Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đấu giá biển số xe: Đáp ứng nguyện vọng người dân và tăng thu ngân sách

Tại các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường, đa số các đại biểu ủng hộ thông qua Nghị quyết, góp phần đáp ứng nguyện vọng của người dân; đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng trong việc lựa chọn biển số; khai thác hiệu quả tài sản công, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đấu giá biển số xe: Đáp ứng nguyện vọng người dân và tăng thu ngân sách -0
Biển ngũ quý được nhiều người dân quan niệm là biển đẹp.

Nhiều người dân mong mỏi mua được biển số ưa thích

Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của xã hội hiện nay, nhu cầu sử dụng biển số ưa thích ngày càng cao và đó là nhu cầu chính đáng. Bên cạnh đó, khi thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe ôtô thì sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì vẫn vướng một số luật, ví dụ như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đấu giá tài sản. Vì vậy, cần phải có một văn bản để giải quyết vướng mắc, khó khăn đó. Đứng trước thực tiễn đó, Bộ Công an đã đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội để có nghị quyết về cấp quyền sử dụng biển số xe ôtô thông qua đấu giá.

Trước đó, năm 1993, Bộ Công an  đã chỉ đạo Công an TP Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức cấp biển số, thu lệ phí tự chọn. Sau 2 tháng thực hiện đã có 94 trường hợp tự chọn biển số trên tổng số 198 xe đăng ký. Sau đó, do có nhiều ý kiến khác nhau nên Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dừng triển khai.

Năm 2008, Công an tỉnh Bình Dương, Khánh Hoà, Bắc Ninh, Sơn La, Nghệ An đã báo cáo Bộ Công an xin tổ chức đấu giá biển số xe. Trong đó, Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh tổ chức 1 phiên đấu giá lấy tiền ủng hộ người nghèo. Chỉ sau một đêm, với 10 biển số, Công an tỉnh Nghệ An đã thu được 2,4 tỷ đồng, bổ sung vào Quỹ vì người nghèo. Trong đó, biển số được đấu giá cao nhất là biển kiểm soát xe ôtô 37S-9999 được bán với giá 700 triệu đồng (cao gấp 14 lần so với giá sàn đưa ra là 50 triệu đồng). Người trúng đấu giá là ông Nguyễn Khắc Viện, ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Cùng với ông Viện, 9 người khác cũng đã mua được biển số đẹp đúng theo ý mình với giá cũng khá cao. Tuy nhiên, sau phiên đấu giá trên, mặc dù mục đích rất tốt đẹp, được đông đảo người dân ủng hộ nhưng do vướng quy định pháp luật nên Công an tỉnh Nghệ An không dám tiếp tục đấu giá biển số xe nữa, khiến nhiều người dân tiếc nuối. 

Nghiên cứu mở rộng quyền người trúng đấu giá

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, một vấn đề được nhiều bạn đọc cũng như đại biểu Quốc hội quan tâm, đó là có cho phép mua bán biển số hay không. Theo dự thảo Nghị quyết thì người trúng đấu giá được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình. Khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe; phải thực hiện thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe để gắn biển số với xe trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá. Quá thời hạn nêu trên mà người trúng đấu giá không đăng ký biển số đó gắn với xe thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số trúng đấu giá.

Lý giải về việc không cho phép mua bán, sang nhượng biển số (trừ bán biển số theo xe), Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, việc quy định người được nhận chuyển nhượng, mua, cho tặng không được giữ lại biển số nhằm tránh việc đầu cơ, trục lợi. Thời gian 12 tháng phải đăng ký là thời gian đủ để người trúng đấu giá chuẩn bị tài chính, đặt mua phương tiện để đăng ký. Đối với trường hợp người trúng đấu giá bán xe, giữ lại biển thì cũng trong vòng 12 tháng phải đăng ký biển đó cho xe mới. “Quy định như vậy để tránh việc người trúng đấu giá “gom” nhiều biển số nhưng giữ lại quá lâu nhằm mục đích kinh doanh thương mại” – Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, biển số sau khi đấu giá là tài sản của người trúng đấu giá, nên cho họ đầy đủ các quyền như: mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thừa kế… Giải trình về vấn đề này, Bộ Công an cho rằng, đây là Nghị quyết thí điểm nên Bộ Công an đề xuất phương án người trúng đấu giá được sử dụng và khi bán xe được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá đăng ký cho xe khác. Chưa đề xuất phương án người trúng đấu giá có đủ 3 quyền (quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt), khi hết thời gian thí điểm, nếu không thực hiện tiếp sẽ không tác động, ảnh hưởng nhiều đến các quyền của người trúng đấu giá. Nếu thực hiện tiếp, căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, đề xuất mở rộng quyền của người trúng đấu giá. Việc hạn chế quyền như trên còn để tránh tình trạng đầu cơ biển số xe ôtô.

Đấu giá biển số không phụ thuộc vào nơi cư trú

Theo Bộ Công an, phương án thí điểm trên phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả địa phương, khai thác hiệu quả tài sản công là kho biển số đăng ký ôtô, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Nếu người thường trú tại địa phương nào chỉ được tham gia đấu giá tại địa phương đó thì sẽ hạn chế số lượng người tham gia đấu giá.

Sau khi Bộ Công an có giải trình, tiếp thu, tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 7/11, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ bày tỏ đồng tình khi Chính phủ và đặc biệt là Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an đã hết sức khẩn trương, nghiêm túc, cầu thị trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết. Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nhìn chung các nước trên thế giới đều quản lý biển số theo địa bàn, ký hiệu chỉ rõ xe theo địa bàn nào.

“Đây là vấn đề đặc thù nên cần có chính sách đặc thù, điều kiện đặc thù và phải có cách thức quản lý riêng. Hiện nay, Bộ Công an đang có 2 dịch vụ trong lĩnh vực quản lý TTATGT đang thực hiện trực tuyến là đăng ký phương tiện trực tuyến, xử lý vi phạm hành chính trực tuyến. Với cơ sở dữ liệu về công dân, hạ tầng của Bộ Công an hiện nay, việc này chắc chắn thực hiện được. Một trong những nguyên tắc then chốt khi xây dựng nghị quyết này là công dân Việt Nam có quyền đấu giá biển số xe bất cứ tỉnh, thành phố nào trên lãnh thổ Việt Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định.

Bộ Công an cũng nêu rõ trong văn bản giải trình, Nghị quyết quy định đấu giá được quyền lựa chọn biển số ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước về phương tiện tham gia giao thông, công tác tra cứu xác minh nguồn gốc xe phục vụ công tác bảo đảm ANTT vì Bộ Công an đang quản lý bằng cơ sở dữ liệu điện tử nên việc quy định người dân tham gia đấu giá trên toàn quốc không theo hộ khẩu thường trú là phù hợp, khả thi.

Về giá khởi điểm, tiếp thu ý kiến các đại biểu; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bộ Công an dự kiến đề xuất một mức giá khởi điểm thống nhất trong phạm vi toàn quốc là 40 triệu đồng như ý kiến thẩm tra sơ bộ. Đây là mức giá áp theo mức lệ phí đăng ký cao nhất hiện đang áp dụng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhân với hai lần để bảo đảm tính thống nhất trong đấu giá (mức giá khởi điểm này tương đương 5% giá trị một chiếc xe ôtô phổ biến ở Việt Nam).

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi