Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Ở nơi không có ngày nghỉ

Bên trong khu hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tiếng máy thở kêu tít tít liên tục 24/24h. Ở đây đang có khoảng 500 bệnh nhân COVID-19 nặng, trong đó có nhiều trường hợp nguy kịch phải thở máy, chạy ECMO. Áp lực đè nặng lên hơn 700 bác sĩ, nhân viên y tế khi bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải vào dịp Tết đang cận kề. Đây là năm thứ hai họ không có Tết.

Hơn 50% bệnh nhân nguy kịch là phụ nữ mang thai

Kể từ khi COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở Đông Anh (Hà Nội) tiếp nhận và điều trị cho các F0 nhẹ và nặng ở phía Bắc. Nhưng từ tháng 12/2021 đến nay, Bệnh viện đã chuyển đổi hoàn toàn công năng thành Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô hơn 500 giường ICU. Đây là cơ sở điều trị nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch nhất miền Bắc từ trước tới nay.

Tại Khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ và điều dưỡng không có ngày nghỉ, tất bật điều trị, chăm sóc cho các F0 nặng, nguy kịch. Khoác lên người bộ đồng phục suốt 8 tiếng cho một ca trực, ngày nào cũng vậy, không có ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật. Có người 6 tháng nay chưa về gia đình. Suốt 2 năm qua, các bác sĩ, nhân viên y tế gần như ở tại bệnh viện. Hai tháng nay, số bệnh nhân nặng tăng rất nhanh, đặc biệt là bệnh nhân của Hà Nội.

Ở nơi không có ngày nghỉ -0
Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang chăm sóc F0 nặng, nguy kịch. Ảnh: Phong Sơn - Nguyễn Thắng

BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho biết: "100% bệnh nhân vào hồi sức đều nhóm nguy kịch. Hiện tại thời điểm này Khoa có 39 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy, can thiệp ECMO và lọc máu".

Theo BS Khiêm, trước đây khi chưa có vaccine, cứ 100 ca nhiễm trong cộng đồng thì có khoảng 10-15 trường hợp nguy cơ nặng và 5 trường hợp phải vào hồi sức, đây là con số rất lớn, gây quá tải hệ thống y tế. May mắn tại thời điểm này, diện bao phủ vaccine ở nước ta rất cao, thậm chí có một số tỉnh đã tiêm phủ mũi 3, nên nguy cơ F0 chuyển nặng phải vào hồi sức đã giảm rất nhiều.

"Các bệnh nhân nặng chủ yếu là không tiêm vaccine, hoặc nhóm phụ nữ mang thai chưa được tiêm vaccine do họ sợ ảnh hưởng đến con. Nhóm bà bầu mắc COVID-19 có nguy cơ tiến triển nặng cao hơn rất nhiều so với phụ nữ bình thường, nhất là người chưa tiêm vaccine. Hiện tại ở Khoa hồi sức có trên 50% bệnh nhân nguy kịch là bà bầu, thậm chí có thời điểm bà bầu chiếm tới 2/3.

Gần đây Bộ Y tế tăng cường truyền thông tiêm chủng, đặc biệt cho nhóm phụ nữ mang thai, hy vọng thời gian tới nhóm này sẽ tiêm nhiều hơn để giảm bệnh nhân nặng. Vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ tiêm vaccine rồi vẫn có nguy cơ nặng như người mắc quá nhiều bệnh nền, người cao tuổi bị tai biến nằm liệt giường, bà bầu… nhưng nó sẽ giảm rất rất nhiều so với trước kia. Nếu tiêm rồi, nhưng chẳng may mắc COVID-19 và chuyển nặng thì vẫn có đủ nguồn lực y tế và cơ hội cứu sống rất lớn", BS Khiêm chia sẻ.

Theo BS Khiêm, tại Khoa Hồi sức, tỷ lệ tử vong chiếm khoảng gần 30% bệnh nhân vào nhập viện, thường rơi vào nhóm cao tuổi (trên 80-90 tuổi), nhóm bệnh nền nặng như suy thận mạn, chạy thận chu kỳ, suy tim, ung thư, xơ gan, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch (HIV, ghép tạng); số ít thuộc nhóm đã can thiệp tích cực từ các tuyến cơ sở khác nhưng vẫn tiến triển xấu chuyển lên nhưng thường đánh giá can thiệp rất ít. Những người có quá nhiều bệnh nền, hoặc người tuổi quá cao 80-90 tuổi nằm liệt một chỗ, dù tiêm vaccine rồi nhưng nguy cơ nặng vẫn có.

Quay cuồng vì bệnh nhân quá tải

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện có 500 giường hồi sức nhưng đều kín hết, trong đó số bệnh nhân nặng rất lớn khiến bệnh viện thường xuyên quá tải. Hiện, Bệnh viện điều trị cho Hà Nội 145 F0. Ngày 27/1, Hà Nội có thêm hơn 2.900 ca nhiễm mới, 31 người tử vong, đây là con số tử vong cao nhất từ trước đến nay ở Thủ đô.

Chia sẻ về cái Tết đang cần kề, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với họ ngày Tết cũng như ngày thường, phải duy trì đủ nhân lực để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân. Khoảng 2 tháng nay số lượng bệnh nhân F0 tăng mạnh, đặc biệt bệnh nhân nặng rất lớn, bệnh viện thường xuyên quá tải. "Nếu như trước đây, thứ Bảy, Chủ nhật bác sĩ, nhân viên y tế được nghỉ thì giờ mọi người làm việc không có ngày nghỉ", BS Cấp cho biết.

Theo BS Cấp, trong 500 F0 đang điều trị có gần 200 ca phải hỗ trợ hô hấp từ mức phải thở oxy dòng cao (HFNC) đến thở máy và tim phổi nhân tạo (ECMO), chiếm gần 50% tổng số bệnh nhân, tăng gấp đôi so với cách đây 1 tháng. Bệnh nhân này khỏi, bệnh nhân khác lại vào, mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận từ 10-20 bệnh nhân suy hô hấp từ các nơi chuyển đến nên khối lượng công việc rất nhiều. Những bệnh nhân nặng phải được theo dõi 24/24h nên bác sĩ, nhân viên y tế không có ngày nghỉ.

Lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch gia tăng tạo áp lực rất lớn với bác sĩ, nhân viên y tế. Trung bình một điều dưỡng chăm sóc 1 bệnh nhân, 1 ca ECMO cần phải có 3-5 người hỗ trợ. Một bác sĩ chỉ phụ trách 2-3 ca ECMO là đã quá tải, chưa kể nhiều ca phải cấp cứu, huy động nhân lực lớn. Chính vì thế, nhân lực hồi sức là bài toán khó. Vì vậy, các bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện luôn phải làm gấp đôi, gấp ba công suất.

Để chuyển đổi công năng thành Trung tâm Hồi sức tích cực, ngoài 570 bác sĩ, nhân viên y tế có kinh nghiệm xuyên chăm sóc và điều trị F0 từ nhẹ đến nặng, Bệnh viện đã triển khai đào tạo, tập huấn, kèm cặp "cầm tay chỉ việc" cho các y bác sĩ, y tá khoa thông thường có thể làm được bác sĩ cấp cứu. 

Ngoài ra, có một lượng học viên sau đại học của Đại học Y Hà Nội thực tập tại bệnh viện, các bác sĩ nội trú, các đơn vị, tỉnh khác cử học viên về học chuyên môn, kỹ thuật. Theo BS Cấp, Bệnh viện còn có thêm một nhóm tình nguyện viên có chuyên môn y khoa hỗ trợ. Tổng cộng có khoảng 700 nhân viên y tế và tình nguyện viên thường xuyên có mặt để chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Với các bác sĩ ở đây, họ gần như không còn khái niệm thời gian, hôm nay là thứ mấy, ngày nghỉ hay ngày lễ. BS Khiêm chia sẻ: "Gần 2 năm nay, đặc biệt từ tháng 5 đến giờ, chúng tôi phân công công việc không có khái niệm ngày nghỉ, lễ, Tết. Ngày Tết chúng tôi vẫn làm các công việc như thường ngày, không có gì khác biệt. Có thể ngày Tết là ngày đặc biệt, sẽ có khoảnh khắc như đêm giao thừa, bệnh nhân mà ổn, thu xếp được, chúng tôi sẽ dành một khoảnh khắc vài phút bên nhau. Mọi người hỏi có tủi thân, chạnh lòng không? Có chứ, ai chẳng muốn sum họp bên gia đình. Nhưng với chúng tôi ở đây, tất cả vì sức khỏe bệnh nhân, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư để chạy đua với thời gian, cứu sống họ. Trong những ngày Tết, các khoa, phòng của bệnh viện lo hậu cần, ngoài cơm hộp có thể thêm giò, bánh chưng để chúng tôi được cảm nhận không khí Tết".

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi