Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương là vựa nông sản ở phía Bắc hiện đang vào vụ thu hoạch đã có tình trạng ùn ứ, khó tiêu thụ, đặc biệt là nông sản vụ đông. Trong khi đó, có địa phương lại rơi vào cảnh thiếu, cần phải điều tiết để tránh xảy ra khan thiếu cục bộ.
Nơi thừa, nơi thiếu
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), qua nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản của một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh cơ bản đảm bảo, diễn ra bình thường. Đến nay, cơ bản các địa phương vẫn tập trung sản xuất và thu hoạch cây vụ đông cũng như triển khai kế hoạch sản xuất vụ chiêm xuân 2020-2021 đảm bảo tiến độ.
Tuy nhiên, tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly thì việc sản xuất, vận chuyển, cung ứng các vật tư nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tập trung chính vào một số khu vực ở Hải Dương và Quảng Ninh. Ngoài ra, hoạt động tiêu thụ nông sản ở địa phương gặp khó khăn dẫn đến tình trạng một số sản phẩm nông nghiệp đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá, hiện nay tại Hải Dương, ngoài lượng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh thì còn dư khoảng 100.000 tấn rau, củ, quả và 20.000 tấn thịt, 8.000 tấn cá.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các sản phẩm rau vụ đông ở Hải Dương có thể bị ảnh hưởng do COVID-19 nhưng vẫn có những đơn hàng từ trước chứ không phải vứt bỏ hoàn toàn. Yêu cầu đặt ra lúc này là làm thế nào để hàng hóa có thể lưu thông nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.
|
Đã vào vụ thu hoạch hành, tỏi ở thị xã Kinh Môn, Hải Dương nhưng khó khăn trong việc tiêu thụ.
|
Trong khi đó, tại Quảng Ninh, lượng gạo vụ mùa 2020 chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân và chăn nuôi nông hộ từ tháng 11/2020 đến hết tháng 5/2021.
Về thực phẩm, lượng thịt hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong dịp Tết của nhân dân trong Quảng Ninh nhưng phải điều tiết giữa các địa phương. Đặc biệt, trong quý I-2021, diện tích rau của Quảng Ninh đạt khoảng gần 2.000ha, sản lượng dự kiến 32.000 tấn, đã thu hoạch và sử dụng khoảng 12.000 tấn, còn khoảng 20.000 tấn.
Với lượng rau còn lại này ước tính thành phẩm đạt khoảng 16.000 tấn, chỉ đáp ứng được 70-80% nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Do đó, cần nhập thêm rau từ các tỉnh lân cận để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cần những hình thức tiêu dùng thông minh
Với những khó khăn trên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị UBND tỉnh bị ảnh hưởng do COVID-19 chỉ đạo các ngành liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh và đề nghị các tỉnh lân cận tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ.
Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng hạn chế nhập vào tỉnh các hàng nông sản tươi sống, đông lạnh; đồng thời tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống.
Hiện nay, các địa phương cũng kết nối với các siêu thị, chuỗi bán lẻ ở các đô thị. Tuy nhiên, cũng cần cải tiến phương pháp phân phối, tránh người dân tập trung quá đông đến các siêu thị, nâng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Muốn được như vậy, cần có biện pháp tuyên truyền, tránh tâm lý hoang mang, tích trữ trong nhân dân.
“Chúng ta cần những hình thức tiêu dùng văn minh, đáp ứng nhu cầu của mỗi người, mỗi gia đình. Từ đó đồng hành với bà con nông dân, đón xuân một cách chủ động nhưng không chủ quan”, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.
Ngoài ra, các tỉnh lưu ý, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát đối hành vi ép giá bán nông sản để trục lợi. Bên cạnh đó, Cục cũng đề xuất, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn của các tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Bộ Y tế ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho các lái xe vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ và có giấy xác nhận (3-5 ngày/lần) để các lái xe có thể vận chuyển hàng hóa ra khỏi tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, ngoài lượng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh thì hiện còn dư khoảng 128.000 tấn nông sản cần tiêu thụ, gồm 100.000 tấn rau củ quả, 20.000 tấn thịt và 8.000 tấn cá. Sở đã kết nối với 33 đơn vị thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ kịp thời cho người dân.
Sở đã đề xuất UBND tỉnh có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội... tạo điều kiện để nông sản của Hải Dương được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ. Hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích hạn chế nhập các sản phẩm tươi sống, đông lạnh; tăng cường thu mua, dự trữ các sản phẩm nông sản của tỉnh; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát hành vi ép giá để trục lợi..
|
Nguồn: Báo CAND