Ngay từ khi tình báo quân đội ta mới được thành lập, Bác Hồ đã gọi đây là đội quân “tai mắt”, Bác nói: “Tình báo là tai mắt…, tai phải tỏ, mắt phải sáng, thì đầu óc định kế hoạch mới đúng. Đầu óc định đúng thì chân tay hành động mới kịp thời”; “Binh pháp nói: biết địch biết mình trăm trận đều thắng. Muốn biết địch thì phải có tình báo giỏi, muốn khỏi địch biết ta cũng phải có tình báo giỏi”. Trong chiến công vang dội ngày 30/4/1975 của toàn dân tộc cũng có sự đóng góp quan trọng của đội quân “tai mắt” này. Hơn 40 năm đã trôi qua, nhiều vấn đề đã được “giải mật”. Tuy nhiên, chiến công thầm lặng của đội quân “tai mắt” này vẫn còn ít người biết đến.
Từ phát hiện Mỹ không quay trở lại…
Theo giới nghiên cứu, trước 1975 các nhà lãnh đạo cao cấp và các cơ quan chiến lược – chiến dịch của Việt Nam vẫn cần một câu trả lời chính xác rằng có hay không khả năng quay trở lại của Mỹ, khi ta mở cuộc Tổng tiến công với quy mô lớn? Cánh quân “tai mắt” của ta đã triển khai ngay và đã có câu trả lời chính xác.
Ảnh tư liệu
Sau trận Phước Long, “nắn gân” địch để buộc chúng phải bộc lộ rõ ý đồ và khả năng thực tế. Các lực lượng vũ trang của ta đã nhanh chóng đánh chiếm Bình Phước, cửa ngõ quan trọng vào Sài Gòn. Một chuyên gia phân tích chiến lược của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhận xét:
“Về mặt tâm lí, mất Bình Phước là một đòn đau đối với chính quyền Sài Gòn. Chưa có thị xã nào bị đánh chiếm kể từ ngày thị xã Quảng Trị phải đầu hàng năm 1972, sau đó thị xã này lại được tái chiếm. Nhưng đau nhất là chưa bao giờ Mỹ tỏ ra thờ ơ như lúc này. Đối với chính quyền Thiệu cũng như đối với Bắc Việt Nam, trận Phước Long là trận thăm dò chính sách của Mỹ”.
Giới quan sát lúc đó nhận xét, vào thời điểm này chính quyền Nguỵ Sài Gòn đang còn tiềm lực, nhưng đã không tổ chức tái chiếm Phước Long, mà án binh bất động để thăm dò thái độ của Mỹ, xem họ có thực hiện lời hứa sẽ dội bom B52, khi Tổng thống Thiệu có yêu cầu, vì năm 1973 Washington đã thuyết phục Sài Gòn chấp nhận kí vào Văn kiện Hiệp định Pari về Việt Nam.
Trong khi đó, các mạng lưới “ngầm” của Việt Nam đã nắm được ý đồ của Mỹ đối với chính quyền Sài Gòn từ các cụm quân “tai mắt”, trong đó có cả các nhân vật hoạt động xuất sắc, từng giữ những trọng trách quan trọng trong hệ thống chính trị của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Những cụm quân “tai mắt” đã thu được rất nhiều tin, nhưng nguồn tin quan trọng nhất là tin thu được từ Bộ Tổng Tham mưu nguỵ. Trong đó có bức điện trả lời yêu cầu của chính quyền Sài Gòn, Mỹ khẳng định: “vai trò của Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã chấm dứt”.
Từ thực tiễn chiến trường, nhất là sau khi ta tiến công Phước Long, cùng với những tin tức của đội quân “tai mắt” mà lãnh đạo cơ quan cấp trên đã có những quyết định cực kỳ đúng đắn. Từ quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1975–1976 trước đó, đã chuyển thành quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
Việc chọn mục tiêu tiến công mở màn chiến dịch cũng là điều mà cấp trên đặc biệt quan tâm. Phương án cho cuộc Tổng tiến công là địa bàn Tây Nguyên đã rõ, nhưng vấn đề là đột phá vào vị trí nào vẫn là câu hỏi đang cần lời giải đáp. Trước những ý kiến khác nhau, cuối cùng ta chọn đánh vào Buôn Ma Thuột, là nơi đội hình quân nguỵ dễ bị tổn thương và dễ bị vỡ nhất và thực tế đã rõ.
Đến ngụy bị động, lúng túng đối phó…
Trong chiến dịch Tổng tiến công, lực lượng “tai mắt” của Việt Nam luôn chủ động nắm địch. Các lực lượng tình báo chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, kỹ thuật… có vai trò to lớn trong việc chủ động nắm bắt tin tức, đặc biệt những phản ứng của địch giúp cho cấp trên nắm chắc tình hình từng ngày, từng giờ. Một lãnh đạo cấp cao đã nhận xét: Đội quân “tai mắt” của ta “đã nắm được rất sớm phản ứng của địch, từ chỗ phán đoán sai lầm, chúng bắt đầu bị động đối phó”.
Sau trận mở màn Buôn Ma Thuột, quân nguỵ chạy tán loạn ra vùng Duyên hải. Một phát hiện quan trọng nữa của đội quân “tai mắt” là: đêm 15/3/1975, liên đoàn 14 nguỵ chuyển quân ra Quảng Trị thay thế sư đoàn Lính thuỷ đánh bộ chuyển phần lớn vào Đà Nẵng. Tin quan trọng này được báo cáo lên cấp trên.
Trong cuốn Hồi ký của một đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng ghi lại: “Hiện tượng này giúp tôi khẳng định thêm một nhận xét đang hình thành trong suy nghĩ của mình từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột. Qua cuộc đọ sức lớn đầu tiên ở Tây Nguyên và những diễn biến tiếp theo có thể thấy rõ, quân nguỵ còn yếu hơn nhiều so với đánh giá của ta trước cuộc tiến công. Chúng không hy vọng giữ Trị Thiên. Có thể chúng sẽ tập trung lực lượng về giữ Đà Nẵng, nơi có vị trí chiến lược rất lớn”.
Đúng như dự đoán của ta, sáng ngày 20/3, Trung tâm tình báo kỹ thuật đã thu được bức điện của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gửi cho Ngô Quang Trưởng: “Vì eo hẹp về phương tiện Không và Hải quân, nên chỉ cho phép yểm trợ được một cuộc enclave (chốt) vậy hãy mener (tiến hành) trì hoãn chiến về tuyến Hải Vân”. Đây là một tín hiệu cho thấy địch đã lúng túng, bị động và chuyển sang co cụm để phòng thủ.
Và đầu hàng vô điều kiện…
Khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra, vai trò của các cụm quân “tai mắt” ngay trong nội đô Sài Gòn là rất to lớn. Các Lãnh đạo Miền đã trực tiếp vào nội đô chỉ huy. Ngoài những thông tin thu thập được về số lượng, tâm lý của binh lính nguỵ, tình hình di tản của chúng… để báo cáo cấp trên, các cụm quân này còn có nhiệm vụ phải bảo vệ các cơ sở, cùng bộ đội truy quét, tiến công địch.
Đội quân “tai mắt” còn tổ chức lực lượng trực tiếp đánh vào Bộ Tổng tham mưu nguỵ. Cùng với các mũi tiến công từ bên ngoài vào còn có sự phối hợp của lực lượng “nằm vùng” ngay bên trong, nên đã bảo vệ nguyên vẹn cơ sở vật chất, máy móc tài liệu để ta tiếp quản sau này.
Một đóng góp quan trọng của đội quân “ngầm” là bắt chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Khi Dương Văn Minh thay Thiệu làm Tổng thống, ông ta muốn thông qua các nhân sỹ để thương lượng với Cách mạng. Nhưng các cán bộ của ta trong bộ máy của địch đã nói rằng, chỉ có một cách duy nhất để bảo đảm an toàn là nội các Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện.
Trước đó, Đại tướng Dương Văn Minh Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã điện hỏi Hòa thượng Thích Trí Quang xem có liên lạc được với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam không. Hòa thượng nói: “Tôi tu hành không biết về chính trị, quân sự. Đại tướng hãy quyết định lấy”.
Dương Văn Minh chưa kịp xử lý tình hình thì xe tăng 390 của quân giải phóng ta đã húc đổ cánh cổng dinh Độc lập và sau đó lễ tuyên bố đầu hàng đã diễn ra. Trưa ngày 30/4/1975, lá cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên tại dinh Độc lập, chấm dứt cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc Việt Nam. Trong chiến công chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, có sự đóng góp to lớn và hiệu quả của đội quân “tai mắt” của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam anh hùng./.
Trích nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK