Thứ Ba, 30/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Không hy sinh, đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; đại diện văn phòng Chủ tịch nước, văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành TW và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường bùng phát,  xảy ra nhiều sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, gây bất ổn xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra diện rộng chứ ko chỉ diễn ra ở lĩnh vực nào: ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai ngày càng nghiêm trọng, nhất là tại các Khu Công nghiệp, làng nghề, khu đô thị, dân cư tập trung, nông thôn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.

Tình trạng ô nhiễm môi trường bùng phát gần đây là do tích tụ từ lâu trong quá trình phát triển, giờ bắt đầu bộc lộ. Nhiều điểm nóng về môi trường này nếu không chủ động giải quyết, sẽ nảy sinh những phức tạp về TTATXH, và thực tế đã xảy ra một số vụ khiếu kiện đông người về môi trường tạo ra những điểm nóng về ANTT. Thực trạng trên làm cho chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà làm ảnh hưởng môi trường.

 Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, quyết không hy sinh, đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá. Chúng ta phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà làm ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hội nghị cần đánh giá thật đúng đắn, khách quan thực chất tình trạng ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực để nhận định rõ hơn những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến thực trạng hiện nay, đặc biệt là những yếu kém về hệ thống cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ TN-MT tới các Sở TN-MT và các cơ quan chức năng liên quan, đồng thời cũng cần làm rõ hơn trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

 Thủ tướng lưu ý, các ý kiến thảo luận tại Hội nghị cần đặc biệt tập trung vào những biện pháp trước mắt, cũng như lâu dài để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Thủ tướng yêu cầu, sau cuộc họp này, Bộ TN-MT, Văn phòng Chính phủ có chỉ thị đến các địa phương để chỉ đạo cấp uỷ, các sở ngành liên quan quan tâm  xây dựng các cơ chế, chế tài hợp lý nhằm nhanh chóng đẩy mạnh việc cải thiện vấn đề môi trường.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, mỗi năm nước ta có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cả nước hiện có 283 Khu Công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; có 615 Cụm công nghiệp, trong đó chỉ khoảng 5% số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong hơn 500.000 cơ sở sản xuất đang hoạt động thì có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Ngoài ra, có 787 đô thị với 3 triệu mét khối nước thải/ngày đêm, nhưng hầu hết chưa được xử lý. Bên cạnh đó, với 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô đang lưu hành, cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Lo ngại hơn, mỗi năm cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại.

Cũng theo ông Hà, tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học, đã dẫn đến thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, chia cắt các sinh cảnh, suy giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đóng góp 70% tốc độ tăng trưởng của nước ta, nhưng các doanh nghiệp này đang có xu hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như: luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu… Một số dự án FDI đã vi phạm pháp luật ô nhiễm môi trường như Công ty Formosa,Vedan, Miwon, khói bụi ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men, nhà máy giấy gây ô nhiễm ở Hậu Giang.

Ông Hà cũng cảnh báo, đang xuất hiện ngày càng nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn được cấp phép song thiếu tính toán về quy hoạch, chưa được đánh giá đầy đủ các tác động tới môi trường. Việc kiểm soát, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường trong các dự án đầu tư chưa được quan tâm thực hiện, đó là những nguy cơ hiện hữu không nhỏ đang đe dọa tới môi trường…

Sau phần báo cáo của Bộ trưởng Bộ TN-MT, đã có 10 điểm cầu tại các tỉnh, thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đăc Nông, Quảng Trị, Đồng Nai  tham gia thảo luận trực tuyến, báo cáo về thực trạng môi trường, giải pháp hiện thời tại địa phương cũng như các kiến nghị đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương báo cáo một số mặt công tác Công an về môi trường tại hội nghị trực tuyến.

Trong phần báo cáo của một số Bộ, ngành chức năng liên quan, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến quan trọng này, đại diện Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng  Bộ Công an đã bày tỏ sự nhất trí cao với 10 nhiệm vụ và 6 giải pháp trong báo cáo Bộ TN-MT đã nêu cũng như nhất trí với Dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường kiểm soát đối với môi trường.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng một trong những giải pháp quan trọng lúc này là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường sâu rộng, huy động toàn bộ hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân cùng vào cuộc như  ý kiến của đại diện TW MTTQ Việt Nam đã nêu. Mặt khác, cần kiện toàn hệ thống pháp luật và các quy định đánh giá về tác động nguy hại môi trường để làm căn cứ xử lý các hành vi vi phạm quy định về môi trường và bảo vệ môi trường. Đồng quan điểm với kiến nghị của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung Nghị định 179 về xử lý vi phạm trong ô nhiễm môi trường, trong đó cần tăng thẩm quyền cho lực lượng cảnh sát môi trường, tăng tính răn đe trong hình phạt đối với loại tội phạm này để lực lượng này hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình.

 Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quán triệt chặt chẽ các Bộ, ngành chức năng và địa phương cần  thực hiện tuân thủ nghiêm túc Luật bảo vệ môi trường, kiên quyết không cấp phép đầu tư cho các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại tài nguyên môi trường và nhất quyết không xem xét các cơ chế đặc thù, chiếu cố, miễn, hoãn thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đồng thời đề xuất Thủ tướng nên giao cho các Bộ chức năng và chính quyền các địa phương nên sớm xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát lại tất cả các dự án hoạt động liên quan đến vấn đề môi trường nhằm chủ động phòng ngừa các vi phạm trong bảo vệ môi trường cũng như chủ động khắc phục ngay các sự cố.

Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần kiến nghị với Quốc hội giành một khoản ngân sách thỏa đáng thường xuyên giành cho việc đầu tư bảo vệ môi trường, nhất là cần khẩn trương sớm đầu tư hệ thống thiết bị quan trắc đánh giá về môi trường.

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi