Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Ông lão si tình hơn 10 năm "trò chuyện" với vợ quá cố

"Tôi sợ bà ấy cô đơn"

Mấy tháng gần đây, sức khoẻ ông Thiệp yếu đi nhiều. Người nhà nói ông đang mang trong mình rất nhiều bệnh. Dù không muốn nhưng ông buộc phải từ bỏ thói quen ngày ngày ra mộ vợ trò chuyện với bà và trồng các loại cây thuốc, cây hoa, rau cỏ…

Đó đều là những loại cây mà khi còn sống vợ ông Thiệp rất thích. Tính tới thời điểm hiện tại là hơn 13 năm ngày bà Nguyễn Thị Bùi (vợ ông) qua đời. Ông Thiệp chia sẻ: "Có sống đến tuổi này rồi mới hiểu tình già nó quan trọng đến mức nào. Chẳng ai hiểu tôi bằng bà ấy, cũng chẳng ai lo cho tôi bằng bà ấy. Lúc còn sống, hai vợ chồng suốt ngày trò chuyện thủ thỉ, khi bà ấy mất rồi, tôi như người mất hồn".

Khu vườn tình yêu ông Thiệp làm tặng vợ.

Ba năm sau ngày vợ mất, ông Thiệp đã chuyển "nhà mới" cho vợ về đặt ở một gò đất của làng, nơi dành cho những nấm mộ đã sang cát. Ông bảo: "Phải đợi đến khi bà ấy "an cư" tôi mới có cơ hội thực hiện ước nguyện của mình". Ông Thiệp tếu táo nói rằng: "Để xây được cái nhà mới khang trang cho bà ấy tôi đã phải dốc hết số tiền tiết kiệm trong mấy năm đấy. Thực ra các con của tôi chúng thừa sức làm được nhưng tôi bảo cứ để việc đó cho tôi, vì tôi thực sự muốn được tự làm dành tặng bà ấy".

Ngôi mộ được thiết kế hai ngăn, khum hình mái nhà, bên trái dành cho bà, bên phải ông để dành sau này khi đi theo bà. Trên phần mộ là tấm bia ghi tên vợ ông, phía dưới, bên trái là tấm gỗ ghi bài thơ lục bát bốn câu có tựa đề "Lời tâm niệm của cụ Thiệp Bùi": "Chữ tình cùng với chữ duyên/ Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền/ Bây giờ cách trở âm dương/ Sau này sum họp lại chung một mồ". Phía bên phải là chiếc chậu nhựa ghi rõ: "Chậu của cụ Bùi rửa mặt".

Khi ngôi mộ chính thức hoàn thiện thì cũng là lúc ông Thiệp quyết định… ra ở cạnh vợ. Con cái, họ hàng khuyên thế nào ông cũng không nghe. Ông còn hay đùa mọi người rằng: "Yên tâm, có bà ấy phù hộ tôi chỉ có khoẻ ra chứ không bị sao đâu". Khi được hỏi, động lực nào khiến ông có quyết định "không giống ai", thậm chí là gai người như vậy thì ông Thiệp cười trả lời rằng: "Tất cả là vì tình yêu của tôi dành cho bà ấy. Ngày xưa ở với tôi bà ấy đã phải chịu nhiều thiệt thòi, đến khi sung sướng hơn thì lại bị bệnh ung thư rồi qua đời. Tôi sợ bà ấy buồn, bà ấy cô đơn nên muốn chuyển ra ở gần với bà ấy. Hồi còn sống bà ấy nhát lắm, sợ bóng tối. Đêm đến đi đâu ra ngoài đều phải có tôi đi cùng".

Ông Thiệp khi còn khoẻ mạnh ngày nào cũng ra trò chuyện với bà Bùi.

Thương bố tuổi già đêm hôm nằm ngủ ở nghĩa địa lạnh lẽo nên các con ông Thiệp ép bằng được bố phải về nhà. Dù không được ngủ đêm bên mộ vợ nhưng ngày ngày cứ từ tờ mờ sáng người làng đã thấy ông lọ mọ ra khu mộ rồi cặm cụi trồng rau, trồng cây thuốc đến tối muộn mới về.

Quanh mộ bà Bùi xung quanh đều có cây xanh. Mỗi cây ông Thiệp đều treo lên đó một tấm biển ghi rõ là tặng vợ nhân dịp gì. Ông bảo: "Hồi còn sống, bà nhà tôi lúc nào cũng ao ước xung quanh ngôi nhà có thật nhiều cỏ cây, hoa lá. Sở thích của con người ta chắc đến khi chết vẫn còn mang theo nên tôi mới ra đó trồng cây, trồng hoa cho bà ấy vui".

Hồi đó, những người bạn của ông Thiệp nếu muốn chơi với ông thì đều ra thẳng nghĩa địa để hàn huyên, cùng nhau nhấp ngụm nước trà rồi kể chuyện trong làng ngoài xóm. Người làng vẫn hay đùa rằng "Ông ấy ra mộ vợ mà cứ như đi làm việc nhà nước. Sáng 7 giờ đã có mặt, chiều mặt trời tắt nắng mới lọ mọ trở về".

Con cái ông luôn lo bố mình cứ dãi nắng, dầm mưa thế kiểu gì cũng ốm đau. Nhưng thực tế là sức khoẻ ông Thiệp lại cải thiện rõ rệt, tinh thần cũng phấn chấn hẳn lên. Kể từ khi thấy tác dụng của việc ngày ngày bố ra chơi và trò chuyện với mẹ thì những người con của ông Thiệp đã không còn can ngăn bố nữa.

Mong khoẻ lại để được ra "thăm vợ"

Khi được hỏi về chuyện tình yêu thời trẻ, ông Thiệp hào hứng cười tủm tỉm, khoe rằng: "Hồi đôi mươi, tôi đẹp trai phết đấy, nhiều người còn đánh giá là đẹp nhất làng luôn ấy chứ. Thế nên cũng khối cô thầm thương trộm nhớ đấy. Nhưng bố mẹ tôi lại "dấm" sẵn cho một cô. Cô này đúng là ngoan hiền, nết na lại xinh đẹp. Thế nhưng cô ấy lại không yêu tôi mà chỉ xem tôi như người anh trai. Bị từ chối tình cảm, nhất là mình cũng thích người ta nên tôi buồn lắm. Sau cú đó tôi còn định không thèm lấy vợ cơ đấy".

Ông muốn tự tay trang trí "nhà mới" cho vợ.

Thế nhưng, sự xuất hiện của một bức thư táo bạo đã khiến ông thay đổi suy nghĩ. "Các chị đoán được lá thư đó là của ai không? Là của bà Bùi đấy. Bà Bùi là em họ của cô K. - vợ hụt của tôi. Thế mà bà ấy dám viết thư bày tỏ tình cảm với tôi, nói rằng đã thương nhớ tôi từ lâu. Tôi bị người chị khước từ, thì người em lại đem lòng thương mến. Nhưng nhận thư tôi cũng chẳng có cảm xúc gì nhiều vì lúc đó mình đang rất đau khổ. Phải hơn một tháng sau tôi mới biên thư lại. Trong thư tôi nói giọng phớt đời lắm. Tôi bảo nhà tôi nghèo lắm, chả có gì đâu mà cưới em. Em thích tôi thì phải tự lo liệu cuộc sống sau này"…

Những tưởng lời hờ hững ấy của ông Thiệp sẽ khiến cô gái ấy mất hứng, tự ái mà rút lui. Không ngờ sáng hôm sau, ông Thiệp nhận được một cái hẹn: "Anh sang nhà em, em có chuyện cần bàn". Ông Thiệp vừa bước vào cửa thì đã nghe giọng của cô gái nói: "Anh chở em ra Hà Nội mua đôi chiếu mới nhé". Ông Thiệp giật mình hỏi lại: "Em lấy chồng à? Lấy ai vậy?". Cô gái lạnh lùng đáp: "Em lấy anh chứ còn lấy ai. Anh bảo em phải tự lo thì giờ em lo đây". Nghe thế,  trong người ông Thiệp như có luồng điện chạy qua. Trấn tĩnh một lúc ông Thiệp gật đầu. "Lúc đó tôi nghĩ, có khi đó chính là duyên số".

Ông Thiệp mong mình sớm khoẻ lại để còn ra trò chuyện cùng vợ.

Không lâu sau đó họ kết hôn trong niềm hân hoan của cả hai bên gia đình. Cưới nhau được 5 năm, hai vợ chồng có 3 đứa con thì ông Thiệp nhập ngũ. Những tháng ngày trong chiến trường Tây Nguyên ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh, đó cũng là lúc ông cảm nhận được tình yêu của người vợ hiền nơi quê nhà.

Hàng trăm thứ việc phải lo nhưng tháng nào bà Bùi cũng biên thư cho chồng. Bà động viên ông giữ gìn sức khỏe, chân cứng đá mềm; bà chúc ông lành lặn trở về rồi bà sẽ sinh cho ông thêm những đứa con kháu khỉnh. Trong lúc chiến đấu, ông Thiệp bị thương ở đùi, được chuyển về hậu phương chữa trị, hết thời gian điều dưỡng, ông về làm cán bộ xã. Đúng như lời hứa, bà lại sinh cho ông thêm 2 người con khỏe mạnh. Nhưng rồi ngày vui ngắn chẳng tày gang, ông lại tiếp tục xa vợ con thêm 10 năm nữa khi phải nhận nhiệm vụ lên Mộc Châu (Sơn La) làm kinh tế mới.

Ông bảo: "Tôi thương bà ấy lắm nhưng nhiệm vụ tôi phải đi. Một mình bà ấy phải cáng đáng cả gia đình, có chồng mà cũng như không". Mãi cho đến năm 1987 ông nhận sổ hưu, đó mới là lúc hai vợ chồng trọn vẹn bên nhau. Đến khi bà nhắm mắt xuôi tay vào năm 2008, hai vợ chồng ông Thiệp vẫn quấn quít và thương yêu nhau hết mực. "Nếu không có sự chủ động, mạnh mẽ của bà ấy, có lẽ hai chúng tôi không thành vợ thành chồng được. Bà ấy đã mang đến cho tôi một cuộc đời hạnh phúc. Vì thế, lúc nào tôi cũng cảm giác mắc nợ bà ấy".

Năm 2006, bà Bùi đã rất yếu ớt, vì bà mắc nhiều bệnh. Một tay ông Thiệp chăm sóc vợ suốt hơn 2 năm cho đến lúc bà tạ thế. Ngay cả khi bà Bùi mất, ông vẫn không muốn để vợ cô đơn. Ông Thiệp không cúng lễ cho vợ bằng hoa quả như thông thường. Ông "gửi" cho vợ dưới cõi âm sữa hộp và nước chè. Đó là những thứ hồi còn sống bà Bùi thường hay dùng. Ông bảo: "Tôi với vợ lấy nhau là duyên số trời định. Số mệnh là chúng tôi phải ở bên nhau. Chẳng may, bà ấy "đi" trước, chắc là bà ấy cô đơn lắm. Tôi thương bà ấy, nên tôi ra mộ để trò chuyện cho bà ấy đỡ buồn. Tôi đã làm sẵn ngôi mộ của tôi ở bên cạnh mộ bà ấy rồi, sau này, khi tôi nhắm mắt, tôi sẽ nằm bên bà ấy, mãi mãi không rời xa nhau".

Trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng ông Thiệp lại hào hứng đọc những vần thơ tặng vợ cho chúng tôi nghe: "Vợ tôi đã mất lâu rồi/ Mà tôi thương nhớ đứng ngồi không yên/ Tôi ra thăm mộ tổ tiên/ Thăm em ngắm cảnh cho yên tấm lòng/ Trồng hoa cam quýt bưởi bòng/ Em ơi! Em để lạnh phòng mình anh/ Đêm đêm gió mát trăng thanh/ Thương em anh nhớ nhưng đành vậy thôi".

Ước mơ lớn nhất của ông lão 85 tuổi lúc này là mong mình luôn khỏe để được thêm nhiều lần ra mộ thắp hương và trò chuyện cùng người bạn đời.

Nguồn: báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi