Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đường đi thiện nguyện

Theo Nghị định 64/2008 của Chính phủ thì các cá nhân chưa được đứng ra thành lập quỹ, tổ chức từ thiện. Các đối tượng, chủ thể có quyền được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ theo quy định của pháp luật gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. 

Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Như vậy, việc một cá nhân nào đó gây quỹ đi làm từ thiện là "chưa phù hợp" với pháp luật hiện hành. Nhưng trong đời sống, việc các cá nhân thực hiện các hoạt động thiện nguyện vẫn là phổ biến. Làm điều thiện cũng là một cái quyền của mỗi người và do đó, cũng đã đến lúc cần điều chỉnh lại luật cho phù hợp hơn, tạo ra những hành lang pháp lý cụ thể hơn để tránh những ồn ào không đáng có.

Một hoạ sỹ, một nhà sưu tập bán đấu giá một tác phẩm hội hoạ để làm từ thiện là hành động tốt đẹp và khó có thể bắt người ấy phải mang số tiền đấu giá được đến một tổ chức thiện nguyện cụ thể nào. Song, nếu không có một tổ chức, một pháp nhân chịu trách nhiệm, nếu lỡ việc kêu gọi ủng hộ từ thiện sa vào một khủng hoảng pháp lý thì sẽ xử lý thế nào? Đó cũng là câu hỏi khó rất cần được giải đáp bằng các quy định luật, hoặc dưới luật, một cách cụ thể nhất.

Để có thể vươn tới một quy định cụ thể và dễ hiểu, phù hợp đời sống, hợp lòng người, điều đầu tiên chúng ta cần suy xét chính là đường đi của thiện nguyện. Đã đến lúc, đường đi ấy cần phải mạch lạc, minh bạch để hoạt động thiện nguyện hiệu quả hơn, đáng tin cậy hơn.

Chúng ta vẫn quen với việc một cá nhân, tổ chức có uy tín nào đó kêu gọi ủng hộ rất chung chung kiểu như "quyên góp ủng hộ đồng bào gặp khó khăn do bão, lũ ở miền Trung" chẳng hạn. Chính sự mơ hồ về địa chỉ này sẽ càng dễ làm phát sinh các tranh cãi không cần thiết. Tại sao không cụ thể hoá địa chỉ của từng chiến dịch thiện nguyện. Ví dụ, "đợt quyên góp ủng hộ đồng bào xã A, huyện B, tỉnh C khắc phục hậu quả thiên tai". Với một đường đi thiện nguyện có địa chỉ cụ thể như thế, chắc chắn sẽ không dẫn tới các đòi hỏi về trách nhiệm giải trình sau này.

Việc có địa chỉ, đích đến chi tiết của thiện nguyện đã từng cho thấy tính hiệu quả rất cao ở các đợt kêu gọi quyên góp hỗ trợ một cá nhân nào đó cụ thể. Đơn giản, khi cái đích đến của thiện nguyện có tên gọi cụ thể có thể kiếm tìm, nó đã xác lập ngay vị thế minh bạch của thiện nguyện ngay từ đầu.

Sẽ vô cùng khó để cấm các tổ chức, cá nhân tổ chức các đợt quyên góp từ thiện. Nhưng sẽ dễ dàng hơn nếu tạo ra cho họ những quy phạm về thiện nguyện bằng văn bản, để họ có hành lang pháp lý hành động hợp lòng mình, hợp lòng người. Chính cái sự chung chung hiện thời đã khiến thiện nguyện nhiều khi trở nên mơ hồ, thậm chí có thể là mập mờ và nhập nhèm với các mục đích cá nhân được ẩn giấu đằng sau.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi