Dùng những biện pháp trừng phạt về mặt kinh tế dường như chưa gây “hiệu ứng cần thiết”, mới đây, nhà nước đứng đầu Liên minh châu Âu còn tiếp tục “xếp hạng” Nga là đối thủ bên cạnh những mối nguy tiềm tàng như họa khủng bố, khủng hoảng nhập cư, thiên tai... cho thấy hơn nửa phần cựu lục địa còn lâu mới thoát khỏi mây mù.
Ngày 5-6, trên một số cơ quan truyền thông của Đức và Nga xuất hiện thông tin Chính phủ Đức chuẩn bị công bố Sách Trắng, nội dung chủ yếu nhấn mạnh đến “đối thủ” Nga bị xếp cùng danh sách với 10 mối đe dọa, trong đó có hiểm họa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng hoảng người nhập cư, vấn đề an ninh mạng và nguy cơ dịch bệnh do tăng dân số.
Văn kiện dài 89 trang lần này do Bộ Quốc phòng Đức cùng các cơ quan chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia soạn thảo chưa từng được sửa đổi từ năm 2006, nghĩa là cách đây đúng 10 năm, cho thấy đội ngũ những người chấp bút đã phải “cân nhắc” đến thế nào trước khi đưa ra quan điểm làm… phức tạp thêm mối bang giao trên bình diện Âu lục.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel
Ở những trang đầu của Sách Trắng, nhóm tác giả ra sức “rào trước đón sau” bằng những đại ngôn phác họa một thế giới “đã thay đổi rất nhiều, các vấn đề liên quan đến an ninh cũng trở nên phức tạp và thay đổi khó lường”!
Nga bị xem là đối thủ của nước Đức, bởi “họ sử dụng nhiều công cụ để xóa nhòa ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình” - tờ Die Welt dẫn luận cứ từ các tác giả của Sách Trắng- “Tầm ảnh hưởng của Nga đối với dư luận quốc tế thông qua các công cụ truyền thống và mạng xã hội là một mối quan ngại đối với quân đội Đức”. Nhưng ai là người “xóa nhòa ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình” sau nhiều lần Nga bị cáo buộc là đã hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine phản đối chính quyền mới ở Kiev và Chính phủ Ukraine sau đó đã triển khai xe tăng, pháo hạng nặng, phi cơ chiến đấu tới khu vực của lực lượng ly khai này?
Sau những trận giao tranh ác liệt không phân thắng bại, chính quyền Kiev lại cáo buộc Moscow “bí mật gửi hàng nghìn binh sĩ tới khu vực biên giới”, nhưng họ cũng không thể đưa ra chứng cứ rõ ràng. Về phần mình, Nga luôn khẳng định, các hoạt động của họ ở Ukraine chỉ giới hạn trong các hoạt động viện trợ nhân đạo và tất cả những công dân tham gia lực lượng ly khai là dân quân tình nguyện chứ không phải quân đội chính quy.
Cứ thế, nhóm tác giả Sách Trắng của Đức tiếp tục nâng quan điểm: "Moscow đang thực hiện lợi ích riêng của mình bằng các biện pháp vũ lực và tự quyền thay đổi biên giới hợp pháp được bảo đảm bởi pháp lý quốc tế (ý muốn đề cập tới các sự kiện ở Crimea và đông Ukraine), do đó hình thành mối đe dọa cho trật tự thế giới ở châu Âu vốn đã hình thành sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh".
Như vậy, Nga rõ ràng đang "quay lưng với phương Tây, tăng cường chiến lược cạnh tranh và đẩy mạnh hoạt động quân sự trên biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu". Do đó, Berlin cho rằng “nếu không có thay đổi cơ bản, Nga sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh với lục địa của chúng ta trong tương lai có thể dự đoán được"!
Với nội dung như vậy, một khi Sách Trắng quốc phòng của Đức chính thức công bố thì đây sẽ là một “bước lùi bi kịch” trong mối quan hệ nóng - lạnh thất thường giữa hai quốc gia hàng đầu đại diện cho hai khối Đông - Tây vì những động thái diễn ra cách đây không lâu cứ khiến dư luận quốc tế và những nhà quan sát bắt đầu lạc quan cho rằng đã có những dấu hiệu “tan băng”.
Tháng 2 năm nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel qua cuộc điện đàm đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng sức ảnh hưởng của ông để kiềm chế phe ly khai ở miền đông Ukraine. Bà Merkel nêu rõ với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, nhằm đạt bước tiến xa hơn về một giải pháp chính trị toàn diện, lệnh ngừng bắn giữa Chính phủ Ukraine và phe ly khai phải được tôn trọng và các giám sát viên được phép thực hiện nhiệm vụ.
Theo các nguồn tin từ Điện Kremlin, ông Putin và bà Merkel đã cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan đến thực hiện cải cách hiến pháp ở Ukraine và tổ chức bầu cử địa phương tại những khu vực ly khai Donetsk và Lugansk "dựa trên cơ sở thống nhất pháp lý với đại diện của hai nhà nước cộng hòa tự xưng này”.
Tháng 4-2016, trong cuộc họp diễn ra 2 ngày của các nước G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngoại trưởng Đức bày tỏ “hy vọng nhóm sẽ trở lại là G8”(giống như trước khi Nga bị loại khỏi nhóm). "Tôi muốn hình thức G7 không kéo dài và chúng ta đưa ra các điều kiện để mang nhóm G8 trở lại", hãng thông tấn Đức DPA dẫn lời ông nói.
Nhóm các cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới G7 được thiết lập vào những năm 1970 gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật, Anh, Mỹ, Canada. Nga gia nhập vào năm 1998, biến nhóm trở thành G8. Lãnh đạo 7 nước kể trên quyết định chấm dứt vai trò của Nga tại G8 vào tháng 3-2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Nga kể từ đó không tham gia bất kỳ sự kiện nào của G7, nhưng ông Steinmeier tin rằng, việc đó sẽ thay đổi.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) gặp Tổng thống Nga
Putin tại Moscow hôm 23-3-2016.
Ông trích dẫn vai trò to lớn của Nga trong việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine và Syria là lý do tại sao nhóm nên dừng tẩy chay Nga. Tuy nhiên, dường như cũng đón được đường hướng “gió khó có thể xoay chiều” nên ông cho biết thêm: Các điều kiện cho sự thay đổi như vậy sẽ không thể được nhất trí trong năm 2016.
Đến cuối tháng 5, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nêu lên khả năng từng bước bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Nga nếu đạt được tiến bộ trong việc giải quyết tình hình tại Donbass, miền Đông Ukraine. Ông Steinmeier khẳng định: "Trừng phạt không phải là mục tiêu. Và đương nhiên trừng phạt không phải là phương tiện để buộc đối tác khác phải quỳ gối. Không ai quan tâm đến việc hủy hoại kinh tế Nga. Các biện pháp trừng phạt chỉ cần cho sự kích thích hành vi chính trị, hướng tới chấm dứt xung đột".
Và cũng chỉ mới cách đây ít ngày, ngày 4-6, báo Frankfurter Allgemeine dẫn tuyên bố của bà Angela Merkel bày tỏ ủng hộ ý tưởng của Nga từng bước xích lại với châu Âu, cho tới khi hình thành một khu vực kinh tế chung. Phát biểu tại Đại hội của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), bà Merkel nói: "Tôi ủng hộ việc Nga từng bước xích lại không gian kinh tế châu Âu, để cuối cùng chúng ta có một khu vực kinh tế chung từ Lisbon đến Vladivostok". Nhân dịp này, bà nhắc lại luận điểm của mình sẵn sàng "chấm dứt ngay lập tức các biện pháp trừng phạt Nga" một khi Moscow thực thi các thỏa thuận Minsk.
Thật ra, từ cuối năm 2015, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từng bày tỏ quan ngại về mối quan hệ ngoại giao đang có chiều hướng xấu đi giữa Nga và Đức. Ông Lavrov cho hay, nếu những căng thẳng này không sớm được cải thiện, mối quan hệ vốn đã không mấy tốt đẹp giữa Nga và các nước phương Tây sẽ còn tiếp tục loang rộng những rạn nứt từ trước. Theo Ngoại trưởng Nga, trước đây Đức vẫn luôn thực hiện rất tốt vai trò cầu nối giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) cũng như các nước phương Tây nói chung. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, Berlin đã có những động thái "chỉ đạo" không cần thiết đối với Moscow. "EU nói rằng quyết định trừng phạt là hệ quả của những căng thẳng tại Ukraine, tuy nhiên mức độ tăng giảm của các lệnh trừng phạt lại không hề tỉ lệ thuận với diễn biến ở Ukraine. Vậy logic của EU ở đâu?", Ngoại trưởng Nga chỉ ra.
Theo ông Lavrov, Moscow đã có những hành động đáp trả, cụ thể là việc cắt giảm nhập khẩu nông sản từ các nước châu Âu, tuy nhiên đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ kinh tế Nga chứ không phải là kiểu “ăn miếng trả miếng” khi chịu lệnh trừng phạt. "Nga có quyền bảo vệ những lợi ích kinh tế của riêng mình. Hành động này của chúng tôi hoàn toàn có cơ sở pháp lý, khác với những lệnh trừng phạt sai trái của EU và phương Tây", ông Lavrov nhận xét.
Vậy nguyên nhân sâu xa nào khiến mối quan hệ Nga- Đức liên tục “đảo chiều”? Có lẽ, những tuyên bố nặng tính ngoại giao của nữ Thủ tướng và Ngoại trưởng Đức chỉ mang tính “chuyển đổi”, còn nền tảng trong chính sách của nhà nước đứng đầu Liên minh châu Âu đối với Nga lại bắt nguồn từ chính sách của những năm 1990 dựa trên nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không”.
Nước Đức gắn Nga với “sự hợp tác có chọn lọc”, có nghĩa là muốn Nga tôn trọng những lợi ích sống còn của họ, trong khi họ không đếm xỉa đến những lợi ích của Nga. Đức muốn Nga đơn phương nhượng bộ trước bất kỳ yêu sách (và cả quan điểm mặc định), trong khi Nga vẫn có quyền đưa ra các yêu cầu và quan điểm xuất phát từ lợi quyền dân tộc của chính họ.
Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện