Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hải quan minh bạch trong phân tích, phân loại hàng hóa

Theo đó, tại Cục Kiểm định Hải quan đã xây dựng Quy trình tổng thể về công tác phân tích, kiểm định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và đang lấy ý kiến các cục hải quan địa phương, trình lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành. 

Trong đó, có nội dung quan trọng liên quan đến Đề án nêu trên. Quy trình mới này sẽ tạo hành lang, hướng tới đưa công tác phân tích, kiểm định đạt sự chuẩn mực, tạo sự khách quan trong công tác này; tích hợp công tác phân tích, phân loại trước đây, định hướng các công việc cụ thể, khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Năm 2020, Cục Kiểm định Hải quan phấn đấu giảm 40% lượng mẫu phân tích, phân loại. Ảnh: Quang Hùng.

Cục trưởng Cục Kiểm định Hải quan Đỗ Văn Quang cho biết, qua việc thực hiện mã hóa mẫu phân tích, bản thân cán bộ, công chức không tiếp cận sẽ không có được thông tin về doanh nghiệp, tờ khai, từ đó tạo sự khách quan, minh bạch trong công tác phân tích, phân loại (PTPL). 

Thống kê cho thấy, đến hết 15/9, Cục Kiểm định Hải quan đã tiếp nhận 7.483 mẫu PTPL. Riêng trong quý 3/2020, đơn vị đã tiếp nhận 2.235 mẫu yêu cầu PTPL, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 1.138 mẫu, tương đương 33,7%. Trong số này có 310 mẫu tăng thuế, chiếm 15,7%; 145 mẫu giảm thuế, chiếm 7,8%, 662 mẫu thay đổi mã số, không thay đổi thuế suất, chiếm 33,6%; 817 mẫu đúng khai báo, chiếm 41,4%. 

Mặt khác, trả lại 724 mẫu gửi yêu cầu PTPL của các cục hải quan địa phương, số lượng mẫu còn tồn tại các chi cục kiểm định dao động từ 2,7%-13%, trung bình mẫu tồn toàn Cục giảm 5%. Trong đó, lượng mẫu phân tích phân bố đều các địa bàn Bắc-Trung-Nam. 

So với cùng kỳ năm 2019, số lượng mẫu do đơn vị tiếp nhận giảm 30%. Nguyên nhân do đơn vị đã phối hợp với Cục Quản lý rủi ro thực hiện đánh giá rủi ro, phấn đấu giảm lượng mẫu phân tích. Đồng thời, đơn vị đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo toàn ngành chấn chỉnh công tác lấy mẫu để tránh lãng phí nguồn lực, vật lực. 

“Nếu hàng hóa đã gửi mẫu và có kết quả phân tích trước đó thì các đơn vị không gửi mẫu phân tích mà lấy lại theo kết quả cũ, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan, lãng phí nguồn lực, chi phí, tiêu hao vật tư, máy móc. Năm 2020, đơn vị phấn đấu giảm 40% lượng mẫu PTPL, đó là giảm lượng mẫu yêu cầu phân tích có kết quả đúng khai báo”, ông Đỗ Văn Quang nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, bên cạnh nhiệm vụ PTPL, đơn vị tham gia công tác kiểm định hàng hóa. Hiện tại đơn vị đã thực hiện công tác kiểm định chất lượng đối với mặt hàng rau củ quả và thực phẩm chức năng, tiến hành thực nghiệm trong phòng thí ngiệm, tiến tới triển khai thực tế trong quy trình thủ tục hải quan. 

Tới đây, Cục Kiểm định Hải quan xem xét, chỉnh sửa một số chức năng, nhiệm vụ để phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ, quy trình đặt ra là phải hóa mã mẫu trước khi chuyển phân tích. Vì thế, các đơn vị kiểm định phải bố trí cán bộ phù hợp để thực hiện các công việc phát sinh. Đối với Phòng thí nghiệm đòi hỏi cán bộ phải có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu. 

Chính vì vậy, Cục Kiểm định Hải quan luôn luôn chú trọng công tác đào tạo hướng đến mục tiêu kiểm tra chuyên ngành. Hiện Cục Kiểm định Hải quan đã liên kết đào tạo với đơn vị cung cấp trang thiết bị để khai thác triệt để thiết bị; phối hợp với các trường đào tạo, các trung tâm đó để cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức mới.

Trích nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi