Hơn 10 năm trước, khi huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập về Hà Nội, hàng chục doanh nghiệp đã "xí chỗ" bằng cách xin đất lập dự án khu đô thị. Khi lập dự án, các doanh nghiệp đều vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp với những khu đô thị sinh thái ở ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, cho tới lúc này, tất cả những viễn cảnh ấy vẫn chỉ nằm trên giấy. Với 47 dự án chậm triển khai với tổng cộng gần 2.000 ha đất, Mê Linh đang là huyện có nhiều dự án bỏ hoang nhất ở Hà Nội.
Theo UBND huyện Mê Linh, nguyên nhân được các chủ đầu tư đưa ra là do phải điều chỉnh lại quy hoạch 1/500 do thay đổi dự án chuyển từ Vĩnh Phúc về Hà Nội và cả khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Với lý do này, có những dự án chỉ còn vướng vài trăm m2 đất chưa giải phóng mặt bằng, cũng lấy cớ và không triển khai. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của tình trạng trên được cho là do thị trường bất động sản tại đây đóng băng và xuống giá suốt trong một thời gian dài.
Mới đây, huyện Mê Linh đã kiến nghị thành phố Hà Nội thu hồi 8 dự án bất động sản chậm triển khai và đang yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng phương án hoàn thiện hạ tầng cũng như kế hoạch xây dựng các công trình công cộng để tạo điều kiện cho người dân về ở. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn chỉ đang hứa, thậm chí còn không đưa ra thời gian dự kiến tái khởi động dự án.
Gần hơn Mê Linh, tại huyện Hoài Đức cũng không khó để thấy những khu đô thị bỏ hoang nằm ngay bên cạnh quốc lộ 32. Gần hơn nữa, ngay tại quận Hoàng Mai, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) do Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư cũng đã kéo dài suốt 16 năm. Dự án được giao đất từ năm 2004, nhưng tới nay vẫn nằm là bãi đất hoang xen kẹt với hàng chục hộ dân vẫn chưa nhận tiền đền bù để giải phóng mặt bằng; cách do không xa, một dự án chung cư của Công ty TDC sau gần 10 năm giờ vẫn chỉ là hồ nuôi cá của dân do chưa giải phóng được mặt bằng.
Tại các khu đô thị mới trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm… hiện còn rất nhiều khu đất bỏ hoang cho cỏ mọc. Ngay trên phố Hàng Bài, nơi được mệnh danh là "đất kim cương", nhưng hiện vẫn còn hai mảnh đất vẫn quây tôn suốt nhiều năm, khiến cho bộ mặt tuyến phố này không khỏi nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị…
Theo Sở TN&MT Hà Nội, vừa qua, Sở đã thanh, kiểm tra 379 dự án. Trong đó 28 dự án với 1.844 ha đất đã kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất. 25 dự án với 39 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, Sở kiến nghị gia hạn 24 tháng, yêu cầu CĐT nộp khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất trong 24 tháng. Hết thời hạn trên sẽ thu hồi.
87 dự án đã được đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, sử dụng đất với nhiều lý do như: Đang trong tiến độ thực hiện dự án; Có quyết định giao đất nhưng chậm hoàn thành GPMB; chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính... Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội khẳng định: Đối với các dự án chủ đầu tư chây ì, cố tình ôm đất, Sở sẽ kiến nghị không giao đất, giao dự án mới. Không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, dẫn đến các khu đất vàng bị bỏ hoang. Có thể do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, điều chỉnh giấy phép, vướng trong khâu giải phóng mặt bằng… Sở đang thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố rà soát, thu hồi các dự án chậm tiến độ.
Trong khi người dân Mê Linh, Hoài Đức đang không có đất sản xuất thì việc bỏ hoang cả ngàn ha đất là sự lãng phí vô cùng lớn. Còn tại các quận nội thành, tình trạng đất dự án bỏ hoang vừa gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và trở thành nơi phát sinh tệ nạn xã hội, và đặc biệt đời sống của người dân ở gần dự án cũng bị ảnh hưởng.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung báo chí phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất. Người dân đang trông chờ những giải pháp quyết liệt xử lý tình trạng này.
Trích nguồn: Báo CAND