Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Để lây lan dịch bệnh - Ý thức công dân ở đâu?

Trước những nghi vấn về việc khai báo y tế không trung thực của họ, ngay trong đêm 12-5, công văn thượng khẩn của Sở Nội vụ TP Hà Nội đã yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong sự việc này. Dư luận đòi hỏi một chế tài nghiêm khắc đối với những người thiếu trách nhiệm cộng đồng, trở thành tác nhân làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm.

Công văn Thượng khẩn số 1240/SNV-TCBC của Sở Nội vụ TP Hà Nội gửi Tổng Công ty đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội.

Hành vi có dấu hiệu tội phạm

Chiều 12-5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội báo cáo về trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1977, trú tại Tòa nhà Central Point, 27 Lê Văn Lương, Nhân Chính, Thanh Xuân). Theo điều tra dịch tễ, hai người này đi du lịch tại Đà Nẵng từ ngày 30-4 đến 2-5-2021. Trở về Hà Nội, họ đã tiếp xúc với nhiều người, di chuyển trên nhiều địa bàn.

Từ ngày 8-5 vợ ông Thanh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau rát họng, ho, giảm vị giác, khứu giác, nên ngày 9-5 ông Thanh đưa vợ đi khám tại Phòng khám Thu Cúc (địa chỉ số 216 Trần Duy Hưng). Do có yếu tố dịch tễ đi từ Đà Nẵng về nên phòng khám này đã từ chối khám và không tiếp nhận điều trị.

Đến ngày 12-5 ông Thanh xuất hiện ho, đau họng nên đã cùng vợ đi khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô và cả hai người có kết quả dương tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp GenExpert. Hai mẫu bệnh phẩm của họ đã được chuyển về Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội để xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 

Phản ứng trước tình hình trên, quận Thanh Xuân đã quyết định phong toả tạm thời đơn nguyên 2, Tòa nhà Center Point, 27 Lê Văn Lương là nơi ở của gia đình ông Thanh, đồng thời tiến hành điều tra, truy vết được 39 trường hợp F1 ở các quận, huyện liên quan đến vợ chồng này. Còn tại tòa nhà 91 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội)  ngay trong chiều và tối 12-5 đã bị cách ly y tế khẩn cấp do Thanh cùng vợ đã từng đến đó. Kết quả truy vết và xét nghiệm xác định có tổng số 150 người đã tiếp xúc gần vợ chồng ông Thanh (F1), trong số đó đã có 3 người dương tính với SARS-CoV-2 (tính đến tối 13-5). 

Khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô bị phong tỏa vì vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh không khai báo trung thực.

Ngay trong đêm 12-5, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Sở Nội vụ có công văn Thượng khẩn số 1240/SNV-TCBC gửi Tổng công ty đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Cụ thể văn bản này yêu cầu làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vi phạm liên quan đến ông Thanh, báo cáo kết quả về UBND thành phố qua Sở Nội vụ trước 10h ngày 13-5 và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngày 13-5 Tổng công ty Đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ trong Đảng và chức vụ Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội đối với ông Nguyễn Văn Thanh để kiểm điểm, làm rõ sai phạm.

Hiện dư luận đang đặt ra câu hỏi nghi vấn về sự thiếu trung thực trong khai báo y tế của vợ chồng ông Thanh. Tuy nhiên, từ khu cách ly, ông Thanh phủ nhận cáo buộc này bằng cách cung cấp cho báo chí một số bản chụp phiếu điều tra phản ánh việc vợ chồng ông đã khai báo với trạm y tế phường Nhân Chính (Thanh Xuân) qua điện thoại về yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng. Theo thông tin trên phiếu điều tra đề ngày 3-5-2021, ông Thanh có khai đã đi trên chuyến bay số hiệu VN6087 và chuyến VN160 theo lộ trình Hà Nội - Đà Nẵng - Hà Nội.

Nhận xét về hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh của vợ chồng ông Thanh, luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng kể cả trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy ông Thanh đã khai báo y tế theo đúng quy định khi từ Đà Nẵng về Hà Nội, nhưng với việc vợ chồng ông vẫn đi lại nhiều nơi với lịch trình hoạt động dày đặc, tiếp xúc nhiều người… khi từ vùng dịch bệnh trở về là không tuân thủ đúng quy định về việc tự cách ly, theo dõi bệnh tật, vi phạm quy định về không tụ tập đông người trong bối cảnh tình hình dịch bệnh bùng phát phức tạp như hiện nay.

Ý thức công dân thấp kém cùng thái độ không tuân thủ pháp luật về phòng chống dịch bệnh của vợ chồng ông này còn thể hiện ở chỗ, khi đã xuất hiện những triệu chứng nhiễm dịch bệnh COVID-19 như ho, sốt, đau rát họng, giảm vị giác, khứu giác… nhưng họ vẫn tham dự các cuộc liên hoan, gặp gỡ đông người, khiến nhiều người bị lây bệnh, nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly.

Tòa nhà Center Point Lê Văn Lương - nơi ở của gia đình ông Thanh bị cách ly y tế khẩn cấp.

Hành vi của vợ chồng ông Thanh đã làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm, gây ra những thiệt hại rất lớn về vật chất cho công tác khắc phục hậu quả, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh. Cho đến lúc đã vào Bệnh viện Việt - Xô khám bệnh, họ vẫn không khai báo đầy đủ về lịch sử dịch tễ, khiến cả khoa Cấp cứu của bệnh viện này phải phong tỏa tạm thời để rà soát, khử trùng...

"Với những sai phạm nêu trên, ông Thanh có thể phải đối diện với các chế tài xử phạt nghiêm khắc, trong bối cảnh cả nước đang phải tập trung toàn lực để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh chết người này. Tôi cho rằng việc xem xét, xử lý đương sự về hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo Điều 240 - Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, vì hậu quả đã xảy ra là rất nghiêm trọng" - luật sư Hiển nhận xét.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) thì quá  trình điều tra xác minh, nếu có căn cứ cho thấy vợ chồng bệnh nhân Thanh đã khai báo y tế gian dối, không khai báo hoặc khai báo không đầy đủ dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 và theo hướng dẫn tại Công văn số 45/HĐTPTC-PC của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Vô cảm hay vô y đức?

Một sự kiện khác đang thu hút sự quan tâm của công luận cũng liên quan đến vợ chồng ông Thanh, đó là việc Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc (số 216 Trần Duy Hưng) từ chối tiếp nhận bệnh nhân đến khám sàng lọc bệnh COVID-19.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về việc vợ ông Thanh từng đến Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc nhưng không được xét nghiệm và tiếp nhận điều trị, tư vấn vì có lịch sử dịch tễ đi Đà Nẵng, Sở Y tế TP Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo Thanh tra Sở, Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân tiến hành xác minh làm rõ sự việc. Chiều ngày 13-5, Sở Y tế TP Hà Nội đã ký quyết định đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh đối với cơ sở y tế này. 

Bình luận về sự việc trên, luật sư Cường cho rằng trong trường hợp có căn cứ cho thấy Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, phát hiện người có biểu hiện mắc bệnh dịch COVID-19 (ho sốt, đau họng...) nhưng không khuyến cáo, cảnh báo, xử lý y tế, dẫn đến việc bệnh dịch lây lan thì cũng cần xem xét trách nhiệm của cán bộ, cá nhân có liên quan và xem xét đến trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh của cơ sở y tế này để xử lý theo quy định pháp luật.

Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc cũng là một cơ sở khám chữa bệnh, nên phải tuân thủ quy định của luật khám chữa bệnh, không được phép từ chối tiếp nhận bệnh nhân nếu không có lý do chính đáng. Ngoài ra theo quy định của luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì các cơ sở y tế có trách nhiệm tiên phong trong hoạt động phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm. Các cơ sở y tế đều phải thực hiện cách ly, phân loại thực hiện khám sàng lọc đối với các bệnh nhân.

Với những bệnh nhân có biểu hiện của bệnh dịch COVID-19 thì cần phải phân loại, cách ly, khám và điều trị theo quy định. Nếu quá tải, không đủ trang thiết bị thì phải chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên, phải có hướng dẫn, khuyến cáo cho người bệnh để đảm bảo an toàn trong việc phòng chống dịch bệnh.

Trường hợp cơ sở y tế này vi phạm quy định về khám chữa bệnh, không thực hiện hoạt động phòng chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật thì có thể xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh, hoặc tội vi phạm quy định về đảm bảo an toàn nơi đông người. Trước mắt cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động của cơ sở này là có căn cứ. Bước tiếp theo, thanh tra y tế cùng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định sẽ xử phạt hành chính hay khởi tố hình sự đối với cơ sở y tế này.

Phải nêu cao tinh thần vì cộng đồng

Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, cùng với việc thực hiện nghiêm quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch thì ý thức cộng đồng và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác… của mỗi công dân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Ðó còn là sự chung tay, góp sức cùng với cả hệ thống chính trị nhằm đẩy lùi dịch bệnh.

Theo ông Phan Quốc Linh - (Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lâm Thao, Phú Thọ), mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức cộng đồng, thể hiện ở sự tin tưởng và ủng hộ các quyết sách của Chính phủ và chính quyền các cấp về phòng chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm quy định về khai báo sức khỏe; cung cấp thông tin có liên quan một cách trung thực, chính xác; tự giác thực hiện những biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Kịp thời phản ánh những thông tin liên quan đến dịch bệnh qua số điện thoại đường dây nóng hoặc thông báo cho các cơ quan chức năng ở địa phương. Ý thức, trách nhiệm công dân còn là sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội; không chia sẻ, đăng lại hoặc cổ xúy cho những quan điểm sai lệch, bài viết không được kiểm chứng, hình ảnh giả mạo trên các trang mạng xã hội.

"Mỗi người hãy là một công dân trách nhiệm với chính bản thân mình và với cộng đồng, Tổ quốc. Đó là thể hiện tinh thần yêu nước, là sự chung tay góp sức với những người ở nơi tuyến đầu đang hy sinh thầm lặng ngày đêm cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, từ đó nhân lên sức mạnh niềm tin, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh" - ông  Linh kêu gọi.

Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 và theo hướng dẫn tại Công văn số 45/HĐTPTC-PC của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể như sau: "Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người: a) Trốn khỏi nơi cách ly; b) Không tuân thủ quy định về cách ly; c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối".

 

Nguồn: báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi