Giá điện sẽ được nghiên cứu theo hướng điều chỉnh 6 tháng một lần và lợi nhuận của EVN được tính toán ở mức 3%.
Đây là chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sau khi họp bàn về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và khung giá điện.
Cụ thể, sau khi chủ trì cuộc họp về dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về khung giá của mức bán lẻ điện bình quân các năm 2016 – 2020 vào ngày 15-3 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung.
Về dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân: Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát lại toàn bộ những căn cứ, cơ sở của các thông số liên quan đến quy định giá tối thiểu, giá tối đa của mức giá bán lẻ điện bình quân, nhất là kế hoạch về sản lượng điện, cơ cấu nguồn điện, các yếu tố đầu vào khác của giá điện như giá khí, than, chênh lệch tỷ giá, giá dầu, tổn thất điện năng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tính toán ở mức 3%.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu hoàn thiện lại khoản 1 Điều 4 dự thảo Quyết định về hiệu lực thi hành của Quyết định này đảm bảo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Về dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân các năm 2016 – 2020: Thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 6 tháng.
Như vậy, Phó Thủ tướng đã yêu cầu ngược lại với đề xuất của Bộ Công Thương tại dự thảo công khai cuối năm 2016 về việc rút khoảng cách giữa 2 lần tăng giá tối thiểu được xuống 3 tháng thay vì 6 tháng như hiện hành.
|
Chính phủ đang yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện một loạt chính sách về giá điện
|
Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệp hội, ngành hàng có liên quan trong quá trình kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm. Đây là một nội dung mới, bởi trước đó, góp ý vào dự thảo này, VCCI đã cho rằng chưa có sự tham gia của bên mua điện như một chủ thể của quan hệ mua bán điện.
Bổ sung quy định bắt buộc mời đại diện của bên mua điện gồm một số doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện lớn (như Hiệp hội Thép, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội cơ khí…), đại diện Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức xã hội khác trong quá trình kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện.
Bộ Công Thương được chỉ đạo hoàn thiện 2 dự thảo trên trình Thủ tướng trong tháng 4-2017. Về dự thảo Quyết định của Thủ tướng sửa đổi Quyết định 28/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện – đã im ắng một thời gian dài sau khi EVN tổ chức nhiều hội thảo rầm rộ khắp 3 miền để các chuyên gia hiến kế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng trong quý III/2017.
Nguồn: Báo CAND
Biên tập: Đại Nghĩa (T2)