Sau thành công của nhiều bộ phim ăn khách, đặc biệt là siêu phẩm Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam – Kong: Đảo đầu lâu, nhiều người kỳ vọng, điện ảnh, truyền hình sẽ góp phần quảng bá một cách hiệu quả những cảnh đẹp kỳ vĩ của đất nước, văn hóa đặc sắc của người Việt, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau nhiều sản phẩm này là những hành trình không dễ dàng nhưng cũng có không ít “phần thưởng” thú vị mà chỉ người trong cuộc mới được ban tặng …
Đang được đưa đi “vòng quanh thế giới” trước khi chính thức ra rạp vào ngày 5-4, bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng được chú ý bởi khá nhiều cảnh quay đẹp cũng như văn hóa đặc sắc của vùng đất địa đầu Tổ quốc – tỉnh Hà Giang. Nhưng, theo ê kip thực hiện, để có những cảnh đặc tả về thiên nhiên hùng vĩ, hiền hoà mà dữ dội đến mức ám ảnh đoàn đã phải trải qua những khoảng thời gian với không ít câu chuyện giàu… kịch tính hơn phim.
|
Đoàn làm phim "Cha cõng con" trong một cảnh quay tại Hà Giang
|
Một ví dụ nho nhỏ là để có những cảnh quay từ đỉnh đồi Minh Ngọc – Bắc Mê, trong gần một tháng ròng rã, đoàn phải vượt qua một chặng đường khá dài, leo đồi mỗi ngày. Đồi có độ cao gần 200m nên chỉ việc leo lên đỉnh với lỉnh kỉnh dụng cụ đã đòi hỏi rất nhiều sức lực, có khi mưa lạnh cũng vẫn đẫm mồ hôi. Nhưng, nguy hiểm nhất là thời điểm đi về. Đoàn phải qua một con suối. Có thể buổi sáng vượt suối, nước chỉ cao ngang đầu gối nhưng đêm về nước đã ngập đến cổ. Bên sản xuất phải kéo dây điện từ dưới chân lên đỉnh đèo để soi đường và chăng dây cáp qua suối.
Những cảnh quay flycam trên núi vô cùng khó vì gió mạnh và nhiều sương. Đoàn quay flycam đầu tiên lên đỉnh đồi vướng mưa bão quá lớn, bộ thiết bị bay bị hỏng phải quay về. Đoàn thứ 2 cũng phải mất 3 lần rong ruổi từ Hà Nội lên mới hoàn thành các cảnh quay. Chưa kể, thời gian trên đỉnh đồi thường xuyên gặp mưa bão. Đây là thời tiết thuận lợi cho bối cảnh phim nhưng các thành viên vô cùng sợ sấm sét. Có lần, nghe tin sét vừa đánh chết khá nhiều trâu ở mấy xã gần khu vực quay, không ai bảo ai, mọi người gom cả bộ đàm, điện thoại vào một cái túi to, để thật xa…
|
Dàn sao Hollywood trong quá trình quay "Kong: Đảo đầu lâu" tại Việt Nam
|
Trong phim, dòng sông Gâm khu vực thác Núi đổ rất hùng vĩ. Để tìm được bối cảnh như vậy đạo diễn đã phải đi hàng chục ngàn cây số qua nhiều tỉnh thành. Với bối cảnh triền cỏ xanh trải dài mút mắt, nhà sản xuất đã phải trả tiền cho bà con trồng cỏ toàn bộ khu vực được chọn với mức tính thu hoạch ngô thời điểm tốt nhất, thuê người canh giữ trong 3 tháng.
Vất vả thế nhưng đoàn làm phim cũng được thiên nhiên ban tặng khá nhiều khoảnh khắc thú vị. Khi thực hiện cảnh quay cuối cùng, hai cha con nhân vật chính trong phim ngồi trên khúc gỗ mặt sông. Đoàn vừa đặt máy xuống vị trí quay thì đàn cò ở đâu bay đến, chao nghiêng mãi trước khu vực ống kính, y như chốn bồng lai tiên cảnh…
|
Hậu trường phim "Kong: Đảo đầu lâu" tại Việt Nam
|
Mới đây nhất, chia sẻ về hành trình thực hiện siêu phẩm điện ảnh “Kong: Đảo đầu lâu”, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cũng kể rằng, anh đã phải nhiều lần đến Việt Nam, đi qua nhiều tỉnh thành mới quyết định chọn được các địa danh của Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình để làm bối cảnh phim. Khán giả xem phim được mãn nhãn với những cảnh quay thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ nhưng đoàn thì vô cùng vất vả. Hơn một tháng ròng, các thành viên ăn ngủ triền miên ngoài phim trường, làm việc bất kể ngày đêm.
|
Vất vả làm phim nhưng đạo diễn Robert đã yêu Việt Nam lúc nào không hay
|
Vất vả, nhưng đây cũng là một trong những dịp hiếm hoi các nghệ sĩ đến từ kinh đô điện ảnh thế giới được trải nghiệm và đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ, nhiều độc đáo của xứ sở vùng nhiệt đới. Khi công việc làm phim kết thúc cũng là lúc Jordan Vogt-Roberts nhận ra mình đã “phải lòng” đất nước, con người nơi này. Trở về Mỹ, Roberts cứ thấy trống vắng như đánh mất điều gì. Chỉ đến khi quay trở lại Việt Nam, anh mới thoát khỏi cảm giác ấy.
Robert cũng cho biết, phần lớn khán giả chỉ biết anh từng có một thời gian làm phim khá dài tại Việt Nam nhưng không hề biết, anh từng nhiều lần quay lại và đã khám phá hầu hết hang Sơn Đoòng. Tất nhiên, anh không chỉ khám phá đất nước, con người Việt như một đam mê nhất thời mà còn để dành tư liệu, vốn hiểu biết cho những dự án khác đang ấp ủ. Và, quyết định bán nhà ở Mỹ sang Việt Nam sinh sống của Robert là kết quả tất yếu từ mối duyên nợ giữa anh với đất nước này.
|
Tài tử điện ảnh Mỹ trong một cảnh quay "Kong: Đảo đầu lâu"
|
Thực ra, quá trình làm phim, sản xuất chương trình quảng bá đất nước, con người qua màn ảnh không chỉ gieo duyên lành giữa Việt Nam với nghệ sĩ nước ngoài mà không ít nghệ sĩ Việt, sau khi kết thúc chương trình làm việc ở nước ngoài cũng nảy sinh tình yêu đặc biệt với vùng đất họ đến. MC Danh Tùng từng chia sẻ rằng, khi đến Nhật Bản thực hiện chương trình “Những sắc màu Nhật Bản”, anh từng đối diện với những cơn say sóng triền miên, e ngại món cá sống ngay ngoài biển khơi… Nhưng kết thúc hành trình, trở về nước, Danh Tùng cũng nhận ra, sâu thẳm trái tim mình, xứ sở hoa anh đào đã chiếm một vị trí không nhỏ…
Nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Phạm Sơn (T2)