Hàng tấn chanh, quất đã qua khâu ngâm ủ được phơi tràn lan trên những tấm bạt rách bám đầy đất, xung quanh là nơi chăn trâu, chăn bò và những bãi phân, rác thải. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng bay vo ve, khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải rợn người… bởi cảnh quá mất vệ sinh.
Những quả chanh, quất được ngâm ủ, phơi như thế sẽ được “biến” thành sản phẩm đóng hộp với màu sắc bắt mắt và mùi vị hấp dẫn phục vụ ngày tết.
Tại khu vực nhà văn hóa tổ 7 đang bị bỏ hoang, thuộc phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội có một hộ gia đình đã nhiều năm nay gắn bó với nghề ngâm ủ, phơi chanh, quất để cung cấp cho các xưởng sơ chế biến thành sản phẩm mứt tết. Đó là một bãi đất trống rác thải được vứt bừa bãi, trâu bò được thả rông để ăn cỏ.
Những tấm bạt rách nát, bụi bẩn, bám đất được trải lên khoảng đất đã được đổ bê tông, gạch... phía trên tấm bạt là hàng tấn chanh, quất được đổ phơi trên tấm bạt. Hôm trời âm u, mưa gió thì được phủ bằng tấm bạt nilon màu trắng ở phía trên, ngày nắng tấm nilon trắng được bỏ ra để phơi cho khô. Tiến lại gần nơi hàng tấn chanh quất được phủ dưới tấm bạt trắng, khi chúng tôi mở tấm bạt lên thì rợn người, kinh hoàng với cảnh tượng tất cả chanh, quất đang trong tình trạng vữa, dập nát và bốc mùi, chảy nước, vỏ bị mốc trắng.
Cầm quả chanh lên, dùng hai ngón tay bóp nhẹ là quả nát ra và chảy nước. Khi trời hửng nắng, những tấm bạt nilon được mở ra, đến tối lại cào lại thành đống dùng tấm bạt nilon phủ lên. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác cho đến khi quả chanh quất khô không còn chảy nước là được xuất đi cho các nhà xưởng sấy và đóng hộp.
Cách nơi phơi chanh, quất chừng khoảng 50m, tại khu vườn chồng chuối và bể đựng phân, rác thải được vứt bừa bãi có 2 chiếc hố được đào sâu chừng 3 - 5m, rộng chừng 2-3m², có mái che bằng tấm tấm fibro xi măng tạm bợ. Một hố để trống đã được rải vôi bột và một hố đã được phủ nhiều loại túi bóng, bạt nilon ở phía trên. Qua tìm hiểu, chúng tôi đã biết được 2 chiếc hố đó chính là nơi ủ chanh, quất.
Trước khi ủ, hố sẽ được rải vôi bột trắng xung quanh, dùng những lớp nilon trải xung quanh hố, sau đó đổ hàng tấn chanh, quất vào rồi rải một lớp muối lên trên và khâu cuối cùng là phủ lên trên nhiều lớp nilon, tấm bạt.
Quá trình ủ diễn ra hàng chục ngày, khi quất, chanh chảy nước, sẽ được đem ra phơi đến khi nào khô thì sẽ được bán cho các xưởng, cơ sở tái chế. Nguyên liệu chính của cơ sở này là quả quất, chanh được mua từ Hòa Bình, hàng đã được đóng thành từng tải được chuyển về tận nơi.
Khu vực hố ủ chanh, quất trước khi được đem ra phơi (ảnh to) và chanh, quất sau khi ủ ở dưới hố được đổ ra tấm bạt phơi.
Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã trực tiếp đến UBND phường Đồng Mai, Hà Đông để làm việc. Lần đầu khi chúng tôi đến gặp gỡ và làm việc với ông Lê Quang Thoan, Chủ tịch UBND phường Đồng Mai, ông cho biết, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn phường không còn cơ sở hay xưởng nào ngâm ủ cũng như phơi chanh, quất.
Ngay ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục có cuộc gặp gỡ với ông Thoan thì ông nói: “Nghe mọi người nói lại là vẫn còn một gia đình ở tổ 7 có phơi chanh quất khô chứ không phải là ngâm ủ và phơi từ khi quả còn nước, chỉ phơi những quả khô được lấy từ Hòa Bình về. Năm 2013, 2014 trên địa bàn phường có vài trường hợp các hộ ngâm và ủ chanh quất làm mứt tết nhưng đã được xử lý không tái phạm”.
Mứt bẩn đang là xuất hiện ngày càng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán
Khi chúng tôi hỏi về 2 cái hố ủ chanh, quất (theo ghi nhận của PV trước lúc gặp ông Thoan thì 1 hố đang trong quá trình ủ và 1 hố để trống), thì ông Thoan nói “Hai hố đó ngày trước có hoạt động. Tuy nhiên, phường đã nghiêm cấm và không cho ngâm. Bởi đây không phải là hàng cấm, việc người dân mua ở đâu và các sản phẩm này cung cấp đi đâu thì phường cũng không nắm được. Thường là công việc bùng phát, người dân thấy có lợi nhuận họ lại làm”.
Những gì ông Thoan cung cấp và trao đổi với PV hoàn toàn trái ngược với thực tế đang diễn ra. Theo khảo sát của PV, tại bãi phơi hàng tấn chanh, quất ướt, chảy nước lênh láng từ phía trong bạt ra ngoài và hố ủ vẫn đang được chủ hộ sử dụng… Tuy nhiên, vị chủ tịch này khẳng định hộ dân ở đây chỉ mua hàng khô về phơi chứ ko có phơi quất ướt và không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Mứt Tết là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Trong hộp mứt tết có nhiều loại như: mứt dừa, mứt sen, mứt bí, mứt gừng... và mứt chanh, quất. Mối nguy hại cho sức khỏe từ những sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do nhập khẩu từ nước ngoài hay từ những cơ sở sản xuất thủ công trong khâu chế biến, dùng các loại phụ gia không được phép sử dụng trong ngâm, tẩm ướp, tạo màu sắc bắt mắt đã và đang khiến người dân cảm thấy bất an.
Dù các cơ quan chức năng và các chuyên gia thị trường đã và đang phối hợp thanh kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng mứt Tết, nhưng thực tế những mặt hàng mứt không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh môi trường vẫn len lỏi đi vào thị trường, và được bán ở khắp nơi với hình thức kinh doanh online.
Những loại mức này có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm, do cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nơi phơi nguyên liệu bụi bẩn, thùng xô chậu ngâm mứt cáu bẩn, rồi các loại phụ gia không được phép sử dụng như: hóa chất tẩy trắng, phẩm màu, đường hóa học, hàn the… đều có nguy cơ độc hại với sức khỏe.
Thiết nghĩ, những địa chỉ như nói trên rất cần các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý triệt để, không để thực phẩm bẩn tung ra thị trường có hại cho người tiêu dùng.
Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK