Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Người trồng cao su trắng tay sau bão số 9

Bão số 9 đi qua, chúng tôi lên xã Hương Phú, huyện Nam Đông và không khỏi xót xa khi chứng kiến những khoảnh rừng cao su xanh mướt ngày nào được người dân trồng 2 bên tuyến đường liên thôn, liên xã nay tiêu điều, gãy đổ la liệt do gió bão. 

Ông Huỳnh Hoàng (76 tuổi, ở thôn Hà An, xã Hương Phú) đang dùng rựa để chặt bỏ những cây cao su gãy ngang thân. Hỏi chuyện, ông Hoàng buồn bã nói rằng, từ năm 1993, vợ chồng ông chọn hướng trồng cao su lấy mủ bán để phát triển kinh tế. Sau nhiều năm mở rộng diện tích trồng cao su, bỏ công chăm sóc, vợ chồng ông lên đến 1,4ha. Thế nhưng, khi đến thời kỳ cây cao su cho mủ nhiều thì giờ coi như mất trắng. 

Chung tình cảnh với gia đình ông Hoàng, ở thôn Hà An có hàng chục hộ dân trồng cao su và những diện tích rừng cao su này đều bị gió bão quật gãy. Ngồi bên vườn cao su ngã rạp, gãy đổ sau bão, bà Lê Thị Liên (52 tuổi) xót xa nói rằng, hơn 20 năm về trước, gia đình bà vay vốn để mua cây giống, phân bón trồng gần 2ha cao su. Cây cao su chỉ khai thác lấy mủ sau 10 năm tuổi nên qua nhiều trận bão khiến cao su bị gãy đổ, đến nay gia đình bà Liên vẫn chưa thu hồi được số vốn đầu tư vào vườn cao su. 

Những vườn cao su của người dân xã Hương Phú, huyện Nam Đông gãy đổ do bão số 9.

“Hết cơn bão này qua lại cơn bão khác đến khiến vườn cao su của gia đình tôi tiêu điều. Vợ chồng tôi từ nay tay trắng vì bao vốn liếng dồn vào vườn cao su mất hết. Giờ cây nào không trồng lại được thì vợ chồng tôi đốn hạ lấy gỗ, còn về lâu dài, chúng tôi sẽ tính toán phương án chuyển đổi sang cây trồng khác cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng miền núi này”, bà Liên than thở.

Thống kê của UBND xã Hương Phú, toàn xã có khoảng 400 hộ dân trồng cao su với tổng diện tích gần 500ha. Trong đó cây cao su nội đồng được người dân trồng tập trung chủ yếu ở 3 thôn, gồm Hà An, Phú Nam, Đa Phú với diện tích 32ha, bị bão số 9 quật gãy đổ hơn 50%, gây thiệt hại nặng nề. Hiện, xã đang thống kê số hộ dân có diện tích cao su gãy đổ để có phương án hỗ trợ người dân tận thu gỗ nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời sẽ kiến nghị các ngân hàng, tổ chức cho vay vốn có chính sách giãn nợ, khoanh nợ, giúp người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp hơn. 

Theo ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, do ảnh hưởng của bão số 9, địa bàn huyện có mưa lớn kèm gió giật mạnh khiến 10 xã, thị trấn của huyện đều có thiệt hại về nhà cửa, cây trồng các loại, trong đó xã Hương Phú bị thiệt hại nặng nhất. 

Cụ thể, ngoài làm 5 nhà sập, hơn 400 nhà dân và 5 trường học, trụ sở cơ quan tốc mái, bão số 9 còn làm 2.500ha rừng keo lá tràm, hơn 1.500ha cao su đang thời kỳ khai thác mủ, gần 30ha rau màu, hơn 25ha cây hàng năm và 10ha cây ăn quả gãy đổ… gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người dân ở địa bàn huyện. 

Sau bão số 9, UBND huyện đã yêu cầu chính quyền địa phương các xã phối hợp với lực lượng Công an xã và các đơn vị, đoàn thể trên địa bàn giúp người dân lợp lại mái nhà, sửa chữa nhà cửa hư hỏng; thu dọn cây cối gãy đổ, vệ sinh môi trường để ổn định lại cuộc sống. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục kiểm tra, thống kê diện tích cao su, rừng keo lá tràm của người dân bị gãy đổ do bão để có phương án khắc phục...

Trích nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi