Thông tin Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) yêu cầu các khách sạn tại Đà Nẵng trả phí tác quyền âm nhạc 25.000 đồng/phòng có tivi/ năm gây tranh cãi gay gắt. Không chỉ phân tích đúng, sai dưới góc độ pháp lý, một số ý kiến bày tỏ lo lắng việc thu phí bản quyền sẽ “loạn xà ngầu”. Theo VCPMC, việc thu phí bản quyền âm nhạc với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có tivi không phải là câu chuyện mới. Thực tế, VCPMC đã tiến hành thu tại nhiều thành phố lớn khác trong nhiều năm trở lại đây và hoàn toàn đúng luật.
Trao đổi với chúng tôi quanh thông tin này, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Mạnh Quý cho biết, quy định về thu phí đối với các tổ chức, cá nhân có sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại của mình như kinh doanh khách sạn, siêu thị, karaoke… đã có từ hơn 10 năm nay. Thu tiền nhuận bút, thù lao chính là một trong những biện pháp để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan theo pháp luật về sở hữu trí tuệ và khuyến khích sự sáng tạo của chủ thể quyền. Việc thu phí bản quyền âm nhạc với các cơ sở kinh doanh của VCPMC là đúng quy định của pháp luật. Chỉ có điều, việc thu phí cần hợp tình, hợp lý, có sự đồng thuận của các bên vì đây là giao dịch dân sự.
|
Các chương trình có sử dụng tác phẩm âm nhạc phát sóng truyền hình là lý do để VCPMC tiến hành thu phí các khách sạn có tivi
|
Ngược lại, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam lại cho rằng, VCPMC chưa đưa được căn cứ pháp lý chính xác, chưa áp dụng đúng đối tượng trong việc thu phí bản quyền âm nhạc với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có tivi. Cụ thể, theo quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009 thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.
|
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
|
Điều 35 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21-9-2006 quy địnhchi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quancũng đã hướng dẫn cụ thể: Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại khác. Tuy nhiên, việc thu tiền tác quyền xuất phát từ quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng theo Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ như Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là không phù hợp.
|
Nếu thu phí bản quyền âm nhạc thành công, khách sạn có tivi có thể sẽ phải trả phí bản quyền cho chủ sở hữu tác phẩm nhiều lĩnh vực khác
|
Cũng theo luật sư Hậu, Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP quy định, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Căn cứ theo quy định này thì người biểu diễn ở đây phải là ca sĩ, nhạc công… hoặc chính bản thân tác giả chứ khách sạn hay nhà hàng, cửa hàng, siêu thị… không thể là người biểu diễn (có chăng chỉ là nơi biểu diễn). Do đó, VCPMC cần phải đưa ra được căn cứ pháp lý chính xác, áp dụng đúng đối tượng khi triển khai thu tiền tác quyền. Nếu VCPMC kiên quyết thu tiền tác quyền của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khách sạn vì cho đây là quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng thì các tổ chức, cá nhân này hoàn toàn có quyền từ chối yêu cầu trên.
Luật sư Bùi Sinh Quyền, văn phòng Luật sư Phúc Thọ, Hà Nội cũng cho rằng việc VCPMC thu phí tác quyền âm nhạc với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có tivi cần phải xem xét lại. Nếu các đơn vị này tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại cơ sở, chủ động chọn lựa sử dụng tác phẩm âm nhạc hoặc bản ghi âm, ghi hình các tác phẩm âm nhạc phục vụ mục đích kinh doanh thì phải trả phí. Nhưng các chương trình phát sóng trên tivi, nghĩa vụ trả phí bản quyền âm nhạc là của Đài truyền hình và đơn vị sản xuất chương trình. Cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú đã trả phí qua các đơn vị như truyền hình cáp… Chưa kể, âm nhạc chỉ là một phần nhỏ trong nội dung phát sóng trên tivi hàng ngày và tivi là phương tiện chuyển tải rất nhiều nội dung, kiến thức về cuộc sống, xã hội. Nếu tận thu, sẽ không có lợi.
|
Nếu theo cách của VCPMC, nghệ sĩ biểu diễn cũng có quyền đòi khách sạn có tivi phải trả phí
|
Một cựu cán bộ của Cục Bản quyền cũng cho rằng, thu phí bản quyền, trong đó có bản quyền tác phẩm âm nhạc là cần thiết nhưng cần khéo léo, không nên dùng mệnh lệnh hành chính. Ngay hoạt động phu phí bản quyền hiện nay cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Nếu thực hiện thu phí như VCPMC, riêng với chiếc tivi, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú sẽ cảm thấy rất phiền toái. Với một chương trình có sử dụng tác phẩm âm nhạc, ngoài quyền tác giả do VCPMC là tổ chức đại diện tập thể đứng ra thu phí còn nhiều phí bản quyền liên quan: phí bản quyền cho nghệ sĩ biểu diễn, phí bản quyền cho đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Nếu là bài hát phổ thơ thì phải trả phí cho người sáng tác thơ. Chưa kể, VCPMC chỉ là một tổ chức đại diện tập thể về quyền tác phẩm âm nhạc và không phải là đại diện cho tất cả các tác giả. VCPMC thu được thì các tổ chức, cá nhân cũng có thể đến đòi thu phí các cơ sở kinh doanh được. Hơn nữa, trên tivi lại không chỉ có chương trình sử dụng âm nhạc mà phát sóng rất nhiều nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực khác. Nếu trả phí như thế, người làm kinh doanh khó chấp nhận.
Về việc thu phí bản quyền âm nhạc, luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng, pháp luật cần có quy định cụ thể đối với việc ai có nghĩa vụ gì, có nghĩa vụ đối với ai khi sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ. “Quy định như hiện nay sẽ khiến các tổ chức, cá nhân lâm vào tình trạng hoang mang, lo lắng khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh vì các chủ thể như tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng sẽ lần lượt có yêu cầu thu phí tác quyền. Hơn nữa, cũng không có văn bản nào, cơ quan nào xác định liệu việc thu phí như vậy là đúng chủ thể, đúng đối tượng không, liệu có bị “thu phí trùng” hay không… Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết và bắt buộc phải làm, nhưng không thể bảo hộ một cách nhập nhằng, không rõ ràng, làm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác”- Luật sư Hậu nhấn mạnh.
Trích nguồn: Báo CAND
Biên tập: Đại Nghĩa