Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Ký ức chưa xa về người anh hùng miền biên ải

Đặc biệt, trong suốt những năm tháng giữ trọng trách Giám đốc Công an các tỉnh: Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, người chỉ huy quả cảm Đào Đình Bảng đã sống, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh biên giới, an ninh quốc gia.

 Đại tá Đào Đình Bảng (người ngồi đầu tiên bên trái ảnh) trong một cuộc giao ban với các trinh sát Công an tỉnh Cao Lạng tại xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, tháng 12 năm 1978. (ảnh tư liệu do gia đình cung cấp)

“Huyền thoại miền sơn cước”

Dù không có nhân duyên được gặp gỡ trực tiếp, song sau 8 năm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Đào Đình Bảng về cõi vĩnh hằng, có mặt tại Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm của ông, tôi vô cùng xúc động bởi qua đây đã thu thập được nhiều tư liệu, thông tin quý, tái hiện phần nào về cuộc đời của một người anh hùng với những chiến công thầm lặng.

Và hơn nữa, những tình cảm, sự ngưỡng mộ trong những câu chuyện, hồi ức về ông của cấp ủy chính quyền, người dân và người thân trong gia đình ông tại sự kiện đặc biệt này, tôi mới hiểu thêm phần nào về cuộc đời của người cộng sản trung kiên, luôn có mặt nơi “đầu sóng ngọn gió”, sát cánh cùng đồng đội trong những giờ phút khốc liệt nhất. Trong cuộc sống đời thường, ông là người rất khiêm nhường, giản dị và luôn bao dung, khích lệ mọi người phát huy đúng năng lực, sở trường để cống hiến, sống có ích cho xã hội.

Trong hành trình tìm kiếm tư liệu về Đại tá, Anh hùng LLVTND Đào Đình Bảng, tôi may mắn tìm được cuốn sách “Huyền thoại miền sơn cước” do Nhà xuất bản CAND phát hành năm 2015, với hơn 300 trang của nhiều tác giả viết về những chiến công thầm lặng của ông. Đáng quý hơn, trong số những bài viết ấy, có được những đánh giá chân thực, sống động về những chiến công của ông từ các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, của bạn hữu, của đồng đội, của những nhà văn, nhà báo tên tuổi, cũng như những dòng tự sự đầy xúc động của những người thân gia đình Anh hùng Đào Đình Bảng. Những năm tháng công tác chiến đấu dọc dài biên giới của ông hiện lên rõ nét như một cuốn phim quay chậm.

Trở lại miền biên ải phía Bắc với cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới, chống gián điệp biệt kích mà Anh hùng Đào Đình Bảng, lúc bấy giờ là người chỉ huy quả cảm, tôi thực sự khâm phục. Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ, nguyên Cục trưởng Cục An ninh nội bộ và Văn hóa tư tưởng (nay là Cục An ninh chính trị nội bộ) đã từng viết trong bài báo “Tướng không sao miền sơn cước” đăng trên Báo An ninh thế giới, số 99, phát hành tháng 10/2009 rằng: “Tướng không sao. Ấy là câu nói vui của anh em chúng tôi mỗi khi nhắc tới bậc cha chú, bậc thầy của mình, những người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp bảo vệ an ninh đất nước…” để trân trọng giới thiệu về một số Anh hùng LLVTND, trong đó có Đại tá Đào Đình Bảng.

Trong một bài báo, Thiếu tướng, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an đã viết về Đại tá Đào Đình Bảng: “Ông là người xin không nhận chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng khi tách tỉnh Cao Lạng để tâm nguyện suốt đời cống hiến cho lực lượng CAND. Cuộc đời sôi động bộn bề của ông vừa là hiện thân giàu chất lý tưởng, nghĩa hiệp; vừa là một kho báu của những bài học không chỉ là nghiệp vụ Công an đơn thuần, mà còn là những kinh nghiệm đúc kết có giá trị cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền đất nước”.

“Hiến trọn đời ta cho Đảng ta”

Đọc lại những vần thơ trong cuốn sổ nhật ký “Đảng bảo đi thì ta cứ đi/Đạp bằng trở ngại vượt gian nguy/Ngực còn thoi thóp tim còn đập/Hiến trọn đời ta cho Đảng ta” mà cha mình - Đại tá Đào Đình Bảng đã ghi lại vào quãng thời gian năm 1975, khi trở lại Lạng Sơn lần thứ hai, chị Đào Thúy Hạnh - nguyên cán bộ Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an - vô cùng xúc động. Ký ức về người cha thân yêu lại trở về khi tôi có dịp trò chuyện với chị.

Sống gần một người cha có nhiều chiến công như vậy nhưng chị Hạnh cùng các con, cháu của ông cũng chỉ biết sơ sơ, mang máng về công việc của cha/ông mình. Ký ức của chị về người cha thân yêu của mình chủ yếu là quãng thời gian 25 năm cuối đời, khi hoàn thành nhiệm vụ, được trở về sống gần vợ và các con, cháu. Có lẽ đây là quãng thời gian chị được gần cha nhất, cảm nhận được sự thanh thản, giản dị, điềm tĩnh của ông.

Các đại biểu cùng xem lại những tư liệu, kỷ vật về cuộc đời hoạt động cách  mạng của Đại tá, anh hùng LLVTND Đào Đình Bảng tại Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm ông.

Quãng thời gian trước đó, ông cứ xa nhà biền biệt. Vợ ông - bà Phan Thị Hiển - tần tảo một mình nuôi 6 người con (5 gái, 1 trai), gánh vác công việc của gia đình. Nghỉ hưu, trở về cuộc sống đời thường, trong ngôi nhà giản dị ở khu Trung Tự, Hà Nội, ngày ngày ông cần mẫn đánh máy chữ, ghi lại những hồi ức của một người lính ở chiến trường.

Chỉ đến năm 2008, sau một cơn đột quỵ, ông bị liệt và trí nhớ đã không còn minh mẫn, lúc này, khi cầm được chiếc chìa khóa, mở ngăn tủ, sắp xếp lại những tài liệu hơn 130 trang đánh máy, từng câu chuyện về cuộc đời của ông, từng chiến công, từng khoảnh khắc nhớ nhà, từng nỗi đau mà ông nén chịu mới hiển hiện như một thước phim quay chậm…, chị Hạnh vừa sắp xếp lại tài liệu vừa tuôn trào nước mắt.

Phải đến lúc đó, chị Hạnh và mọi người trong gia đình mới hiểu phần nào công việc của cha mình, thấu hiểu lằn ranh sinh tử mà cha mình đã cùng các đồng đội trải qua. Thế nhưng, cuộc sống đời thường của ông cũng chứa chất không ít nỗi niềm, vì việc nước, gác lại tình riêng. Ký ức buồn, “nuốt lệ vào tim” đó chính là cái đêm ông nhận được thông tin về toán biệt kích xâm nhập, nhảy dù vào địa bàn của ta. Lập tức lên đường làm nhiệm vụ, tóm gọn được toán biệt kích, cũng chính khi đó thì cô con gái bé bỏng tên Hoa trở sốt nặng và đã qua đời mà chưa được gặp cha lần cuối.

Ông đã viết những vần thơ xé ruột để rồi lặng lẽ giấu kỹ trong hành trang cuộc đời: “Năm 1963, đêm thứ 7. Trăng 11/Bước chân ra đi/Khi trở về, Hoa con tôi đã chết…/ Bước chân ra đi/Khi trở về, cả toán biệt kích bị bắt gọn/Nhưng ví làm sao được con tôi với những tên biệt kích”. Trước đó, anh Toàn - con trai duy nhất của ông cũng mất trong một lần ông lên đường đi công tác xa nhà. Nén lại nỗi buồn, “biến đau thương thành hành động cách mạng”, sau này có thêm nhiều toán biệt kích đã bị ông và đồng đội tóm gọn khi vừa đặt chân lên lãnh thổ nước ta.

Là một trong những cháu ngoại được gần gũi ông nhiều nhất khi ông còn sống, được ông dạy dỗ, chỉ bảo, anh Nguyễn Song Nam, hiện là giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, vẫn còn nguyên ký ức thân thương khi được ông ngoại bảo vệ và định hướng cho những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. Khi biết anh Song Nam có ý định ra nước ngoài học tập, trước khi cháu lên đường, ông đã nhắn nhủ rằng, ở đâu cháu cũng phải thuộc sử Việt, nhớ mình là người Việt Nam, phải luôn yêu Tổ quốc và tốt nhất là đem kiến thức học được phục vụ đất nước. Chính vì vậy, sau nhiều năm học tập tại Australia, anh Song Nam đã quyết định trở về nước để làm việc.

Trong lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Anh hùng Đào Đình Bảng, đại gia đình của ông đã có một ngày sum họp đặc biệt, một buổi lễ trọng với sự có mặt của nhiều khách quý và cả những CBCS Công an trẻ, thế hệ đi sau nơi ông từng công tác.

Ngắm những kỷ vật, xem những tư liệu quý được lưu giữ, tôi chợt nhớ lời của đồng chí Nguyễn Thế Phước, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái khi nhấn mạnh, “nơi đây không chỉ thuộc về riêng gia đình, dòng họ mà trở thành một trong những địa chỉ đỏ mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống lực lượng CAND cho thế hệ trẻ, cũng như cán bộ và nhân dân…”. 


Đại tá Đào Đình Bảng (năm 1955).

Đại tá, Anh hùng LLVTND Đào Đình Bảng sinh ngày 14/8/1924, tại xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ông là cán bộ lão thành cách mạng tham gia hoạt động từ năm 15 tuổi, là đảng viên đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Yên Bái; đại biểu Quốc hội khóa II, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Yên Bái, nguyên Trưởng ty Công an tỉnh Yên Bái, Cao Bằng và Lạng Sơn; Phó trưởng Đoàn chuyên gia Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) tại Lào; Phó Cục trưởng của Bộ Công an…

Đại tá Đào Đình Bảng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất…; được tặng thưởng Huân chương Itxala của Nhà nước Lào và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, ngày 17/8/2012, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đồng chí Đào Đình Bảng. Ngày 28/8/2012, Bộ Công an trang trọng tổ chức lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND đối với Đại tá Đào Đình Bảng.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi