Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nội dung họp báo Chính phủ tháng 4/2016

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì phiên họp báo

Cùng dự và chủ trì họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết trong hai ngày 4-5/5, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4/2016. Đây là phiên họp thường kỳ đầu tiên sau khi Chính phủ được kiện toàn với 21 thành viên mới.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngoài việc thảo luận về những vấn đề kinh tế-xã hội và những vấn đề quan trọng khác,phiên họp còn thảo luận về những định hướng, quan điểm lớn của Chính phủ về phương thức chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Thứ nhất, về phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh những định hướng lớn trên cơ sở Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ. Cụ thể, trước hết là phải xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, một Chính phủ hiệu quả, nói không với tham nhũng, nói không với tiêu cực, nói không với lãng phí, một Chính phủ làm gương cho xã hội về vấn đề nói đi đôi với làm.

Thứ hai, Chính phủ khẳng định phải tăng cường kỷ cương phép nước, chấn chỉnh tình trạng thực thi pháp luật không nghiêm, kỷ cương phép nước không nghiêm, đặc biệt trong khu vực hành chính công. Muốn như vậy, cần phát huy, bảo đảm quyền dân chủ của người dân, nhất là người yếu thế trong xã hội. Dân chủ và kỷ cương là hai vấn đề quan trọng có quan hệ mật thiết với nhau trong xã hội.

Thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề Chính phủ phải chuyển từ phương thức quản lý theo mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ phục vụ, hướng tới doanh nghiệp và người dân, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả của Chính phủ và chính quyền các cấp.

Thứ tư, phải phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, những việc nào mà thị trường làm tốt thì để thị trường làm, Chính phủ tập trung lo xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách với sự tham gia sự đóng góp của người dân, hướng tới dần xóa bỏa cơ chế xin-cho. Chúng ta vẫn còn cơ chế xin-cho, Chính phủ quyết tâm hướng tới xóa bỏ cơ chế này.

Thứ năm, hết sức quan tâm vấn đề phân cấp; những gì bộ, ngành, địa phương làm tốt, thì Chính phủ phân cấp; không để các bộ, ngành, địa phương đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những việc bộ ngành, địa phương có thể làm tốt, gắn với vai trò người đứng đầu.

Thứ sáu, đề cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, nhất là trong việc tập trung tháo gỡ vướng mắc, rào cản; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.  

Các định hướng lớn này đều được các thành viên Chính phủ đồng lòng, nhất trí cao và thể hiện quyết tâm của Chính phủ vừa được kiện toàn.

Nội dung lớn thứ hai, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm. Chính phủ được kiện toàn mới được hơn 20 ngày trong điều kiện thuận lợi nhiều nhưng khó khăn, thách thức cũng rất lớn, như tình trạng hạn hán ở miền Trung, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, mưa đá ở các tỉnh phía bắc và vừa qua là việc hải sản chết hàng loạt ở miền Trung, rồi lĩnh vực an toàn thực phẩm. Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo xử lý các vấn đề này, gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn.  

Chính phủ thống nhất nhận định trong những tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm và năm 2016, Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KTXH năm 2016.

Chính phủ đánh giá trong 4 tháng, tình hình kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định. Trong phát triển kinh tế, khu vực dịch vụ vẫn giữ được đà phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng quý I cao hơn cùng kỳ năm trước. Đặc biệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có sự tăng trưởng rất tốt về số dự án và số vốn. Phát triển doanh nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ nhờ tác động của việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Nếu chúng ta làm tốt việc thi hành hai luật này, sẽ tháo gỡ rất nhiều rào cản, giấy phép con, tạo hành lang pháp lý, tạo lòng tin của người dân và doanh nghiệp, từ đó tạo thu hút vốn đầu tư.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá hết sức nghiêm túc, tình hình kinh tế-xã hội trong 4 tháng đầu năm vẫn giữa được ổn định vĩ mô, nhưng tình hình tăng trưởng có giảm so với cùng kỳ năm trước, nông nghiệp quý I tăng trưởng âm 1,23%, lạm phát 4 tháng đã tăng 1,33%. Cùng với đó là tình trạng biến đổi khí hậu như đã nói ở trên.  

Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Mặc dù có rất nhiều khó khăn thách thức nhưng Chính phủ kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,7%, kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Mục tiêu của Chính phủ là vừa bảo đảm được ổn định vĩ mô nhưng vẫn bảo đảm tốc độ tăng trưởng, hai mục tiêu này rất quan trọng.

Các thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống 70 năm qua với bản lĩnh vững vàng để vượt qua thử thách với quyết tâm đổi mới, chủ động, năng động, sáng tạo hơn nữa, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thực hiện các giải pháp trên tất cả lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Nội dung thứ ba, Chính phủ bàn nhiều về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường an toàn, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ đã dành gần một buổi sáng để thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp. Về nội dung này, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương, đầu tuần tới, VPCP phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, hoàn thiện Nghị quyết, đặc biệt là tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 29/4, tập trung ra Nghị quyết để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, trăn trở của doanh nghiệp. Mục tiêu quan trọng nhất trong lúc này, Thủ tướng khẳng định, là tạo niềm tin mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp, cho người dân. Khi có niềm tin tốt thì sự tham gia của người dân, của doanh nghiệp sẽ tốt. Nghị quyết phải thể hiện rõ thông điệp của Chính phủ và Thủ tướng, là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Vấn đề môi trường đầu tư, thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính, các cam kết của các địa phương với VCCI, vấn đề tạo đất sạch, xây dựng hạ tầng đồng bộ… cũng được các thành viên Chính phủ thảo luận.  Đặc biệt là việc tổ chức thực hiện Nghị quyết sau khi được ban hành, Nghị quyết ra nhưng có nơi triển khai quyết liệt, sáng tạo, trong khi nhiều nơi vẫn còn trì trệ. Việc cấp phép, thủ tục cho thuê đất… còn có những lời kêu ca phản ứng.

Tinh thần được Thủ tướng nhấn mạnh là các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như việc bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân, tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Phải trả lời đến nơi, đến chốn những kiến nghị của doanh nghiệp. Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại có gây khó cho doanh nghiệp hay không? Đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp doanh nghiệp của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, tạo động lực để tăng số lượng doanh nghiệp.

Thứ tư, Chính phủ nghe Bộ trưởng TNMT báo cáo về hiện tượng cá chết tại một số vùng biển miền Trung. Ngày 22/4, báo chí có đăng cá chết ở miền Trung, tức thì Thủ tướng đã chỉ đạo ngay Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào hiện trường. Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo rất quyết liệt tìm nguyên nhân cá chết, giao các bộ, ngành đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân đánh bắt xa bờ, mua cá của bà con, hỗ trợ gạo… Tinh thần của Thủ tướng là không để người dân nào đói, không để người dân nào khát, ổn định sớm nhất công việc của người dân, để người dân sớm ra khơi…

Thứ năm, Chính phủ thảo luận về tình hình thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. Quan điểm của Thủ tướng là phải có các giải pháp phù hợp tích cực để xử lý, như ngăn mặn, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để thích ứng.

Thứ sáu, đối với công tác thông tin truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, giao các bộ, ngành, địa phương chủ động thông tin kịp thời về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, cũng như  tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại và những vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, chính xác, chính thống để người dân, xã hội đánh giá không bị lệch lạc. Rất cảm ơn các cơ quan báo chí đã đưa tin kịp thời đến cho người dân và chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự phối hợp của các cơ quan báo chí trong thời gian tới để đưa thông tin đến người dân.

Ngoài ra, Chính phủ cũng bàn một số nội dung liên quan đến việc trình phê chuẩn Hiệp định TPP. Nội dung chi tiết của phiên họp đã có trong thông cáo báo chí đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ và được gửi trực tiếp các nhà báo. Sau đây tôi xin lắng nghe các câu hỏi của các nhà báo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thông báo những nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2016

Thế Dũng (PV báo Người Lao động)Vụ quán cà phê “Xin chào” và vụ bà Ánh Ngọc ở Nhơn Trạch, Đồng Nai tố cáo “cát tặc” thì bị tạm giữ cho thấy một bộ phận cán bộ cơ quan công quyền lạm dụng thi hành công vụ và thậm chí có những hoạt động liên quan đến oan sai rất lớn của người dân. Trước tình trạng như vậy Thủ tướng có ý kiến và quan điểm ra sao, các biện pháp chấn chỉnh cán bộ là gì?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Ngay sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh về việc ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê “Xin Chào” bị khởi tố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch UBND TPHCM khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ việc, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo công an và đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao chỉ đạo kiểm tra thông tin liên quan đến việc xử lý hình sự về hành vi kinh doanh trái phép đối với ông Nguyễn Văn Tấn (C/v số 2754/VPCP-V.I ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ).

Ngày 23/4/2016, đồng chí Viện trưởng Viện KSND Tối cao có văn bản số 48/BC-VKSTC kết luận, chỉ đạo giải quyết vụ án:

- Hành vi của ông Nguyễn Văn Tấn không phạm tội kinh doanh trái phép; Viện KSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Tấn và công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định.

- Ngày 23/4/2016, Viện trưởng Viện KSND TPHCM đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng Viện KSND Quận 6 (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh) và Kiểm sát viên Hồ Văn Son, những người trực tiếp tiến hành tố tụng vụ án này.

- Viện KSND Tối cao có chỉ đạo thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành.

- Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TPHCM chủ động kiểm tra, đánh giá lại vụ án và khi Viện KSND có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, Công an TPHCM đã có quyết định đình chỉ đối với cán bộ có liên quan, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.

Về vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, trú tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra, làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (C/v số 2761/VPCP-V.I ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ).

Những vụ việc gây bức xúc xảy ra thời gian vừa qua cho thấy, có một số cán bộ, công chức đã lạm quyền khi thực thi công vụ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Mặt khác, cũng cho thấy tình trạng một số cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ nhưng thoái hoá biến chất, tiêu cực hoặc hạn chế về trình độ, năng lực, xử lý công việc thiếu trách nhiệm, tùy tiện, vô nguyên tắc. Quan điểm của Chính phủ là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính; kiên quyết xử lý những người vi phạm, không né tránh, không bao che.

Với tinh thần đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện ngay một số việc trọng tâm sau đây:

- Tăng cường giáo dục cán bộ, công chức thượng tôn pháp luật; chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, không ngừng nâng cao chất lượng thực thi công vụ và tinh thần phục vụ.

- Khẩn trương rà soát các chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi công vụ, việc chấp hành pháp luật, chấp hành các quy tắc ứng xử và quy tắc, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, của báo chí và nhân dân.

Nghĩa Nhân (PV báo Pháp luật TPHCM): Về vụ việc cá chết, dư luận rất hoang mang, sau đó có sự vào cuộc của Chính phủ và các cơ quan, người dân bớt hoang mang hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cảm nhận là bộ, ngành đã vào cuộc hơi chậm. Vậy, những kinh nghiệm gì cần rútra qua xử lý vụ việc này và khả năng bao giờ có thông tin về nguyên nhân, kết quả vụ việc?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đây là vụ đầu tiên xảy ra tại vùng biển nước ta trên diện rộng, chúng ta chưa có kinh nghiệm xử lý. Tuy nhiên, Thủ tướng rất chủ động và đã nhanh chóng chỉ đạo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, yêu cầu các nhà khoa học, viện hàn lâm, UBND 4 tỉnh đều vào cuộc. Chủ trương là mời các chuyên gia nước ngoài cùng với chuyên gia trong nước xem xét, đánh giá với tinh thần dựa trên kết luận của các nhà khoa học, các chứng cứ xác đáng để kết luận, công khai, minh bạch vụ việc. Thủ tướng giao Bộ TN&MT là cơ quan phát ngôn toàn bộ nguyên nhân liên quan đến việc cá chết thời gian qua, đồng thời, giao Bộ TN&MT rà soát toàn bộ các dự án liên quan đến xả thải, từ vấn đề thiết kế, thi công nghiệm thu đến xả thải… Giao Bộ NN&PTNT đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân; giao Ngân hàng Nhà nước đề xuất các biện pháp hỗ trợ lãi suất tín dụng, vấn đề khoanh nợ cũ, lãi suất cho vay tín dụng mới để nhân dân sớm ra khơi đánh bắt. Giao Bộ Công an xem xét yếu tố liên quan đến vụ việc. Quan điểm của Thủ tướng là không loại trừ tổ chức hoặc cá nhân nào nếu vi phạm.

Chúng ta công nhận có sự lúng túng vì đây là sự việc lần đầu xảy ra trên đất nước ta, các cơ quan, bộ, ngành chưa có kinh nghiệm xử lý việc này. Thủ tướng Chính phủ cho biết thông tin báo cáo từ các địa phương lên Chính phủ, Thủ tướng còn chậm, thụ động. Trong xử lý việc này, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng, rất chủ động nắm bắt và sớm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên. Ngày 1/5 là ngày nghỉ nhưng Thủ tướng và các thành viên Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan đã dự và nghe 5 tỉnh, gồm 4 tỉnh thiệt hại và tỉnh Nghệ An, báo cáo tình hình thiệt hại, vấn đề an ninh trật tự, giải quyết cho ngư dân… để đồng bào sớm ổn định, phát triển kinh tế khu vực.

Nguyễn Hưng (PV báo điện tử Zing News):  Xin tiếp mạch nói về vụ cá chết, ở đây có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đi thực tế rất nhiều địa phương về, các thông tin trước đây có khoanh vùng nguồn gây độc cá chết từ Kỳ Anh, Hà Tĩnh trở vào đến Đà Nẵng, giới hạn khoảng từ 50 hải lý vào bờ. Xin Bộ trưởng chia sẻ là có thể khoanh vùng hẹp hơn không, tức là nguồn phát thải hoặc là nguồn gây độc cụ thể là ở chỗ nào?

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Sau khi có sự cố cá chết hàng loạt xảy ra, đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên-Huế, không chỉ ảnh hưởng tới ngư dân mà còn ảnh hưởng tới người làm hậu cần nghề cá, hoạt động du lịch... Tại sao khi cá chết như vậy lại khoanh vùng rộng hơn mà không khoanh vùng hẹp hơn? Khoanh vùng rộng để bảo đảm an toàn lớn hơn. Khi cá chết thì không biết chết từ 15 hay 20 hải lý, khi phát hiện con cuối cùng ở 15 hải lý thì phải khoanh thêm 5 hải lý để bảo đảm độ an toàn.

Thứ hai, khi phát hiện cá chết, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động chỉ đạo kịp thời, tất cả các bộ, ngành. Bộ TT&TT chỉ liên quan đến phần thông tin, truyền thông nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu đi vào các tỉnh để nắm bắt tình hình thực tế có đúng như báo chí nêu hay không.

Nhân đây, một số cơ quan báo chí rất tích cực vào cuộc, giúp cơ quan, ban, ngành nắm thực chất, rõ tình hình, có giải pháp cảnh báo người dân và dự báo đề phòng cả những nguy cơ tiếp theo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số cơ quan báo chí đưa tin thổi phồng, suy diễn quá mức, ví dụ đặt tít phải chăng nguyên nhân do chỗ này chỗ kia… Khi các cơ quan chức năng đang xem xét thì cứ truy bức đưa ra nguyên nhân trước. Các cơ quan báo chí lại đưa nguyên nhân trước các cơ quan chức năng là Bộ TN&MT, KH&CN, NN&PTNT...

Chính vì vậy, chúng tôi phải nhắc nhở báo chí. Đề nghị cơ quan báo chí phải đưa tin 2 chiều. Một mặt cấm người dân sử dụng, thu gom để vận chuyển đi địa bàn khác sử dụng, tiêu thụ, chế biến và ăn hải sản ở khu vực ven bờ đã chết không rõ nguyên nhân, bị nhiễm độc hoặc lừ đừ gần chết. Tuy nhiên, chúng ta cũng vẫn phải tuyên truyền cá đánh bắt xa bờ là hoàn toàn an toàn, ví dụ các loại cá đánh bắt xa bờ như cá ngừ đại dương. Không thể có cá ngừ đại dương sống ở trong khu vực 50 hải lý trở lại. Nếu chúng ta không tuyên truyền việc đó, người dân không hiểu, tẩy chay cả hải sản đánh bắt xa bờ, thì thiệt rất lớn, vô hình trung chúng ta tiếp tay làm thiệt hại lớn hơn cho ngư dân vùng biển. Có những ngư dân khóc bởi đánh bắt xa bờ, 150 hải lý, về không ai mua cả, người ta đổ cá ra đường. Mình tuyên truyền thế nào một mặt để người dân hiểu rõ những loại nào, khu vực nào không được ăn,  những loại nào thì an toàn.

Chính vì vậy, rất mong báo chí đưa tin một cách trung thực, chính xác, khách quan bảo đảm cơ sở khoa học, không gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Hiện nay có tâm lý đã là cá biển thì không dùng, nhất là tại các tỉnh ven biển miền Trung. Vì vậy, chúng ta phải tuyên truyền về sản phẩm, hải sản an toàn, môi trường biển sạch, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh và du lịch ở các tỉnh miền Trung. Đồng thời tuyên truyền bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phấn đấu trong thời gian sớm nhất công bố nguyên nhân sự cố, dựa trên kết luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước đang ở khu vực 4 tỉnh miền Trung. Các cục, vụ thuộc Bộ TT&TT sẽ thường trực để tiếp nhận thông tin là cung cấp ngay cho báo chí.

Chí Hiếu (PV báo Thanh niên): Theo thông tin trên báo chí thì trong vòng nửa tháng qua có 2 cuộc kiểm tra về vấn đề môi trường đối với Công ty Formosa. Trước tiên là cuộc kiểm tra của Bộ Công Thương công bố vào ngày 20-21/4, và mới đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về hai cuộc kiểm tra cùng về 1 vấn đề do 2 cơ quan thực hiện. Phải chăng cuộc kiểm tra của Bộ Công Thương có vấn đề khó khăn, vướng mắc gì nên sau đấy Bộ TN&MT tiếp tục vào cuộc?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Đoàn của Chính phủ  đã vào Formosa rồi, còn có nhiều đoàn của các bộ, ngành khác nữa. Trước hết, theo cá nhân tôi, đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, và có thể nói là tới cả nền kinh tế, nếu không nói cả chính trị đất nước chúng ta. Cho nên việc vào cuộc của Chính phủ và tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội là rất cần thiết.

Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Chúng ta biết Formosa là khu công nghiệp rất lớn, sản xuất công nghiệp nên đây là chức trách của Bộ Công Thương.

Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra định kỳ. Cũng nhân sự việc, riêng Bộ Công Thương đã tổ chức 2 đoàn. Đoàn thứ nhất kiểm tra vận hành của Formosa có đúng theo các quy trình quy định trong lĩnh vực mà Bộ Công Thương phụ trách hay không, ví dụ về an toàn lao động, về các thiết bị xử lý... Chúng tôi cũng đã tổ chức riêng một đoàn liên quan tới việc sử dụng hóa chất khi Formosa nhập khẩu vào Việt Nam. Theo quy định, phải có đăng ký tại Bộ Công Thương mà trực tiếp là Cục Hóa chất. Khi có xác nhận của cơ quan quản lý thì được phép nhập khẩu và sử dụng theo quy định cũng như kê khai với các cơ quan quản lý mà ở đây trực tiếp là Bộ Công Thương, đầu mối là Cục Hóa chất.

Hiện nay, kết quả của đoàn đã được tập hợp cùng báo cáo của các đơn vị khác như Bộ TN&MT, sau này là Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng Chính phủ giao làm đầu mối xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt. 

Riêng về lĩnh vực hóa chất, theo con số chúng tôi nắm được và qua kiểm tra, cả năm 2015 và tính cho đến thời điểm này (cách đây 3 hôm),  Formosa nhập 384 tấn hóa chất, trong đó có 103 loại hóa chất. Việc này có đăng ký và được chấp thuận nhập khẩu, sử dụng. Chỉ riêng từ đầu năm 2016, Công ty được chấp thuận nhập khẩu 224 tấn với 43 loại hóa chất.

Mục đích nhập khẩu, theo căn cứ khai báo ngay từ đầu về mục đích sử dụng, là để làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất để khử khuẩn, chất keo tụ xử lý nước, hóa chất ổn định nước làm mát, hóa chất để ức chế ăn mòn hóa học, ổn định độ pH... Từ đầu năm 2016, Công ty đã sử dụng 51 tấn hóa chất và hiện nay tồn trong kho 248 tấn. Đây là những hóa chất đã được phép nhập khẩu và sử dụng theo các đăng ký, quy định của pháp luật. Cụ thể thì chúng tôi đã có báo cáo Chính phủ. Sau này trong tổng hợp chung báo cáo của tất cả các bộ, ngành, địa phương có liên quan, sẽ có kết luận chính thức của Chính phủ.

Mỹ Dung (PV báo điện tử VNMedia): Khi Bộ Công Thương cho phép Fomosa nhập gần 400 tấn hóa chất thì Bộ có tính toán được hàm lượng, số lượng hóa chất Fomosa sử dụng và thải ra môi trường có mức độ an toàn đến đâu hay không? Và lượng hóa chất mỗi năm Fomosa được phép sử dụng, thải ra môi trường tác động thế nào đến bờ biển Hà Tĩnh đã được tính toán chưa?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Hiện nay, ví dụ trong ngành y tế, ta cũng phải nhập những thuốc rất độc về phục vụ chữa bệnh, bản thân nước ta cũng đã xuất khẩu nọc độc rắn. Tương tự, có nhiều hóa chất độc hại được nhập khẩu nhưng quan trọng là quá trình sử dụng đúng quy trình. Vấn đề ở đây là trong quá trình sử dụng, Fomosa phải tuân thủ những quy định về môi trường và các quy định khác. Câu hỏi Fomosa có tuân thủ đúng quy định về bảo đảm môi trường hay không và xử lý việc đó như thế nào thì Bộ TN&MT đã có đoàn kiểm tra và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ có thông báo chính thức về việc này.

Vũ Văn Tiến (Báo Xây dựng): Ngày 22/4 có cơn mưa bình thường nhưng đường dây 500 KV vẫn gãy đổ. Xin hỏi Bộ Công Thương đã chỉ đạo cụ thể thế nào? Liệu có nên kiểm tra lại toàn bộ đoạn đường dây 139 km này không, vì bạn đọc hoài nghi về chất lượng điện hiện nay?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Về sự cố trong điều kiện thời tiết không quá khác thường, nhưng cột điện đường dây 500 kV bị đổ là sự việc khác thường. Ngay từ khi có sự cố, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia kiểm tra hiện trường tại vị trí VT199,  xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Chúng tôi đã lập ngay một đoàn trực tiếp kiểm tra để có báo cáo cụ thể với các nội dung đã tập hợp.

Hiện nay, chúng tôi tiếp tục tổ chức đoàn thanh tra, gồm lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, Cục An toàn môi trường, Thanh tra Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế, Viện Năng lượng, đại diện Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Bộ Xây dựng… Chúng tôi cần thời gian kiểm tra và ra kết luận cuối cùng, khi có kết luận sẽ thông báo đến các cơ quan thông tấn, báo chí.

Võ Văn Thành (PV báo Tuổi trẻ): Vừa qua  doanh nghiệp Xuân Thiện tại Ninh Bình có đề xuất xây dựng các công trình, 6 thủy điện trên sông Hồng khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ và các bộ, ngành về vấn đề này?

Ông Nguyễn Xuân Tự (Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ KH&ĐT): Về dự án này, trước hết đây là dự án mới ở bước rất sơ khai, mới đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, với nhận thức dự án quan trọng này có ảnh hưởng tới môi trường, Bộ KH&ĐT đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan. Chúng tôi đã nhận được một số ý kiến có sự đồng thuận khá cao của các bộ, ngành, địa phương, nhưng đây mới chỉ là ở mức báo cáo Thủ tướng cho phép chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu dự án. Muốn đầu tư dự án, còn phải qua ít nhất 2 bước nữa. Trước hết là các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án. Sau khi phê duyệt đề xuất dự án xong, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập báo cáo nghiên cứu khả thi và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi đó nhà đầu tư mới được đầu tư. Với các nhà đầu tư, chúng ta rất khuyến khích các đề xuất sáng kiến của họ, nhưng không có nghĩa một khi đề xuất là anh được lựa chọn làm nhà đầu tư. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư phải qua quy định của Luật Đấu thầu, theo quy định của Nghị định 15 về PPP.

Chúng tôi nhận thấy dự án chắc chắn có tác động đến môi trường, nhưng ảnh hưởng như thế nào, trong quá trình thực hiện như nạo vét lòng sông, xây đập thủy điện, các âu tàu… thì phải có đánh giá tác động môi trường chi tiết và Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thẩm định báo cáo này. Chúng tôi đã bước đầu báo cáo Chính phủ. Dự án này kéo dài từ Lào Cai suốt dọc sông như vậy, ảnh hưởng khá nhiều đến Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Và đặc biệt cần tính rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi, vấn đề xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng những đập dâng nước ở vị trí nào, địa chất ra sao, vấn đề mua bán điện thế nào… tất cả những vấn đề đó còn bỏ ngỏ.  Tất cả những vấn đề như vậy hiện nay dự án mới đề xuất ý tưởng ban đầu. Những vấn đề môi trường mà nhà báo quan tâm là hoàn toàn chính đáng và chỉ có thể giải quyết được ở giai đoạn sau.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng:  Cảm ơn đại diện các cơ quan báo chí và các phóng viên. Rất mong cơ quan Văn phòng Chính phủ (VPCP) , các bộ ngành tiếp tục cộng tác, phối hợp với các cơ quan báo chí để truyền tải thông tin tới người dân và xã hội. Tới đây, VPCP cố gắng sẽ bàn cùng các bộ, ngành Trung ương cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí về các vấn đề xã hội quan tâm. Ngoài phiên họp báo thường kỳ, có thể tổ chức họp báo chuyên đề để kịp thời cung cấp. Chắc chắn việc cung cấp thông tin chính thống sẽ hạn chế các vấn đề cung cấp thông tin không chính xác khi chưa đầy đủ thông tin.

Thay mặt lãnh đạo các bộ, ngành tại cuộc họp báo, xin gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe các đồng chí.

Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi