Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Mưu sự hạnh phúc cho đồng bào

1. Ngày 5-1-1946, trước Tổng tuyển cử một ngày, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Người cũng căn dặn: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thành thực câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng...”.

Chiều 5-1-1946, Bác đến Khu học xá (nay là Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội) cùng các ứng cử viên gặp gỡ cử tri. Hôm ấy, trước đông đảo quần chúng có mặt, Bác đã nói với các ứng cử viên: “Vừa rồi đây ta vừa tranh được độc lập. Một số ít người, chỉ một số ít thôi, đã quên cái công khó nhọc của dân chúng. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay đó. Cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám đã khó nhọc vì cái quyền dân chủ ấy lắm. Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Ban Mê Thuật... mới đòi được cái quyền dân chủ ngày nay”.

Bác quay sang phía các ứng cử viên nhắc nhở: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung”. Rồi hướng về các cử tri, Bác căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.

Báo Quốc hội đưa tin về Tổng tuyển cử năm 1946.  Ảnh tư liệu.

Theo Bác, việc đi bầu cử là quyền lợi của mỗi người dân, mà quyền lợi cao nhất, lớn nhất chính là được thể hiện rõ ràng tư thế của một người dân độc lập, tự do. Vì vậy, Người căn dặn đồng bào: “Mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.

Trong bài “Ý nghĩa của Tổng tuyển cử” đăng trên Báo Cứu quốc số 130 ra ngày 31-12-1945, Người viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Bác từng nói: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó... Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.

Trong buổi thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu nhân dân Thủ đô ngày 14-4-1964, nhân bầu cử Quốc hội khóa III, Bác cho biết, bản thân Người đã làm đại biểu Quốc hội gần 20 năm nhưng vì nhiệm vụ và yêu cầu của cách mạng nên vẫn chưa thể thảnh thơi vui thú thanh nhàn được. Bác hứa: “Cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh, phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam, phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất nước nhà, phấn đấu cho: Nam Bắc sum họp một nhà, cho người thấy mặt thì ta vui lòng”.

2. Mỗi kỳ bầu cử, chúng ta lại bồi hồi nhớ những lời Bác dặn năm xưa về quyền cử tri, về ý nghĩa thiêng liêng của lá phiếu, về trách nhiệm, nghĩa vụ của đại biểu khi trúng cử, phải “quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung”. Từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, nước nhà qua bao thời kỳ cách mạng, từ chiến đấu bảo vệ non sông, bờ cõi, nay đất nước hội nhập, đổi mới, thế và lực đã được nâng lên. Bởi thế, ý nghĩa lá phiếu bầu cử ngày nay không chỉ là khẳng định quyền công dân của một quốc gia độc lập, chủ quyền, một Việt Nam hiên ngang, bất khuất trong chiến tranh mà còn thể hiện quyền công dân của một Việt Nam hòa bình, đổi mới, dân chủ, hướng tới khát vọng giàu mạnh, hùng cường. Mỗi lá phiếu đều gửi gắm niềm tin, trao cho người được bầu, tín nhiệm. 

Theo quy định, trước kỳ bầu cử, mỗi ứng viên được lựa chọn tranh cử phải có chương trình hành động, gặp gỡ cử tri, vận động bầu cử. Ngoài bản lý lịch “cứng” với những thông tin vắn tắt về tiểu sử thì những buổi tiếp xúc, gặp gỡ cử tri là nơi để ứng viên thể hiện khả năng thu hút quần chúng đến đâu, hành động và lời nói có lấy được cảm tình, niềm tin từ cử tri hay không.

Như lệ thường, trước kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các ứng viên cũng trải qua những bước như vậy. Có những ứng viên thu hút nhờ khả năng diễn thuyết tốt, lôi cuốn; có ứng viên lại khẳng định sức nặng với chương trình hành động thuyết phục; có ứng viên đi vào lòng người bằng lời lẽ, cử chỉ thân tình, chân thực...

Trước kỳ bầu cử lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có buổi tiếp xúc, gặp gỡ cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 gồm các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (Hà Nội). Với phong cách gần gũi, bình dị, cử tri thực sự xúc động khi lắng nghe Tổng Bí thư dành thời gian chia sẻ về hồi ức gia đình, tuổi thơ, về quá trình học tập, phấn đấu vươn lên.

“Tiểu sử của tôi cũng đã gửi đến các bác, các anh, các chị. Quá trình công tác thì các bác, các anh, các chị cũng đã biết, kể cả lời hứa nếu sắp tới trúng đại biểu Quốc hội làm gì thì tôi cũng đã có chương trình hành động. Tôi xin phép trong không khí thân tình, xin được tâm sự, “ôn nghèo kể khổ”, xin không nhắc lại văn bản đã gửi đến các bác, các anh, các chị” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng cử tri với tâm sự cởi mở, ân tình.

Tổng Bí thư kể, năm 1944, lúc bấy giờ đất nước đang khó khăn, năm 1945 (năm Ất Dậu) là năm Cách mạng Tháng Tám thành công rất vĩ đại. Nhưng, năm đó đói ghê lắm. Nhà thì nghèo, thành phần bần nông, cố nông. Đến năm 1946, toàn quốc kháng chiến, gia đình phải tản cư lên Thái Nguyên. “Năm 1946, tôi mới 2 tuổi, mẹ tôi kể lại, gánh tôi một bên thúng ngồi, chị tôi một bên thúng ngồi, gánh bộ từ Đông Anh lên Thái Nguyên đi tản cư. Sau này gọi là đi sơ tán lên nhà người quen ở nhờ suốt từ năm 1946 đến năm 1950... Đến năm 6 tuổi thì tôi hồi cư trở về quê và bắt đầu được đi học. Lúc đó, không có trường lớp gì cả, có ông giáo làng dạy cho trẻ con. Tôi bắt đầu học đến năm lớp 3 trong trường làng, đến năm lớp 4, cả hai xã (Đông Hội và Mai Lâm) mới có 1 lớp 4, thầy giáo, cô giáo của tôi là từ Vĩnh Phúc về. Ngày ấy, mới học lớp 4, tôi còn bé lắm” - Tổng Bí thư bồi hồi nhớ lại.

Tổng Bí thư cho biết, lên cấp 2 thì ở Từ Sơn, Bắc Ninh không có trường học, phải sang học nhờ ở huyện Gia Lâm. Phải qua sông Đuống, quãng đường cũng xa, phải đi qua đò. Nhà không có đồng hồ, chẳng biết giờ nào đi học nên “cứ gà gáy thì bố gọi dậy đi học”.

Tổng Bí thư chia sẻ: “Thưa với các bác là 6 năm, lúc bấy giờ mong chờ nên viết thư tình nguyện đi vào miền Nam chiến đấu nhưng không được đi. Họ giải thích có người phải đi chiến đấu nhưng có người phải ở lại học, để chuẩn bị mai kia thắng lợi còn xây dựng đất nước. Đi học cũng tiến bộ, từ đội viên lên đoàn viên, rồi cũng được làm lớp trưởng, bí thư chi đoàn... Sau đó, tôi đi thi học sinh giỏi văn toàn quốc và được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp Khoa Văn, rồi lại lên Thái Nguyên.

Theo Tổng Bí thư, lúc đó không phải như bây giờ, học hết phải đi xin việc mà cuối khóa các cơ quan người ta về nhìn xem lý lịch, hồ sơ. “Tôi kể cái “ngậm ngùi tuổi Thân” đấy ạ. Đúng là vất vả từ bé” - Tổng Bí thư chia sẻ thân tình trước cử tri.

Lần này được Trung ương giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, khi tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, ông cũng đã nói: “Được như này là nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, sự giáo dục của Đảng, sự hỗ trợ của tất cả anh em đồng nghiệp. Với quận Ba Đình, “tôi tiếp xúc cử tri nhiều lần và lắng nghe ý kiến của các bác, lần này được giới thiệu, nếu được trúng cử đại biểu Quốc hội thì rất vinh dự, tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình, nội dung đã có trong chương trình hành động”. Trong đó, Tổng Bí thư khẳng định, nếu tiếp tục trúng cử sẽ liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan...

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi