Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hà Nội rộng cửa hợp tác đầu tư, đưa dự án vào thực tế càng nhanh càng tốt

Thủ tướng cùng lãnh đạo Trung ương chứng kiến lãnh đạo thành phố Hà Nội trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Hội nghị có sự hiện diện của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội và các địa phương; đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức, các hiệp hội, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Chuyển biến tích cực, toàn diện

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, tại Hội nghị này, thành phố mong muốn nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; được tham vấn kinh nghiệm, công nghệ, giải pháp của các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm phát triển Hà Nội theo hướng đô thị văn minh, hội nhập và bền vững; xây dựng chính quyền phục vụ - đồng hành cùng doanh nghiệp; đồng thời giới thiệu các mục tiêu trọng tâm và danh mục dự án dự kiến kêu gọi đầu tư của thành phố giai đoạn 2017-2020.

Điểm lại kết quả 1 năm sau sự kiện Hội nghị Đầu tư và Phát triển 2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt, mở đầu thành công cho kế hoạch 5 năm 2016-2020. Cụ thể, Hà Nội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế nhanh 8,2% năm 2016; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất từ trước đến nay với 22.666 doanh nghiệp, tăng 18% và có sự đột phá về thu hút đầu tư với số vốn đăng ký ngoài ngân sách đạt 439,2 nghìn tỷ đồng.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Hà Nội tăng 10 bậc so với năm 2015, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh,  thành phố; xếp thứ hai cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông.

Thành phố cũng đã tăng cường hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Hà Nội đạt được các kết quả nêu trên là nhờ có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Tại Hội nghị năm ngoái, Hà Nội đã giới thiệu với các nhà đầu tư 52 dự án theo hình thức hợp tác công tư - PPP và 43 dự án xã hội hóa với tổng mức đầu tư ước 710,95 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đề xuất. Thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 dự án. Đến nay, có 4 dự án đã đi vào hoạt động, 7 dự án đã khởi công và dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ khởi công thêm 4 dự án; các dự án còn lại đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục thiết kế xây dựng…” - ông Nguyễn Đức Chung thông tin.

136 dự án chờ đợi đầu tư

Đánh giá cao tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động của Hà Nội thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ kiến tạo không thể và không chỉ dừng ở lời nói mà phải được chuyển hóa thành hành động. “Một doanh nghiệp chia sẻ với tôi, lãnh đạo Hà Nội đã giải quyết thấu đáo yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp chỉ trong vòng 1 ngày qua tin nhắn điện thoại. Qua ví dụ này tôi muốn nhấn mạnh, bộ máy ở cơ sở phải chuyển động nhạy bén, kịp thời trước những chính sách” - Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết sẽ kiến tạo môi trường đầu tư công bằng, thân thiện, khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư đảm bảo ổn định chính trị, tinh thần thượng tôn pháp luật từ Trung ương đến địa phương... 

Ngay tại Hội nghị, thành phố Hà Nội đã giới thiệu danh mục 136 dự án mong muốn thu hút đầu tư. Trong đó, có 17 dự án theo hình thức PPP, tổng số vốn 802,7 nghìn tỷ đồng; 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303,85 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố đã trao 15 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư ước tính trên 6 tỷ USD; trao 48 quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư trên 74 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, sau Hội nghị, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, cùng với chủ đầu tư, doanh nghiệp hoàn thiện các bước chuẩn bị cho dự án đầu tư. “Hôm nay chỉ là khởi đầu cho quá trình lâu dài sau này. Thành phố cam kết luôn đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, nỗ lực đưa dự án vào thực tế càng nhanh càng tốt, đạt được hiệu quả mong muốn” - Bí thư Thành ủy cam kết; đồng thời bày tỏ tin tưởng các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ nắm bắt cơ hội đầu tư thuận lợi mà thành phố đã và đang mở ra, tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển đi lên của Thủ đô.


Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: Vượt qua nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu”

“Thời gian qua, Hà Nội đã  “nhanh chân” hơn trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là đã vượt qua được nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu”. Đó là đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp dành cho thành phố qua xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa được công bố.

Ngoài những chỉ số chung về môi trường kinh doanh, Hà Nội còn có những cải thiện mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực cụ thể. Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Hà Nội tiếp tục có những đột phá về quy trình, thủ tục hành chính. Một môi trường kinh doanh tốt không chỉ là những thông điệp, mô hình hoành tráng mà nhiều khi thể hiện ở những điều rất giản dị, cụ thể như đăng ký thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, nộp thuế dễ dàng...”.


Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Anh Vương: Tạo môi trường liên kết, dẫn dắt khởi nghiệp

“Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tại Hà Nội, các cơ chế hỗ trợ hiện còn phân tán, thiếu sự liên kết cả về tổ chức và chuyên môn dẫn đến chậm tốc độ. Thành phố cũng đã triển khai hệ thống dữ liệu Thủ đô từ năm 2012, tuy nhiên đến nay sự cập nhật còn hạn chế. Do vậy, chúng tôi đề xuất cần có cơ chế phối hợp do thành phố chủ trì để tập hợp thành một phân hệ hỗ trợ khởi nghiệp trên Cổng thông tin điện tử thành phố giúp doanh nghiệp tiện theo dõi. 

Cùng đó, sự thiếu vắng các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trong công tác thúc đẩy khởi nghiệp Thủ đô đã dẫn đến khoảng cách giữa cộng đồng khởi nghiệp và hệ thống hỗ trợ còn khá xa. Thành phố phải giữ vai trò thiết lập hệ thống, điều phối và huy động sự đóng góp của doanh nhân vào công tác dẫn dắt khởi nghiệp, kèm cặp ươm tạo khởi nghiệp, đầu tư vốn và nâng đỡ khởi nghiệp...”.


 Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet: Nếu chậm trễ, sẽ bỏ lỡ cơ hội

“Liên minh châu Âu và Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Ở châu Á, Liên minh châu Âu chỉ ký kết FTA với 3 nước là Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam. Vì vậy, hai bên cần đẩy nhanh công tác chuẩn bị, triển khai mạnh các hoạt động nhằm tận dụng cơ hội mà FTA mang lại, nếu chậm trễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội. 

Sắp tới, Liên minh châu Âu mong muốn cùng Hà Nội tổ chức các hội thảo, hội nghị nhằm thúc đẩy giao lưu, trao đổi về thực hiện hiệp định này. Chúng tôi mong Hà Nội tổ chức các tour để giới thiệu với các nhà đầu tư đến từ Liên minh châu Âu về tiềm năng công nghiệp, lợi thế của Hà Nội. Chúng tôi cũng đề nghị Hà Nội tập trung phát triển mạnh về hạ tầng, quan tâm đầu tư giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển dịch vụ y tế. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội thực hiện các dự án này”.

Nguồn tin: Báo điện tử ANTĐ
Biên tập: Nguyễn Cường

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi