành công, nhưng chúng ta không thể biết chắc chắn là điều gì sẽ đến với mình trong thời gian tới. Cho nên chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của độc giả: tinh thần "chống dịch như chống giặc" luôn phải được mỗi người đề cao. Và một khi đã đề cao điều đó thì cũng có nghĩa những ai coi thường dịch, chủ quan với dịch, bất chấp dịch để kiếm lời… cũng có nghĩa là đã coi thường mạng sống của chính đồng bào mình. Chắc chắn là đã và sẽ tiếp tục có những bản án kịp thời, đủ sức trừng phạt với những người đó, và đủ sức răn đe với tất cả những ai đang thấp thoáng ý định lặp lại sai lầm đó.
Xin chân thành cảm ơn độc giả, và mong tiếp tục nhận được những chia sẻ từ độc giả.
Nguồn: Báo CAND