Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hiểu về nợ công, bẫy nợ công

Trong quá trình phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia, Nhà nước sẽ có lúc cần đến sự huy động nguồn lực nhiều hơn từ trong và ngoài nước. Hay nói cách khác thì khi các khoản thu truyền thống như thuế, phí, lệ phí… không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu thì Nhà nước sẽ phải vay nợ để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình và sẽ có trách nhiệm chịu trách nhiệm trong việc chi trả khoản nợ đó.

Nợ công, bẫy nợ công là gì?

Nợ công, hay còn gọi là nợ chính phủ hay nợ quốc gia, là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phía quốc gia thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay. Việc đi vay này nhằm mục đích tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách, hay nói cách khác thì nợ chính phủ là thâm hụt ngân sách lũy kế đến một thời điểm nào đó. Để hình dung quy mô của nợ chính phủ thì người ta thường đo xem khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Ảnh minh họa

Khoản nợ như thế nào thì được coi là bẫy nợ. Theo nghiên cứu, thoả thuận vay và cho vay được coi là bẫy nợ hội tụ bốn yếu tố. Đầu tiên các khoản vay có số tiền lớn. Thứ hai, lãi suất cao. Thứ ba, khoản vay phải trả trong thời gian ngắn (10-15 năm), ít ân hạn để phục vụ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng (thu hồi vốn chậm, hiệu quả có được cần thời gian dài) dẫn đến việc quốc gia mất khả năng trả nợ. Điều này tạo ra hệ lụy yếu tố thứ tư, các quốc gia không trả được nợ phải dùng các nguồn lực khác (tài nguyên, chủ động về chính sách, ủng hộ về chính trị...) để trả nợ.

Tác động của nợ công, bẫy nợ công vào nền kinh tế

Về lợi ích nợ công làm gia tăng nguồn lực cho nhà nước. Nợ công giúp tăng cường nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và tăng khả năng đầu tư đồng bộ của Nhà nước. Nếu có được chính sách huy động nợ công một cách hợp lý thì nhu cầu về vốn sẽ từng bước được giải quyết để đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp gia tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Nợ công sẽ tận dụng được sự hỗ trợ từ nước ngoài và tổ chức tài chính quốc tế. Tài trợ quốc tế là một trong những hoạt động kinh tế, ngoại giao quan trọng của các nước phát triển muốn gây ảnh hưởng đến các quốc gia nghèo, cũng như muốn hợp tác kinh tế song phương.

Bên cạnh lợi ích lớn mà nợ chính phủ mang lại thì chúng cũng có những tác động không mong muốn đến nền kinh tế của một quốc gia.

Nợ công có khả năng trở thành nợ xấu hay không sẽ phụ thuộc vào năng lực quản lý tài chính của một quốc gia kinh tế. Trách nhiệm hoàn trả nợ công sẽ gây nên áp lực lớn về chính sách đầu tư trong nước và chính sách thuế…

Nguồn vay dồi dào nếu không được quản lý một cách chặt chẽ thì rất dễ gây nên nạn tham nhũng, thất thoát lãng phí nguồn tiền. Mỗi hoạt động sử dụng nguồn vốn không hiệu quả đều có thể gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng như nợ chồng nợ hay hiệu ứng domino… Có thể thấy nợ công đóng vai trò rất quan trọng đối với một nền kinh tế, nhất là những nước đang phát triển, nguồn vay nợ công mang lại nhiều lợi ích thiết thực giúp cho việc tái thiết và xây dựng đất nước nhưng cũng chính là gánh nặng tài chính cho quốc gia. Theo đó, người lãnh đạo quốc gia cần phải triển khai nhiều chính sách một cách nghiêm ngặt nhằm sử dụng hiệu quả nhất các nguồn vốn vay để tránh thất thoát và lãng phí tiền.

Về bẫy nợ, đã gọi là bẫy, tất nhiên tác động của nó mang sắc thái tiêu cực. Bẫy nợ gây mất chủ quyền kinh tế, an ninh, chủ quyền chính trị nghiêm trọng.

Công thức để các chủ nợ khởi động bẫy nợ rất đơn giản.

Đầu tiên là việc chủ nợ cho vay vốn lớn với đặc trưng của một “bẫy nợ”. Điều này làm giảm năng lực trả nợ của dự án. Khi không trả được nợ, chủ nợ sẽ đề nghị chính phủ sở tại tiếp quản toàn bộ cơ sở hạ tầng đó để “trừ nợ” hoặc trao cho chủ nợ quyền tiếp cận các tài nguyên khác.

Các chủ nợ không hề có mất mát hoặc mất mát rất nhỏ kể cả khi chính phủ sở tại không trả được nợ. Đó là vì ngay từ thoả thuận cho vay, đầu tư dự án ban đầu, chủ nợ sẽ yêu cầu đơn vị thi công, thực hiện dự án là các công ty, tập đoàn đến từ quốc gia của họ. Tiền dành cho vay lại chảy về quốc gia chủ nợ. Điều này có thể thấy rõ trong việc chính phủ Mỹ yêu cầu các nước Trung Đông mua thiết bị lọc dầu của các công ty Mỹ vào năm 1970. Hay việc các đơn vị Trung Quốc thi công các công trình ở Nam Á và Đông Phi.

Trong khi ấy, việc tiếp quản các cơ sở hạ tầng hay tài nguyên quốc gia mang lại cho chủ nợ những lợi ích khổng lồ. Vào năm 2015, nhà điều hành sân bay Fraport của Đức vừa trả 1,2 tỉ EUR để quản lý 14 sân bay khu vực của Hy Lạp trong vòng 40 năm. Đây là hệ quả của việc nước này rơi vào vòng xoáy nợ công. Chính phủ Đức cũng kiếm về khoảng 100 tỷ Euro từ khủng hoảng nợ Hy Lạp nhờ thái độ cứng rắn.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đánh mất chủ quyền kinh tế, khi các nước tìm cách từ chối tiếp tục vay hoặc điều chỉnh điều khoản, chủ nợ có thể gây sức ép qua chính các dự án đó. Chẳng hạn, Trung Quốc dừng cấp vốn ngay lập tức cho ba dự án của Pakistan vào tháng 11-2017 khi nước này đòi đàm phán lại điều khoản của dự án đầu tư đập Diamer-Bhasha.

Việc đánh mất chủ quyền kinh tế, tài nguyên thiên nhiên rất dễ gây phẫn nộ trong dân chúng, gây bất ổn chính trị khiến quốc gia vay nợ rơi vào vòng xoáy hỗn loạn, càng thêm kiệt quệ.

Cách giải quyết bẫy nợ công

Thứ nhất, điều chỉnh các điều khoản vay. Hồi năm 2018, chính phủ Ethiopia đã phải đàm phán với Trung Quốc về việc tái cơ cấu nhiều khoản nợ liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Thủ tướng Abiy Ahmed cho biết Bắc Kinh đồng ý kéo dài thời gian thanh toán một số khoản nợ lớn từ 10 lên 30 năm.

Thứ hai, đảo nợ từ nguồn vay chi phí thấp hơn, ưu đãi hơn. Để xây dựng cảng Hambantota, Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay vốn ưu đãi giai đoạn 1 là 307 triệu đô la Mỹ với lãi suất cao lên tới 6,3%. Trong khi đó, khoản vốn vay ưu đãi mà ADB hoặc WB cung cấp chỉ có lãi suất từ 2-3%, thậm chí có lúc gần bằng 0%. Thứ ba, đánh giá lại hiệu quả, điều chỉnh điều khoản và giảm quy mô dự án. Năm 2018, Chính phủ Myanmar đã yêu cầu cắt giảm quy mô dự án cảng Kyaukpyu từ 7,3 tỉ đô la Mỹ xuống còn 1,3 tỉ đô la Mỹ (giảm hơn 80% chi phí) với thiết kế ban đầu 10 bến tàu giảm xuống còn hai bến.

Thứ tư, huỷ bỏ dự án. Nổi tiếng nhất trường hợp này là Malaysia. Ngày 21/8/2018, Malaysia đưa ra tuyên bố sẽ “dừng ở thời điểm hiện tại” với dự án tuyến đường sắt phía Đông. Nhưng sau khi đàm phán không thành công về việc giảm mức đầu tư từ 20 tỉ đô la Mỹ xuống còn 10 tỉ đô la Mỹ, tại cuộc họp ngày 24/1/2019, nội các Malaysia đã quyết định hủy bỏ dự án và chấp nhận bồi thường theo hợp đồng.

Một nền kinh tế tự chủ, tránh xa bẫy nợ là điều kiện không thể thiếu trong một chính phủ, nhà nước, quốc gia tự chủ, độc lập.

Trích nguồn: Báo CAND


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi