Thứ Tư, 18/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp

Hội thảo nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tư pháp về công tác xã hội (CTXH); nâng cao kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH các tỉnh, thành phố đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, chất lượng, hiệu quả của công tác truyền thông về CTXH nói chung và CTXH trong lĩnh vực tư pháp nói riêng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, ở nước ta, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công tác xã hội lớn, chiếm khoảng 28% dân số trong đó có khoảng 11,5 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 9,2 triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 2,1 vạn người nghiện ma túy…

ctxh-1-1669795493861588425594.jpg -0
Hội thảo khoa học đã ghi nhận những tham luận về giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chính sách công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các bộ ngàng chức năng nhất là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an đã từng bước tham mưu hoàn thiện các văn bản pháp quy về CTXH để trợ giúp các đối tượng như người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, người nhiễm HIV, người nghiện ma túy, bán dâm, bạo lực gia đình…

Nhiều bộ luật, luật chuyên ngành được ban hành cùng với các nghị định, thông tư và nhiều chương trình, đề án liên quan đến công tác xã hội… đã tạo thành chỉnh thể, hệ thống hành lang pháp lý về CTXH, góp phần bảo đảm thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế, giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và bất bình đẳng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đánh giá, pháp luật trong lĩnh vực liên quan đến công tác xã hội rất đa dạng, phong phú nhưng trong lĩnh vực tư pháp còn khoảng trống, rải rác, đan xen, thiếu đồng bộ và bất cập trong quá trình triển khai. Như trong lĩnh vực tư pháp hiện chưa có văn bản pháp luật quy định trực tiếp, cụ thể về nghề CTXH hay người làm CTXH. Pháp luật hình sự và tố tụng hình sự tuy chưa có các quy định cụ thể, trực tiếp liên quan đến vai trò và nhiệm vụ của nghề CTXH nhưng cũng có những quy định làm tiền đề cho sự phát triển của nghề này.

Dịch vụ CTXH trong lĩnh vực tư pháp mới tập trung hỗ trợ, giúp đỡ người vi phạm pháp luật, người phạm tội, người bị kết án, chấp hành án mà chưa thực sự chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ CTXH cho đối tượng là người bị hại, nạn nhân của các vụ vi phạm pháp luật, vụ án như nạn nhân bị mua bán người, nạn nhân bị xâm hại tình dục… đặc biệt nạn nhân là người dưới 18 tuổi. Đội ngũ người làm CTXH và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp, kiến nghị, cơ chế hoàn thiện chính sách pháp luật CTXH trong lĩnh vực tư pháp, các giải pháp truyền thông, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong lĩnh vực này.

TS Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, về luật pháp, chính sách, với thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay quy định về việc hỗ trợ, trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội thì đã đến lúc cần nghiên cứu để xây dựng một đạo luật riêng về CTXH trong đó có các quy định về CTXH trong lĩnh vực tư pháp.

Có thể tập trung vào một số vấn đề như các dịch vụ CTXH trong lĩnh vực tư pháp; vai trò, vị trí, chức năng, trách nhiệm của nhân viên CTXH trong việc cung cấp các dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong hệ thống tư pháp; cơ chế tuyển dụng người làm CTXH; yêu cầu năng lực, trình độ chuyên môn cán bộ làm CTXH; quy trình, trình tự triển khai mô hình dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong quá trình can thiệp, hỗ trợ đối tượng là người vi phạm pháp luật, người là nạn nhân, nhân chứng như mô hình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; dịch vụ hỗ trợ, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng dành cho người vi phạm pháp luật…

Ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ mục tiêu, định hướng phát triển CTXH tại Việt Nam trong thời gian tới phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm CTXH; ít nhất có 30% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH, trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng CTXH…

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi