Thứ Ba, 24/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Khi bệnh viện, trường học trở thành địa bàn hoạt động của các đối tượng lừa đảo

Từ chuyện gọi điện lừa đảo “con mổ cấp cứu” trong bệnh viện…

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, bên cạnh nhiều mặt tích cực cho cuộc sống, có thể nói hiện nay nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng những ưu việt và hiệu quả của công nghệ vào những hành vi phạm pháp nhằm lừa đảo, trục lợi. Đáng nói, những ngày qua các bệnh viện (BV) bỗng dưng trở thành địa bàn để các đối tượng hướng tới nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi.

Khi bệnh viện, trường học trở thành địa bàn hoạt động của các đối tượng lừa đảo -0
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh phát biểu trong một hội nghị.

Điển hình, gần đây tại TP Hồ Chí Minh, hàng loạt phụ huynh nhận được cuộc gọi của người lạ tự xưng là giáo viên thông báo rằng con họ bị tai nạn đang nhập viện cấp cứu và phải mổ gấp, yêu cầu chuyển tiền ngay vào tài khoản cá nhân người gọi để đóng viện phí cho trẻ. Không mảy may nghi ngờ, một số người đã trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo mới này.

Theo thống kê sơ bộ của BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 8/3 đã có 13 người là phụ huynh có con đang theo học tại các trường trên địa bàn thành phố đến BV này tìm con sau khi nhận cuộc gọi từ người tự xưng là giáo viên và thông báo con em của họ bị tai nạn phải chuyển đến BV cấp cứu, phẫu thuật. Ngoài ra, BV cũng nhận nhiều cuộc gọi đến từ các bậc phụ huynh nhờ xác minh thông tin trẻ cấp cứu tại BV nhưng hầu hết đều là thông tin giả từ nhóm đối tượng lừa đảo.

Ông Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy cho biết, số lượng các vụ lừa đảo dạng trên vẫn tiếp tục gia tăng. “Sau những ngày đầu tập trung vào nhóm học sinh các trường quốc tế, trường tiểu học, đến nay đối tượng lừa đảo đã mở rộng ra hầu hết học sinh ở các cấp học, trong đó có cả những người là sinh viên đại học. Kẻ xấu vẫn sử dụng thủ đoạn cũ là thông báo cho gia đình về việc con em đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và đề nghị chuyển tiền đóng viện phí để mổ gấp” - ông Hiển nói.

Khi bệnh viện, trường học trở thành địa bàn hoạt động của các đối tượng lừa đảo -0
Một cuộc gọi lừa đảo đến phụ huynh báo việc con trẻ bị “cấp cứu” tại bệnh viện.

Anh Nguyễn Đình Nh. (phụ huynh của bé Nguyễn Vũ Minh Kh. đang học lớp 4, Trường Quốc tế Việt Úc) là người bị lừa mất 200 triệu đồng. “Họ gọi cho tôi vào sáng 6/3, thông báo con tôi bị tai nạn, đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch tại BV Chợ Rẫy. Tôi liên lạc với nhà trường nhưng không được nên đã chuyển tiền. Thực sự, tôi chỉ nghĩ đến sự an nguy của con mà không hề có bất kỳ sự cảnh giác nào về tình huống mình có thể bị lừa” - anh Nh. cho biết, gia đình anh đã chuyển khoản 2 lần cho đối tượng lừa đảo với tổng số tiền là 200 triệu đồng, đến khi vào BV anh mới biết bị lừa.

Đáng nói, không chỉ TP Hồ Chí Minh, vấn nạn lừa đảo này còn lan ra các tỉnh thành khác với phương thức, thủ đoạn tương tự. Đơn cử như ngày 7/3, đại diện Công an xã Đức Hòa Thượng (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đã tiếp nhận phản ánh của người dân về việc có người mạo danh giáo viên chủ nhiệm gọi điện thoại cho phụ huynh báo tin “học sinh bị tai nạn cấp cứu”, đề nghị chuyển tiền qua tài khoản.

Theo đó, chị V. có con đang học lớp 5 Trường Tiểu học Huỳnh Văn Tạo nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại 0773843... Người gọi xưng là giáo viên chủ nhiệm và báo tin con chị đang nhập viện do bị chấn thương sọ não, rồi yêu cầu chị chuyển gấp 50 triệu đồng vào tài khoản để làm thủ tục nhập viện. Rất may, chị V. chạy xe máy đến trường để tìm hiểu sự việc thì phát hiện con vẫn học tập bình thường…

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mấy ngày qua Sở nhận được báo cáo của các BV về hiện tượng người dân gọi vào BV nhờ giúp xác nhận thông tin có người thân đến cấp cứu tại BV. Tại BV Nhi đồng 1, vào ngày 6/3, chỉ trong vòng 1 giờ, Khoa Cấp cứu liên tiếp nhận 2 cuộc gọi của phụ huynh hỏi về 3 trường hợp học sinh (đang học tại các trường quốc tế trên địa bàn thành phố) để xác nhận thông tin con, em đang cấp cứu tại BV Nhi đồng 1, cả 3 trường hợp này đều được BV Nhi đồng 1 xác nhận là không có thật…

Khi bệnh viện, trường học trở thành địa bàn hoạt động của các đối tượng lừa đảo -0
Một số tin nhắn thông báo “Con đang cấp cứu” để lừa chuyển tiền.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, các đối tượng xấu đã lợi dụng đánh vào tâm lý hoang mang, lo lắng của phụ huynh, tạo ra tình huống nguy cấp, cung cấp số tài khoản mạo danh yêu cầu nạn nhân chuyển tiền rồi chiếm đoạt. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng có tổ chức được phân công nhiệm vụ cụ thể như các trường hợp kể trên.

Đến việc giả mạo con dấu, giấy tờ để kêu gọi “từ thiện”

Ngày 11/3, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng thông tin cảnh báo về tình trạng giả mạo các loại giấy tờ và con dấu của BV trên địa bàn thành phố để đánh vào lòng nhân ái của cộng đồng, kêu gọi sự giúp đỡ cho bệnh nhân rồi chiếm đoạt tiền từ thiện...

Theo BS Trương Hữu Khanh, phụ trách Phòng Công tác xã hội BV Nhi đồng 1, BV đã phát hiện một thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi nhắm vào tình thương của cộng đồng. Cụ thể, đối tượng có nickname Hoàng Trung đã đăng thông tin trên nhiều hội, nhóm của các trang mạng xã hội với nội dung rất bi thương về việc con mình vừa tử vong vào ngày 9/3 cùng giấy tờ xác nhận của BV.

“Xin giúp đỡ cho con em trong lúc này với ạ... Em tên Trung, em người quê ở Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk). Hiện tại con trai em mắc bệnh viêm não mô cầu, bé nằm BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh điều trị 2 tháng nay, do bệnh tình trở nặng, 1 giờ tối nay bé được cấp cứu nhưng đã không qua khỏi”. Sau những dòng thông tin “lấy nước mắt” cộng đồng, người này xin xỏ: “Do lo chi phí điều trị cho bé 2 tháng nay, gia đình em hiện giờ khó khăn. Em không xoay xở được nên em mới đăng bài. Mong anh chị rủ lòng thương giúp em chút chi phí, để em đưa con về quê và làm đám tang cho con”. Sau đó, đối tượng đưa số điện thoại và tài khoản ngân hàng kêu gọi mọi người chuyển tiền.

Sau khi tiếp nhận thông tin trên, nhiều nhà hảo tâm đã liên hệ với BV để xác minh. Phía BV Nhi đồng 1 kiểm tra lại và xác định hoàn toàn không có bệnh nhi tên là Hoàng Quốc Thái điều trị tại BV như thông tin được đăng.

“Theo giấy chứng nhận được “Mạnh Thường Quân” cung cấp nhờ xác minh, chúng tôi khẳng định BV không có mẫu giấy này. Đối tượng lừa đảo đã mạo danh con dấu của BV và chữ ký của Giám đốc BV...” - BS Trương Hữu Khanh cho biết.

Mới đây, BV Nhi đồng 1 còn nhận Công văn số RAU[1]224/2023 của Tổng lãnh sự quán Canada tại TP Hồ Chí Minh về việc xác minh hợp đồng lao động số 0136/2017/HĐLĐ-BVNĐ1 ngày 5/4/2017 đối với ông Trần Văn Thành, sinh năm 1982, số chứng minh nhân dân: 196336825. Qua kiểm tra hồ sơ nhân sự, BV Nhi đồng 1 xác nhận hợp đồng lao động này là giả mạo. BV đã trình báo công an địa phương các sự việc giả chữ ký giám đốc và con dấu BV…

Cũng với phương thức, thủ đoạn như trên, trước đó tại các BV Đa khoa tỉnh Điện Biên, BV Đa khoa tỉnh Kon Tum, BV Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi... đã có công văn trình báo và đề nghị Cơ quan công an điều tra hành vi mạo danh giấy xác nhận nằm viện rồi tung lên mạng xã hội Facebook để kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi...

Qua các trường hợp trên cùng các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết các phòng nghiệp vụ trực thuộc Công an thành phố đang phối hợp cùng công an các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương vào cuộc điều tra. Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã thông tin cảnh báo người dân về các thủ đoạn lừa đảo mới này.

Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản các đối tượng sử dụng là mạo danh nhân viên BV, giáo viên và những người liên quan nói học sinh bị tai nạn cấp cứu, yêu cầu chuyển khoản gấp để thanh toán viện phí. Các đối tượng chia vai với nhau để tăng niềm tin cho phụ huynh trong mỗi vụ việc. Có người mạo danh giáo viên, người đóng vai bác sĩ và những người liên quan khác.

Tính đến ngày 9/3, Công an TP Hồ Chí Minh đã nhận được 4 tin báo từ cơ quan báo đài và 3 tố giác của người dân. Thượng tá Lê Mạnh Hà dẫn chứng: “Ngay trong sáng 8/3, tại huyện Củ Chi cũng có 2 trường hợp nhận cuộc gọi lừa đảo, yêu cầu chuyển 100 triệu vào tài khoản nhưng phụ huynh đã cảnh giác nên không chuyển tiền”.

Đại diện Công an TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh hành vi gọi điện lừa đảo chuyển tiền vì người thân, học sinh bị tai nạn là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội cần phải nên án và phòng ngừa, ngăn chặn. Vì vậy, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, khi tiếp nhận thông tin cần bình tĩnh liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang làm việc, học tập để kiểm chứng thông tin, không nên hốt hoảng rất dễ sập bẫy của bọn lừa đảo. Người dân tuyệt đối không vội chuyển tiền để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo...

Khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với Cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ Trực ban Công an TP Hồ Chí Minh (qua số điện thoại 069.3187344), Trực ban Phòng Cảnh sát hình sự (qua số điện thoại 069.3187200) để cung cấp thông tin, phối hợp Cơ quan công an nhanh chóng điều tra, xử lý.

Các BV cũng khuyến cáo người dân và như các nhà hảo tâm khi muốn ủng hộ, giúp đỡ trường hợp bệnh nhân khó khăn nào thì nên liên hệ trực tiếp với BV (thông qua Phòng Công tác xã hội) để có được thông tin chính xác về tình trạng bệnh tật cũng như hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân. Từ đó mới có thể giúp đỡ đúng người, đúng hoàn cảnh...

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn cần tăng cường việc bảo mật thông tin người bệnh để phòng, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi