Với ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc to lớn đó, trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hãy đồng tâm nhất trí, chung sức đồng lòng, chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc”.
I - Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Đảng. Theo Người, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là làm cho Đảng ta xứng đáng là một Đảng cách mạng chân chính, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng to lớn của giai cấp và dân tộc. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn xác định: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ. Do luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta ngày càng vững mạnh, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt. Với nhiều giải pháp vừa toàn diện, đồng bộ; vừa có trọng tâm, trọng điểm, chọn đúng khâu đột phá, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ và đạt nhiều kết quả tích cực: Nhận thức của cấp ủy các cấp và cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đầy đủ, toàn diện và sâu sắc; các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được nhận diện và có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả; vai trò của tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từng bước được phát huy; ý thức chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, nhất là cấp Trung ương, có tác dụng rõ rệt, góp phần chủ động ngăn ngừa sai phạm của cán bộ, đảng viên...
Dấu ấn nổi bật của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ này là kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được siết chặt, pháp luật của Nhà nước được đề cao. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có chuyển biến mạnh mẽ, được triển khai quyết liệt, bài bản và đạt nhiều kết quả cụ thể, tích cực; nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng lần lượt được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Việc xử lý tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm được thực hiện nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kỳ người đó là ai, giữ cương vị công tác nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, đã góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn.
Từ đầu nhiệm kỳ đến cuối tháng 7/2020, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố 8.883 vụ/14.984 bị can, truy tố 7.346 vụ/14.247 bị can, xét xử sơ thẩm 6.934 vụ/13.287 bị cáo về các tội tham nhũng, trật tự kinh tế và tội phạm khác về chức vụ. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật hơn 2.370 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước, trong đó có hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Sự kiên quyết, kiên trì thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng làm cho Đảng ta trong sạch hơn, vững mạnh hơn, đoàn kết hơn, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn, đoàn kết nội bộ tốt hơn, gắn bó với nhân dân mật thiết hơn, từ đó thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Tổ quốc và nhân dân đã giao cho.
Những kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ khóa XII đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ, có sức lan tỏa rộng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; dân chủ trong Đảng và trong xã hội ngày càng được mở rộng và phát huy; trách nhiệm của các cấp ủy đảng và sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy các cấp được đề cao; đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội được tăng cường; góp phần tạo nên động lực mới, khí thế mới, động viên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Nổi bật là, kinh tế – xã hội của nước ta những năm qua đã có những chuyển biến rất ấn tượng, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt; tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm đều tăng, điển hình là 02 năm 2018 (đạt 7,08%) và 2019 (đạt 7,02%), vượt xa chỉ tiêu đề ra. Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, sau đó lại rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế nước ta vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Tính cả nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 6%/năm, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới.
Những năm tới, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường; trong khi đó, dù đạt được những kết quả rất đáng tự hào, đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh tình hình đó, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, phức tạp hơn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Từ bài học kinh nghiệm được đúc rút từ những nhiệm kỳ trước, công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII được xác định là: “Tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, phán bác các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...”(1).
Từ những kết quả đã đạt được, cùng đường lối đúng đắn, quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt của toàn Đảng trong công tác xây dựng Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tin tưởng chắc chắn rằng: “Với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước”(2).
Công tác cán bộ được xác định là điểm đột phá, là vấn đề then chốt, là xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng, cũng như thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng hiện nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”.
II - Công tác cán bộ là điểm đột phá
Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu bài học kinh nghiệm được đúc rút từ nhiều nhiệm kỳ trước, đó là: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (xây dựng tổ chức, xây dựng con người) phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, “công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Sở dĩ, công tác cán bộ được xác định là điểm đột phá, là vấn đề then chốt, là xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng, cũng như thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng hiện nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Người khẳng định: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của các chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(1).
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Thực tiễn đã khẳng định: “Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ 20 năm qua là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2).
Tuy nhiên: “Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”(3).
Thật vậy, nhìn vào con số thống kê từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vướng vào tham nhũng, tiêu cực; lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước...; hay tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, cho thấy, trong công tác cán bộ của ta thời gian qua vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, bất cập.
Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu công tác cán bộ được tiến hành chặt chẽ thì liệu một số cán bộ có những vi phạm nghiêm trọng trước đó, có thể được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, được Quốc hội phê chuẩn, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo hay không?
Nếu nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm túc thì làm sao có việc nhiều người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vẫn được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, thậm chí thăng tiến một cách “thần tốc”? Và nếu như chúng ta có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ, các cơ quan chức năng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, có thể đã ngăn chặn được tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ, hay việc một số người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền để bổ nhiệm người thân, người nhà một cách tràn lan, dẫn đến hiện tượng “cả nhà làm quan” ở một số địa phương?
Những hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác cán bộ đã được Đảng ta nhận diện và có nhiều giải pháp khắc phục một cách quyết liệt. Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, quy định về công tác cán bộ, cụ thể là: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền...
Đồng thời, Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Ngay trong thời gian diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng không những không “chững lại”, không “chùng xuống” mà còn được thực hiện quyết liệt hơn, bài bản và hiệu quả hơn.
Hiện nay, toàn Đảng đang tập trung chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là vấn đề đang được cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm theo dõi, với cả sự kỳ vọng và băn khoăn. Trong khi đó, các phần tử xấu, cơ hội chính trị, thù địch cũng gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, tung tin, bịa đặt, vừa làm nhiễu loạn thông tin, vừa gây nghi kỵ, mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ... thực chất là chống phá Đảng ta với những thủ đoạn hết sức nham hiểm, thâm độc.
Rõ ràng, công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự Đại hội nói riêng là công việc vô cùng hệ trọng, “có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”, nhưng đây cũng là nhiệm vụ hết sức phức tạp, khó khăn.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài viết quan trọng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày 27/4/2020: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”. Bài viết đã phân tích toàn diện, sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nhân sự; yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự Đại hội XIII; nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với vấn đề quan trọng này. Đó là những suy tư, trăn trở đầy tâm huyết và trách nhiệm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc.
Để làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: Cách làm phải thận trọng, thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan; quy trình phải chặt chẽ, đồng bộ, khoa học, làm dứt điểm từng khâu, từng công đoạn, làm đến đâu chắc đến đó; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín và hiệu quả công tác làm thước đo chủ yếu; trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, tạo ra một tập thể đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh; phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu...
Thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rất rõ ràng: Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền... Người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhấn mạnh: “Để những người đó lọt vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”(4).
Cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta đang rất kỳ vọng công tác nhân sự được tiến hành với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm và nỗ lực lớn của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, với cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc, của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ là một tập thể vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, tiêu biểu về trí tuệ, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, đất nước ta ngày càng phát triển, Nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân.
Tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng một lần nữa rút ra các bài học, trong đó có bài học: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”.
III - Nhân dân là trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới
Bài học đó tiếp tục được khẳng định trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đăng trên Báo Nhân Dân ngày 01-9-2020: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của Nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với Nhân dân; dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”.
Như vậy, trong quan điểm “dân là gốc” của Đảng, Nhân dân được xác định là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới đất nước. Theo đó, mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều phải xuất phát từ nguyện vọng của Nhân dân, vì mục tiêu bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của Nhân dân. Mục tiêu của công cuộc đổi mới là xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó chữ “dân” được đặt ở vị trí đầu tiên.
Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đã chứng minh, nhiều ý kiến, nguyện vọng chính đáng và sáng kiến của Nhân dân nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống đã trở thành nguồn gốc hình thành đường lối, chủ trương của Đảng. Thực tiễn cũng cho thấy, chủ trương, chính sách nào phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, bảo đảm các quyền và lợi ích của Nhân dân, “ý Đảng, lòng dân” hòa quyện thành một, thì chủ trương, chính sách đó được Nhân dân đồng tình ủng hộ, nhanh chóng đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả; chủ trương, chính sách nào không xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân, thì sẽ rất khó đi vào cuộc sống, thậm chí thất bại. Có thể khẳng định, thực tiễn cuộc sống đã góp phần bổ sung, làm sâu sắc hơn bài học quý báu này.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc rằng, vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân là Đảng phải quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu.
Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần “coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”, “sẵn sàng chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân”... Chính phủ đã dành gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam không chỉ được thế giới ghi nhận, đánh giá cao, mà còn khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, có những chính sách, một số việc làm còn chưa thật đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với tổ chức đảng, chính quyền, như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... Có nơi, cấp ủy và chính quyền địa phương chưa đánh giá đúng những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân để có chủ trương, chính sách phù hợp. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp tích cực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Trong khi ở nhiều nơi, đời sống Nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, nhưng vẫn có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả lãnh đạo chủ chốt chỉ lo thu vén cá nhân, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội.
Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị và tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đây là thời điểm quan trọng, đồng thời là dịp tiếp tục phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia vào các công việc của Đảng. Xác định Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới thì phải có cơ chế để Nhân dân tham gia đóng góp xây dựng đường lối đổi mới; Nhân dân là nguồn lực chủ yếu thực hiện công cuộc đổi mới; Nhân dân là người kiểm tra, giám sát quá trình đổi mới và là người thụ hưởng những thành quả do đổi mới mang lại.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo các văn kiện Đại hội XIII cũng như trong công tác cán bộ của Đảng cần thể hiện đầy đủ tinh thần phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện độc đoán, chuyên quyền cũng như hiện tượng dân chủ hình thức. Cần có những hình thức lấy ý kiến phù hợp để nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy tối đa trí tuệ của Nhân dân tham gia góp ý vào các văn kiện của Đảng ngay từ cơ sở. Mọi ý kiến đóng góp của Nhân dân cần được nghiên cứu, xem xét nghiêm túc, thấy đúng thì phải tiếp thu, bởi những ý kiến đó mang hơi thở của cuộc sống, như Bác Hồ từng nói: “Quần chúng rất nhiều sáng kiến, họ hiểu biết rất mau, nhất là những cái thuộc về quyền lợi của họ... Việc gì cũng bàn bạc với quần chúng, thì dù vấn đề khó khăn mấy cũng sẽ giải quyết được hết”(1).
Các tổ chức đảng cần có hình thức phù hợp phải vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đóng góp ý kiến về xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, lấy sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng - đó là cách tốt nhất để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bài học về quán triệt quan điểm “dân là gốc”, Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục là cơ sở quan trọng để Đảng ta vận dụng, phát huy trong lãnh đạo công cuộc đổi mới, giúp Đảng ta có thêm sức mạnh và bản lĩnh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Quan điểm đó cần phải được quán triệt ngay từ khâu xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cũng như các chủ trương, chính sách triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội.
Với tinh thần đó, mọi chủ trương, chính sách của Đảng đều phải xuất phát từ nguyện vọng của Nhân dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân. Ngay cả đối với chủ trương, chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân; trong quá trình tổ chức thực hiện nếu phát hiện trong chủ trương, chính sách có điểm nào chưa phù hợp với thực tế cuộc sống phải kịp thời điều chỉnh. Đó là biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để thực hiện đúng quan điểm “dân là gốc”, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Trong tình hình hiện nay, nếu chủ trương, chính sách của Đảng không xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân; nếu Đảng không quan tâm chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thì dù chúng ta có tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của Nhân dân hay đến mấy cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục. Vì vậy, khi đưa ra các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích của Nhân dân, chúng ta cần khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không nên”(2).
Đặt trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những biến động nhanh chóng, khó lường, kinh thế thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng; tình hình trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, càng cho thấy cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà Việt Nam có được như ngày nay có ý nghĩa hết sức to lớn.
IV - Niềm tin vào cơ đồ và tương lai của đất nước
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói rằng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Sự khẳng định này hoàn toàn có cơ sở, phản ánh chính xác, khách quan thực tiễn ở Việt Nam. Đó là niềm tự hào về những thành tựu lớn lao của dân tộc ta, là niềm tin của mỗi người Việt Nam vào tương lai xán lạn của đất nước.
Chúng ta còn nhớ cách đây 55 năm, trong bài viết “Thật là vẻ vang” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 17-9-1965, có đoạn: “Trước ngày Cách mạng Tháng Tám, dân tộc ta đã phải trải qua gần một thế kỷ vô cùng tủi nhục. Trên địa đồ thế giới, tên nước ta đã bị xóa nhòa dưới bốn chữ “Đông Dương thuộc Pháp”. Thực dân Pháp gọi đồng bào ta là lũ Annamít dơ bẩn. Thiên hạ gọi chúng ta là vong quốc nô”. Trong tình cảnh nước mất nhà tan đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, vượt qua biết bao sự hy sinh, gian khổ để tổ chức, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân ta đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.
Ngay sau khi giành độc lập, dân tộc ta lại bước vào thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc suốt gần 30 năm trường kỳ gian khổ và kết thúc bằng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Đánh giá về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: “Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”.
Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng CNXH. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, đối phó với nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, dân tộc ta vừa thực hiện công cuộc xây dựng đất nước, vừa bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Sau gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, có cơ sở vật chất – kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ rất thấp, ngày nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người, thuộc nhóm nước đang phát triển, có thu nhập trung bình (2.800 USD/người); văn hóa, xã hội có bước phát triển mạnh mẽ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể; công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, kiện toàn và ngày càng vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố, bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, ngăn chặn kịp thời các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm do khủng hoảng nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng khá, 2 năm gần đây đều đạt trên 7%, là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 79 tỷ USD; hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB - lên BB với triển vọng “tích cực”; năng lực cạnh tranh của Việt Nam (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới) tăng 10 bậc và 3,5 điểm so với năm 2018; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tiềm lực và uy tín của Việt Nam một lần nữa được khẳng định khi chúng ta trở thành một điểm sáng của thế giới trong việc khống chế, ngăn chặn thành công đại dịch COVID-19.
Về đối ngoại, Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa trong hoạt động đối ngoại... Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia là thành viên Liên hợp quốc; là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; là thành viên của trên 70 tổ chức quốc tế và khu vực. Lần thứ hai, Việt Nam được bầu Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với số phiếu tín nhiệm rất cao (192/193 phiếu).
Việt Nam là địa điểm được chọn tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, như: Hội nghị cấp cao APEC 2017, Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF 26) năm 2018, Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN 2018), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 (2019)… Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 18 triệu lượt người, tăng 16,2% so với năm 2018, là năm thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng “Điểm sáng hàng đầu châu Á”.
Đặt trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những biến động nhanh chóng, khó lường, kinh thế thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng; tình hình trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, càng cho thấy cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà Việt Nam có được như ngày nay có ý nghĩa hết sức to lớn. Một câu hỏi đặt ra, tại sao dân tộc ta từng chịu đựng nhiều khổ đau, nhiều lần đứng trước những thử thách cam go, khắc nghiệt nhưng vẫn tồn tại, phát triển và gây dựng được cơ đồ như ngày nay?
Trước hết, đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của đất nước ta suốt 90 năm qua. Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; phát huy sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; Đảng luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để ngày càng vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử nhân dân giao phó. Đó còn là vì, nhân dân ta giàu lòng yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng.
Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam là một tài sản vô giá, là sức mạnh tinh thần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi Tổ quốc lâm nguy hay đất nước đứng trước khó khăn, thử thách... thì sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc lại được khơi dậy, được củng cố và phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi thách thức.
Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam hôm nay là bằng chứng thuyết phục để tiếp tục khẳng định con đường mà chúng ta đang đi là đúng đắn, hợp quy luật, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Và thực tiễn đó cũng khẳng định một chân lý: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(1). Điều đó tự nó đã phản bác những luận điệu xuyên tạc cho rằng “Việt Nam kiên định con đường đi lên CNXH là sai lầm”. Còn những kẻ lớn tiếng đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hãy tự suy ngẫm về những lời nói và hành động của mình.
Thấy được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày nay, chúng ta có thêm niềm tin, niềm phấn khởi và tự hào về dân tộc ta, về non sông đất nước ta. Đó là động lực tinh thần to lớn để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục phấn đấu, chung sức đồng lòng với quyết tâm chính trị cao nhất, sẵn sàng đón nhận và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045, có đầy đủ tiềm lực và vị thế, “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thỏa mãn tâm nguyện của Hồ Chí Minh lúc sinh thời và khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta. n
(1) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2020).
PGS.TS Trần Quang Tám
Trích nguồn: Báo CAND