Muốn xuống địa đạo phải... lật giường
Để mục sở thị địa đạo có một không hai này, chúng tôi đã tìm đến 2 cửa hầm, 2 điểm duy nhất còn sót lại dẫn lối vào địa đạo. Điều đặc biệt là 2 cửa hầm đều nằm trong nhà dân, trong đó có một cửa hầm nằm ngay... dưới gầm giường nhà bà Phạm Thị Lai, trú tại thôn Vệ.
Mỗi lần có khách đến tham quan hoặc có người đến tìm hiểu, UBND xã Nam Hồng lại thông báo trước để gia đình bà Lai chuẩn bị đón tiếp và lật... giường. Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng mỗi khi có khách đến hỏi thăm, tham quan địa đạo bà lại hồ hởi đón tiếp. Chỉ phiền một nỗi vì cửa hầm nằm dưới gầm giường nên khi anh con trai ở nhà mới đủ sức cùng khách lật giường, mở nắp hầm. Bà Lai kể: “Năm 1961, sau khi được sự đồng ý của chính quyền xã Nam Hồng, gia đình tôi bắt tay vào xây dựng lại ngôi nhà mới của gia đình trên nền địa đạo cũ. Lối vào địa đạo được UBND xã Nam Hồng đầu tư trùng tu lại và nằm ngay dưới gầm giường nhà tôi”.
|
Đường vào khu di tích. |
Lối vào địa đạo thứ hai bắt đầu từ ngôi nhà cấp 4 bỏ không từ nhiều năm nay của nhà ông Phạm Quang Dộc nên việc chui vào địa đạo dễ dàng hơn. Lật nắp hầm nặng trịch, chúng tôi bật đèn điện thoại cầm tay, leo xuống chiếc thang sắt cũ kỹ gắn sát vào vách địa đạo. Từ cửa địa đạo, một lối nhỏ chỉ đủ một người chui vào. Để qua được cửa hầm, chúng tôi gần như phải nằm nhoài xuống đất rồi nhích từng chút một mới có thể vào được bên trong.
Phía trong địa đạo rộng rãi và khá cao ráo khiến chúng tôi chỉ hơi khom người là có thể di chuyển. Hai bên đều được kè chắc chắn bằng bê tông cốt thép, trần uốn cong kiểu mái vòm. Quả thật, cách đây hơn 70 năm, những dân quân xã Nam Hồng đã tự tạo được một hệ thống địa đạo kiên cố bằng cuốc, bằng xẻng, bằng tay thật đáng khâm phục.
Để tìm hiểu lịch sử của địa đạo, chúng tôi tìm đến nhà ông Đoàn Văn Luân, người tham gia trực tiếp chỉ huy dân quân thôn Vệ đào hầm, góp phần làm nên địa đạo Nam Hồng nổi tiếng những năm chống Pháp. Ông Luân năm nay đã 97 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ngày ấy, ông Luân là tổ trưởng dân quân, chỉ đạo các tổ đào hầm ngay tại thôn Vệ.
|
Dưới gầm giường này là cửa hầm địa đạo. |
Ông kể: “Sau khi được thành lập (4-1-1947), đội du kích xã Nam Hồng cùng thanh niên, nam nữ khỏe mạnh trong làng bắt đầu đào hệ thống giao thông hào sát lũy tre. Giao thông hào có chiều sâu hơn 1m và rộng từ 1,2m đến 1,4m. Chỉ sau 2-3 tháng, hệ thống giao thông hào, thành lũy kháng chiến đã chằng chịt khắp làng trên xóm dưới với chiều dài gần 11km. Du kích Nam Hồng phục kích quân địch bằng bẫy chông. Hàng trăm hố chông, mỗi hố dài 0,9m, rộng từ 0,6m đến 0,7m, sâu khoảng 1-1,2m. Mỗi hố có cắm từ 3 đến 9 hàng chông bằng tre hoặc bằng sắt rèn nhọn, có khi là cả bàn chông bằng đinh nhọn dài hơn 20cm. Để biến làng xã thành chiến địa bất khả xâm phạm, từ đầu năm 1947, quân dân Nam Hồng đã mở rộng hệ thống hầm bí mật bằng cách nối thông các hầm với nhau, tạo thành hệ thống giao thông bí mật, liên hoàn trong lòng đất.
Địa đạo Nam Hồng khác hẳn với các hệ thống địa đạo từng có tại Việt Nam. Đó là phần lớn địa đạo được đào, nối thông qua những ngôi nhà trong khắp các thôn, xóm. Theo tư liệu còn ghi lại, đoạn địa đạo đầu tiên được đào nằm ở khu dân cư xóm Phó, thôn Đoài, dài 200m. Địa đạo Nam Hồng được đào theo kiểu xương cá, có trục chính kết nối với các nhánh.
Ông Luân kể: “Khi ấy thanh niên, bộ đội đi chiến đấu hết, làng quê chỉ còn người già, phụ nữ, trẻ em. Bởi thế đội dân quân đào hầm, dựng hào, dựng chiến lũy toàn là các bà trên 40 tuổi. Chúng tôi chia thành 4 tổ, mỗi tổ 3-4 người. Người cuốc đất, người bốc đất, người kéo đất đổ lên ngay mặt đường. Khắp thôn làng đất rải đầy đường đi lối lại nên địch có đi qua cũng chẳng phát hiện được. Mỗi ngày một tổ phải đào được 10m hầm. Cứ đào đến lúc các tổ gặp nhau thì thôi. Vừa đào hầm, vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu nên từ cuối năm 1949 đến giữa năm 1952, dân quân thôn Vệ mới đào xong đoạn hầm qua làng”.
“Sẵn sàng di dời để bảo tồn di tích”
Năm 1996, địa đạo Nam Hồng được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, địa đạo Nam Hồng chỉ còn khoảng 200 mét địa đạo và hơn 100 mét hào giao thông, hơn 10 cửa hầm nay cũng chỉ còn lại 2 cửa. Từ đó đến nay, do chưa được quan tâm và bảo tồn đúng mức nên di tích đang ngày bị mai một và xuống cấp nghiêm trọng.
|
Bên trong địa đạo Nam Hồng đang bị xuống cấp |
Năm 2000, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng UBND Hà Nội đã đầu tư 1,2 tỉ đồng để khôi phục di tích lịch sử này. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa đồng bộ nên một số hạng mục chưa được hoàn thiện, đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nền hầm bị ẩm thấp, đọng nước khi mưa to, các hạng mục khác như hệ thống thoát nước, thông gió, chiếu sáng chưa được quan tâm nên khu di tích mang nhiều ý nghĩa lịch sử này đang dần trở thành phế tích. Đoạn hào và lũy chiến đấu um tùm cỏ mọc ngay sát ruộng rau của người dân. Nếu nhìn bằng mắt thường khó ai có thể hình dung nơi này đã ghi dấu một thời chiến đấu oai hùng chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Hồng.
Năm 2010, TP Hà Nội đã khảo sát, lập dự án khôi phục địa đạo Nam Hồng giai đoạn 2. Theo đó sẽ giải tỏa một số gia đình nằm trên phạm vi địa đạo để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và phát triển du lịch. Tuy vậy, đã nhiều năm trôi qua nhưng dự án vẫn nằm trên giấy. Hầu hết địa đạo đã bị sập, hỏng không còn nguyên vẹn như ban đầu.
Ông Phạm Quang Dộc cho biết: “Khoảng 5-6 năm trở lại đây công trình địa đạo đã xuống cấp nhiều. Ngay cái nhà cấp 4 của tôi, trước là cửa hầm chính để đưa đi các nơi giờ cũng xuống cấp quá rồi. Ở dưới thì vẫn đi lại được nhưng trên mặt thì bẩn thỉu, nước ở trên rỉ xuống nên người dân chúng tôi rất mong muốn nếu Nhà nước chủ trương khôi phục lại thì chúng tôi rất ủng hộ”.
|
Người dân có nhà nằm trong khu di tích đều mong muốn được di dời. |
Việc cửa hầm địa đạo nằm trong nhà dân thực sự là một khó khăn. Đây cũng chính là một trở ngại nếu muốn phát triển du lịch bởi nó gây nên sự bất tiện. Nếu muốn xuống tham quan cửa hầm địa đạo tọa trong nhà bà Lai thì việc đầu tiên là phải dựng giường của gia đình bà ra một góc. Bà Lai cho biết: “Có những ngày gia đình tôi phải dựng giường tới 5-7 lần, hết đoàn này lại đến đoàn khác. Mặc dù cũng rất muốn tạo điều kiện và ủng hộ địa phương nhưng nếu sự việc này cứ lặp đi lặp lại thì thực sự rất mệt mỏi. Nhiều khi gia đình đang ngủ trưa cũng có người gõ cửa muốn vào xem địa đạo. Từ chối thì áy náy nhưng nói thật là cũng không thể đáp ứng được hết nguyện vọng của nhiều đoàn đến thăm”.
Khi được hỏi thì không chỉ gia đình bà Lai, gia đình ông Dộc mà nhiều gia đình khác có địa đạo chạy qua đều có chung một câu trả lời rằng: “Nếu Nhà nước đổi đất để khôi phục địa đạo, chúng tôi sẵn sàng di dời”. Đó là một lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được.
Ông Phan Thế Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết: “Không chỉ lãnh đạo xã mà lãnh đạo huyện Đông Anh cũng rất quan tâm, trăn trở với địa đạo Nam Hồng và đưa vào danh sách một trong những công trình trọng tâm để cải tạo, tu bổ. Hy vọng trong khoảng vài năm nữa thì địa đạo sẽ được phục hồi hiện trạng như ban đầu và sẽ có thể khai thác phát triển du lịch và phát huy giá trị truyền thống. Mặc dù địa đạo Nam Hồng là một địa đạo được xây dựng sớm nhất cả nước nhưng lại ít người biết đến. Năm 2000, địa đạo Nam Hồng đã được phục dựng hơn 500 mét nhưng hiện tại vẫn chưa thể khai thác du lịch. Ngoài ra, nếu muốn bảo tồn được di tích thì cần có quỹ đất để đổi đất cho các hộ gia đình đang có địa đạo chạy dưới lòng nhà. Bởi nếu không làm được việc này thì phát triển du lịch sẽ khó khả thi”.
|
Nguồn: Báo CAND