Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nạn thanh, thiếu niên tụ tập đua xe trái phép: Phải ngăn chặn tận gốc!

Trước diễn biến phức tạp của vấn nạn nguy hiểm này, mới đây, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo lực lượng CSGT, công an các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống đua xe trái phép.

"So kè" cùng... thần chết

Tối 26-3, trên mạng xã hội YouTube lan truyền đoạn clip dài khoảng 5 phút ghi lại hình ảnh nhiều thanh niên ngang nhiên chặn các phương tiện đang tham gia giao thông trên quốc lộ để tạo “sân bãi” cho cuộc biểu diễn bốc đầu, đi 1 bánh, lạng lách, đánh võng của hàng chục xe máy. Các phương tiện buộc phải dừng lại khiến giao thông tê liệt, ùn ứ kéo dài hàng km. Sự việc được xác định xảy ra lúc 17 giờ 30, tại QL1 đoạn từ km 2024 đến km 2025 (thuộc ấp 5, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ngay sau khi đoạn clip được post lên mạng, cộng đồng đã “dậy sóng” với nhiều ý kiến trái ngược nhau. Một bộ phận thanh, thiếu niên xem với vẻ thích thú, tán dương, khen đám người kia dám “chơi lớn” nhưng đa số cư dân mạng bày tỏ sự phẫn nộ, yêu cầu phải trừng trị nghiêm khắc số thanh niên càn quấy này.

Những cuộc so kè tốc độ.

Sau khi nhận tin báo, Trạm kiểm soát giao thông Trung Lương đã phối hợp với Công an huyện Cái Bè xác minh, triệu tập nhiều đối tượng đua xe trái phép, tạm giữ các phương tiện vi phạm. Trong đó xác định đối tượng Nguyễn Anh Tuấn (19 tuổi, trú tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) trực tiếp chặn phương tiện trên quốc lộ cho các đối tượng đua xe. Trung tá Nguyễn Trường Kỳ (Phó trưởng Trạm kiểm soát giao thông Trung Lương) cho biết, các đối tượng thay đổi kết cấu máy, bộ phận giảm thanh, đua xe, lạng lách, chạy 1 bánh với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm... Theo quy định, chỉ riêng hành vi điều khiển xe máy bốc đầu “chạy bằng 1 bánh đối với xe 2 bánh” có mức xử phạt từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. Hiện, cơ quan chức năng tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý hình sự nhóm thanh niên này về tội gây rối trật tự công cộng.

Vẫn theo Trung tá Kỳ, nhiều nhóm thanh niên lập group trên mạng xã hội để kêu gọi hẹn địa điểm đua xe trên QL1. Thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng của họ là đi xe không gắn hoặc che biển kiểm soát, cắt cử người canh lực lượng CSGT, lợi dụng thời điểm CSGT đang bận điều tiết giao thông ở những cầu hẹp để tổ chức đua xe... nên việc ngăn chặn, xử lý rất khó khăn. Vừa qua, đơn vị đã phát hiện xử lý 4 vụ với gần 30 đối tượng lạng lách, rú ga, chạy xe với tốc độ cao trên QL1.

Vấn nạn đua xe trái phép cũng đang “nóng” từng ngày ở nhiều địa phương khác. Theo phản ánh của người dân xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, Hậu Giang, từ ngày đoạn QL1 được nâng cấp, hằng tuần, vào khuya các ngày Thứ tư, Thứ năm và Thứ bảy, trên đoạn đường dài khoảng 1-1,5 km từ Trường Đại học Võ Trường Toản tới Công ty Cp Thủy sản Cafatex hoặc từ công ty này đến cầu số 10, các “quái xế” lại tụ tập đua xe như trẩy hội. Trước khi cuộc đua bắt đầu, nhiều đối tượng cổ vũ ra đường dựng chướng ngại vật hoặc chặn đầu các xe ôtô đang lưu thông trên quốc lộ, dọn “sân bãi” cho đám đua xe thi thố với nhau. Số này ngồi trên xe máy, nẹt pô ầm ĩ, bốc đầu xe rồi lao vút đi vài trăm mét thì dừng lại, quay đầu xe chạy ngược chiều trở lại điểm xuất phát và tiếp tục đua.

Tình trạng này cũng đang rất “nóng” tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh). Tuấn - một người bạn của tôi nhà ở bên con lộ Trần Văn Giàu (thuộc xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh) ngao ngán kể rằng từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều đêm dân phố mất ngủ vì hàng trăm đối tượng chọn nơi này làm đường đua tốc độ. Cứ sau 24 giờ là các đối tượng tụ tập, rú ga, nẹt pô inh ỏi. Có hôm đoàn đua hơn 100 xe. Ở hai bên đường có rất đông thanh, thiếu niên tập trung hò hét, cổ vũ, khiến nhóm đua xe càng thêm kích động, quyết liệt lao vào cuộc so kè tốc độ. Nhiều đứa còn thách nhau tháo phanh xe, chạy bốc đầu đi 1 bánh... khiến nguy cơ tai nạn rất cao. 

Cũng đã xảy ra nhiều vụ “sứt đầu, mẻ trán” nhưng đám thanh niên đó dường như không biết sợ. Tuấn có cậu con trai cũng đã đến tuổi thanh niên, một hôm phát hiện chiếc xe máy cậu ta thường dùng đi học đã được xoáy nòng, độ chế thêm những linh kiện lạ, Tuấn gặng hỏi thì được biết con anh đã tham gia một fanpage của những kẻ “yêu” tốc độ cao. Trang này có vài chục nghìn thành viên, là diễn đàn để các “quái xế” thách đấu, cá cược giữa các nhóm “quái xế”, hô hào kêu gọi thành viên tham gia đua xe và cổ vũ đua xe.

Được biết, thời gian qua Công an huyện Bình Chánh đã tăng cường đấu tranh với vấn nạn đua xe trái phép. Đêm 27-3, thông qua công tác nắm tình hình, phát hiện thông tin về một nhóm “quái xế” khoảng 14 đối tượng đang tụ tập, có biểu hiện chuẩn bị đua xe trái phép, đơn vị lập tức huy động lCSGT phối hợp CSHS, cảnh sát trật tự và công an xã lên kế hoạch ngăn chặn, triệt phá. 

Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng bỏ chạy tán loạn, trong đó có hơn 10 xe lao xuống ruộng, sau đó chúng nhặt gạch đá tấn công lại lực lượng Công an rồi bỏ chạy. Trước hành động kiên quyết của tổ công tác, 2 đối tượng T.C.K (SN 2002) và N.T.T (SN 2001, cùng ngụ Bình Chánh) đã bị giữ lại. Trong quá trình chống đối khi bị khống chế, K và T nhiều lần có lời lẽ xúc phạm đến lực lượng Công an.

Nông nổi hay thiếu giáo dục?

Từng là “tổ lái”, đã “đi bão” nhiều lần để ăn mừng chiến thắng của Đội tuyển bóng đá Việt Nam, Thắng (sinh viên năm thứ 3) tỏ ra am hiểu tới “gốc rễ” tâm lý của những tay đua liều lĩnh. “Dân đua chủ yếu là thanh niên, mà thanh niên thì luôn hiếu động, yêu cảm giác mạnh, thích thể hiện mình để chứng tỏ bản lĩnh hay đẳng cấp với người xung quanh, ưa đàn đúm theo nhóm có cùng sở thích... Vẫn biết là pháp luật cấm đua xe trên đường, rồi thì nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, ban đầu thì cũng có sợ nhưng rồi bị bạn bè trong nhóm lôi kéo, rủ rê, mà tâm lý không ai muốn bị chê là nhát, là kém... nên vẫn tham gia. 

Nếu có chuyện gì thì đã có bố mẹ lo. Rồi khi đến đường đua, không khí huyên náo, kích động khiến con người ta quên hết sợ hãi. Đã tham gia đua thì phải gây ấn tượng bằng các màn khó như bốc đầu đi 1 bánh, tháo phanh, quẹt chân chống tóe lửa, đổi lái khi xe đang chạy... Đua vài lần mà không hề hấn gì thì không sợ nữa. Đôi khi còn thích có công an đuổi bắt để biểu diễn tài nghệ lái xe bỏ chạy” - Thắng bộc bạch.

Lực lượng CSGT trấn áp, xử lý đối tượng đua xe.

Theo Thượng úy Lê Văn Nghiệp (cán bộ CSGT Công an TP Hà Nội) thì vấn nạn đua xe trái phép hình thành do sự tác động của nhiều nguyên nhân. Nhu cầu được trải nghiệm cảm giác mạnh khi đối diện với nguy hiểm là đặc điểm tâm lý có thật ở một số người. Hoạt động thể thao mạo hiểm như đua xe mô tô giúp con người thỏa mãn nhu cầu đó. Ở nước ta hiện nay, các hoạt động đua xe mạo hiểm chưa được tổ chức rộng rãi tại sân vận động, với các cuộc thi quy tụ các tay đua chuyên nghiệp. Sự thiếu vắng sân chơi này là một trong số nguyên nhân đưa thanh niên đến các cuộc đua tự phát. 

Mặt khác, hạ tầng giao thông hiện nay ở nhiều địa phương rất tốt, phương tiện xe máy cá nhân đã phổ cập, tạo điều kiện cho những ai muốn thưởng thức cảm giác mạnh khi thực hiện hành vi đua xe. Một nguyên nhân quan trọng khác đó là tình trạng nuông chiều, thiếu sự giám sát, buông lỏng quản lý con cái khá phổ biến ở nhiều gia đình. Điều này dẫn đến việc không thường xuyên nắm bắt được tư tưởng, hành vi, sinh hoạt hằng ngày của con cái mình để giáo dục, uốn nắn. Chẳng hạn, nếu quan tâm đến con cái, bố mẹ sẽ nhận ra chiếc xe máy của con đã được thay đổi kết cấu... đó là dấu hiệu của việc con tham gia đua xe, để kịp thời ngăn chặn.

Ở các trường học và trong các cộng đồng dân cư, việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Chính quyền, các ban, ngành ở một số địa phương còn nhìn nhận công tác phòng, chống đua xe là việc riêng của lực lượng Công an nên hoạt động phòng ngừa xã hội chưa được triển khai thường xuyên, rộng khắp tại địa phương. Ngoài ra, công tác phòng ngừa nghiệp vụ nhiều lúc còn chưa theo kịp tình tình; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án chưa kịp thời, nghiêm minh, dẫn tới bỏ lọt tội phạm.

Thời gian qua, công an các tỉnh đã tăng cường tổ chức truy bắt các quái xế đua xe trái phép nhưng chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính nên tác dụng răn đe, giáo dục chưa cao, các đối tượng “nhờn luật”, tiếp tục vi phạm. Sự phối hợp giữa các lực lượng trực tiếp đấu tranh nhiều lúc chưa kịp thời, mang tính hình thức, thiếu chặt chẽ, đồng bộ, không phát huy được sức mạnh đồng bộ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn đua xe trái phép. Lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng, chống tệ nạn đua xe trái phép còn thiếu về người, phương tiện và khả năng chuyên môn, kiến thức luật pháp.

Giải pháp quyết liệt

Trước diễn biến phức tạp của vấn nạn đua xe trái phép thời gian gần đây, ngày 6-4-2021, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp như thông qua mạng xã hội, ứng dụng OTT, cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống camera giám sát, camera của người dân... để xác định thời gian, phương thức, thủ đoạn các cá nhân tổ chức đua xe trái phép. Trên cơ sở đó, chủ động lên sơ đồ các tuyến đường, địa điểm là nơi các đối tượng thường tổ chức, tụ tập đua xe trái phép... để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để việc xử lý được nhanh chóng, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung điều tra, giải quyết các vụ việc mới xảy ra và áp dụng thủ tục rút gọn để phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật (viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân) truy tố, xét xử nghiêm những người tổ chức đua xe trái phép. Đưa ra xét xử lưu động ngay tại địa bàn một số vụ điển hình nhằm răn đe, giáo dục chung. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, thường xuyên và đột xuất tuần tra cơ động trên các tuyến đường hoặc dừng kiểm soát tại những khu vực trọng điểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu khi có biểu hiện tụ tập đua xe trái phép.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi