Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày tờ trình dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Dự thảo luật đã có rất nhiều thay đổi theo hướng hiện đại và thuận tiện, vừa phục vụ tốt hơn nhu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Dự án Luật Căn cước đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Trần Đại Quang trình bày cho biết: Tuy các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành từ trước tới nay đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp, quản lý chứng minh nhân dân (CMND), tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch của nhân dân, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội nhưng các quy định còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ, nên hiệu lực thi hành thấp.
Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân là quyền và nghĩa vụ cơ bản, nên cần phải được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là luật. Mặt khác, trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là bối cảnh thực hiện hội nhập, hợp tác quốc tế và cải cách hành chính đã đặt ra các yêu cầu mới.
Luật căn cước công dân ra đời để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là quyền con người, quyền công dân, được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Luật cũng quy định việc sử dụng thẻ căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến, vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.
Dự án Luật Căn cước công dân bao gồm 5 chương, 36 điều, trong đó có những nội dung đáng chú ý như: Thẻ căn cước công dân sẽ được thay thế cho tên gọi hiện nay là CMND.
Nội dung của thẻ gồm thông tin về nơi thường trú của công dân (để tiến tới bỏ sổ hộ khẩu khi đã tích hợp đủ thông tin); họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc. Các thông tin này được tích hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên công dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác. Mặt khác, trên thẻ căn cước công dân có số định danh cá nhân của mỗi người, giúp cho công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự, giúp cơ quan, tổ chức kiểm tra, khai thác các thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Một điểm thuận lợi khác là nếu như trước đây, số CMND sẽ thay đổi khi công dân thay đổi nơi thường trú, thì nay dự thảo Luật quy định theo hướng số định danh cá nhân được sử dụng làm số thẻ căn cước công dân. Trường hợp đổi, cấp lại thẻ thì số thẻ vẫn giữ đúng theo số định danh cá nhân đã cấp. Số định danh cá nhân là mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu. Dự thảo luật cũng có một bước tiến quan trọng so với quy định của pháp luật hiện hành là cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 15 tuổi, ngay từ khi làm thủ tục khai sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, luật không quy định hạn chế người được cấp thẻ căn cước công dân, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình.
Nhằm loại bỏ các giấy tờ không cần thiết khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, dự thảo Luật quy định dân chỉ cần kê khai vào tờ khai, chỉ cần có đơn mà không cần xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn vì các thông tin về công dân đã được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu. Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân cũng được mở rộng hơn, không phụ thuộc vào nơi cư trú, người dân có thể đến ngay cơ quan quản lý căn cước công dân nơi gần nhất để làm thủ tục. Đáng chú ý, hoạt động cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước sẽ hoàn toàn miễn phí.
Theo tờ trình của Chính phủ, tính đến hết năm 2013, toàn quốc đã làm thủ tục và cấp được 68.124.934 CMND, đạt 96,6% so với tổng số người trong diện cấp CMND; trong đó, đổi 18.034.383 CMND, cấp lại 16.000.013 CMND.
Dự án Luật CAND (sửa đổi) đảm bảo chặt chẽ, khoa học
Cũng trong chiều qua, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật CAND (sửa đổi). Theo tờ trình, Luật CAND hiện hành (có hiệu lực thi hành từ năm 2006) đã tạo cơ sở pháp lý để lực lượng CAND tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu với Đảng, Nhà nước thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh, trật tự. Trong 8 năm qua, luật đã góp phần quan trọng xây dựng bộ máy, bố trí lực lượng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ, nâng cao vị thế, mở rộng quan hệ quốc tế, góp phần giữ vững an ninh, trật tự... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số quy định của Luật CAND bộc lộ vướng mắc, bất cập hoặc chưa đầy đủ như: nhiệm vụ, quyền hạn của CAND; cấp bậc hàm, hạn tuổi phục vụ, chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan. Cùng với đó, cần sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất với một số luật liên quan và phù hợp với Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương mới về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh, trật tự đòi hỏi phải quán triệt, thể chế hóa bằng các luật, trong đó có Luật CAND. Việc chỉ đạo xây dựng luật thể chế hóa quan điểm của Đảng, tuân thủ Hiến pháp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác, quan điểm cải cách tư pháp...
Quá trình soạn thảo, theo sự phân công của Chính phủ, Ban soạn thảo do Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn thi hành Luật CAND năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tham khảo có chọn lọc pháp luật một số nước về tổ chức, hoạt động của các cơ quan bảo vệ an ninh, trật tự phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Dự thảo luật gồm 7 chương, 42 điều, so với luật hiện hành thì không thay đổi về số chương, giảm 1 điều, sửa đổi 13 điều... Trong đó, về nhiệm vụ và quyền hạn của CAND có sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với các luật có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CAND trong thời gian gần đây. Tại chương IV về sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND quy định hệ thống cấp bậc hàm và đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng hàm cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND. Quy định chức vụ của sĩ quan CAND, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND; về hạn tuổi phục vụ; về nghĩa vụ, trách nhiệm của sĩ quan CAND; những việc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND không được làm...
Trong tờ trình của Chính phủ cũng giải thích rõ căn cứ khoa học của việc quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với sĩ quan đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy trong CAND. Cùng với đó, dự luật cũng quy định về bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của CAND, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, chính sách đào tạo, chế độ tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, sinh viên, học viên CAND...
Thẩm tra dự án Luật CAND, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự án luật. Thường trực Ủy ban thấy rằng, dự thảo luật đã bám sát và phù hợp chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới và nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng.
Biên tập: Mai Loan - Trung tâm TTKH & TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online