Năm 2020 đi qua, Việt Nam đã thành công với mức tăng trưởng kinh tế 2,91%, trở thành điểm sáng và đứng vào nhóm tốt nhất so với các nước trong khu vực và thế giới.
Năm 2021 tiếp tục khởi đầu trong khó khăn khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở cả trong nước và ngoài nước. Dù nhiều nhận định lạc quan cho rằng, nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển và đạt được những thành tựu vượt bậc, song để đạt mục tiêu đề ra là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%... thì chúng ta phải vượt qua rất nhiều chông gai phía trước.
Cần xác định được những khó khăn, thách thức, từ đó sẽ tìm hướng đi đúng để phát triển. Đây là nội dung mà PV chuyên mục "Trò chuyện Chủ nhật" đã trao đổi với PGS.TS. Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Biến dịch bệnh thành cơ hội để thay đổi cấu trúc nền kinh tế
PV: Thưa ông, chúng ta đã có một năm “vượt vũ môn” thành công. Liệu đây có phải là bàn đạp để chúng ta tiếp tục đạt được những thành tựu mới như mục tiêu đề ra?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Đúng là chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế đáng tự hào dù dịch bệnh khó khăn: Trong khi các nền kinh tế lớn đều tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, là một nền kinh tế có độ mở cao nên dễ chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ cú sốc bên ngoài, nhưng Việt Nam đã “vượt bão” thành công. Đạt được mức tăng trưởng 2,91% có thể được coi là phi thường. Tuy nhiên, có hai điểm cần lưu ý.
Thứ nhất, không nên say sưa ngợi ca nhiều quá. Nền kinh tế ta hãy còn nhiều yếu kém; nhiều doanh nghiệp Việt đang trong tình thế “vật lộn sống còn”, không dễ gì đứng dậy vững vàng khi dịch qua đi.
Thứ hai, kinh tế thế giới còn gay go và nhiều bất trắc lắm, cho dù nền kinh tế mở của ta đã vượt khó “đứt chuỗi toàn cầu” trong năm qua rất tốt. Chính phủ cũng đã cảnh báo rất rõ: Phải hết sức thận trọng trong năm mới bởi khó khăn vẫn còn đó, thậm chí sẽ có nhiều thách thức hơn nữa. Chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong năm cũ, nhưng ngay từ đầu năm mới, dịch bệnh lại bùng phát và đang rất phức tạp.
Với nền kinh tế, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 là rất mạnh, rất nghiêm trọng, nó sẽ ảnh hưởng sâu hơn nữa. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt, cứ để “men say thắng lợi” lấn át sự tỉnh táo thực tế thì nguy cơ đánh mất cơ hội bứt phá, tiến lên là hiển hiện. Phải bình tĩnh để có cách tiếp cận tích cực hơn, biến nguy thành cơ đúng nghĩa để vượt lên.
PV: Ông nói nhiều thách thức hơn, vậy ngoài dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với những khó khăn nào nữa?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Rất nhiều, ví dụ như hạ tầng vẫn thiếu, đầu tư công thì chậm và hiệu quả chưa cao… Đáng quan ngại hơn là cơ chế của chúng ta vẫn còn những nút “thắt”. Cần có cơ chế mở hơn cho các cực tăng trưởng như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… cơ chế ngân sách cho những cực phát triển này cần phải được nới ra để những cực này phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, dù mấy năm nay vĩ mô ổn định tốt, mục tiêu tăng trưởng đặt ra đã thể hiện tầm nhìn về một mô hình tăng trưởng chín chắn hơn, và cũng thể hiện rõ quan điểm lấy ổn định vĩ mô làm trọng chứ không chạy theo thành tích năm sau phải cao hơn năm trước, nhưng ổn định vĩ mô vẫn bị đe dọa bởi nhiều yếu tố, ví như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thì cán cân thương mại của Việt Nam, tỷ giá biến động khó lường, đầu tư hiệu quả thấp, nhiều thị trường bị chặn, nhiều chuỗi bị đứt lắm…
Đó là chưa kể đến một tình huống rất cơ bản nhưng hiện đang ít được chú ý: Cơ chế, chính sách nào cho nền kinh tế số, nền kinh tế công nghệ cao, có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Ta muốn chuyển nhanh sang nền kinh tế hiện đại nhưng không chỉ thiếu lực.
PV: Nhưng thường thì trong nguy có cơ, và thực sự chúng ta cũng có nhiều thuận lợi như kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam trở thành điểm đến của các dòng vốn ngoại…
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Về dòng vốn nước ngoài, với tình hình dịch bệnh và xung đột kinh tế quốc tế như hiện nay, có thể tốc độ rút vốn đầu tư khỏi Trung Quốc của các DN sẽ tiếp tục nhanh hơn. Việt Nam lại đang là vùng đất an toàn cho vốn đầu tư. Vì thế Việt Nam cần phải tính toán lựa chọn để mình trở thành lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư tốt – chứ không phải của mọi nhà đầu tư như từ trước đến nay. Nếu không nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam có thể lỡ mất những dự án đầu tư tốt.
Tôi nhấn mạnh: Đầu tư tốt chứ không phải đầu tư nhiều. Chúng ta đã từng rơi vào tình trạng, khi FDI vào nhiều quá, mà khả năng hấp thụ của ta kém nên gây ra nhiều hệ lụy khác.
Đồng thời, trong năm qua, FDI vào nhiều nhưng cơ cấu FDI đang có vấn đề khá “nghiêm trọng”, đó là tuy dự án đầu tư nhiều nhưng quy mô nhỏ và vốn đầu tư của Trung Quốc tăng nhiều. Đa phần các dự án đầu tư của Trung Quốc là dự án nhỏ, gắn với các DN nhỏ; trong khi dự án nhỏ gắn với công nghệ thấp và chất lượng đầu tư không cao… Vậy nếu Việt Nam không tạo điều kiện để bứt phá mạnh lên thì rủi ro rất lớn.
|
PGS.TS. Trần Đình Thiên. |
Xác định kinh tế tư nhân là trụ cột
PV: Vậy chúng ta phải bứt phá theo hướng nào, thưa ông?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Nền kinh tế thị trường cần 2 thứ. Thứ nhất về nền tảng: Kinh tế thị trường là các thị trường phải phát triển. Thứ 2 là các chủ thể: Động lực, tức là lực động, mà lực động của kinh tế thị trường là tư nhân.
Chúng ta hãy nhìn lại xem, diện mạo đất nước những năm gần đây thay đổi nhiều - đẹp hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn rất nhiều nhờ sự phát triển đúng mạch của đầu tư tư nhân: Vùng cát trắng hoang vu ở Chu Lai khi xưa giờ là khu công nghiệp phức hợp Thaco – Trường Hải sản xuất ôtô, phụ tùng ôtô hiện đại. Bãi lầy Đình Vũ hiện nay sừng sững tổ hợp Vinfast sản xuất ôtô đẳng cấp cao.
Còn khu đất trống Vân Đồn khi xưa giờ là sân bay quốc tế. Và rất nhiều nữa, suốt từ Bắc tới Nam, những bãi cát nham nhở sỏi đá khi xưa, những nơi đầm lầy đất xấu khi trước giờ đây đã là những khu du lịch, là khu đô thị văn minh, hiện đại, những bãi cỏ lau cỏ lác khi xưa giờ là trang trại, là các khu công nghiệp, các nhà máy gắn với các DN tư nhân: FLC, FPT, Mường Thanh, TH, Hòa Phát, Trung Nguyên…
Theo tôi cơ sở cho tăng trưởng năm nay và tương lai cũng là ở lực lượng này. Kinh tế tư nhân đang có đà phát triển rất tốt mà công lớn là nhờ ở đường lối chính sách đã coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cùng với những hành động cụ thể và quyết liệt để giải tỏa các nút thắt phát triển của Chính phủ.
PV: Vâng, kinh tế tư nhân đang được coi trọng, nhưng DNNN, DNFDI cũng quan trọng không kém và cần nên xây dựng thế kiềng 3 chân…
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Trong các chủ thể kinh tế thị trường, khu vực tư nhân phải được coi là quan trọng nhất. Song hiện nay, DN tư nhân vẫn bị “lép vế”, bị phân biệt đối xử. Chúng ta thiếu một chiến lược phát triển lực lượng DN Việt. Lâu nay ta gần như chưa có chiến lược này. Thực tế, ta chỉ chú trọng gia tăng số lượng, chứ không phải phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt. Rất hay là Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến vấn đề này.
Chúng ta phải xác định mỗi DN đều quan trọng, có vai trò riêng, nhưng cần tập trung vào phát triển DN Việt. Việt Nam không thể thành cường quốc kinh tế bằng những tập đoàn nước ngoài mà phải dựa vào tập đoàn bản địa.
Cần xác định cấu trúc dựa trên nền tảng kinh tế tư nhân, được tổ chức theo chuỗi, có trụ cột là các Tập đoàn Kinh tế Việt Nam mạnh. Nếu không, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó sống, khó lớn lắm, do thiếu trụ bám, trụ đỡ. Doanh nghiệp Việt bám vào chuỗi của DN nước ngoài để bứt lên thật sự không dễ dàng.
Giải quyết được vấn đề này là giải quyết được toàn bộ thị trường. Các tập đoàn tư nhân lớn đang tạo những nền tảng phát triển kinh tế của đất nước. Khu vực tư nhân đang góp những nét vẽ quyết định vào bức tranh kinh tế Việt Nam, định dạng tương lai cho nó. Đó là động lực mạnh nhất để Việt Nam bứt phá.
Hãy để DN tư nhân tham chiến, định hình chân dung nền kinh tế Việt một cách sòng phẳng, minh bạch.
PV: Để làm được thế, theo ông phải bắt đầu từ đâu?
PGS.TS. Trần Đình Thiên: Để đạt được mục tiêu đưa ra, tôi cho rằng phải đạt được ba điểm cụ thể.
Thứ nhất, nhận diện vai trò kinh tế tư nhân căn bản hơn, có lý luận hơn. Cách nhìn về cấu trúc kinh tế thị trường Việt Nam phải thay đổi: cần phải khẳng định kinh tế tư nhân là nền tảng, với trụ cột là tập đoàn kinh tế quốc gia mạnh. Có như vậy mục tiêu cho một cường quốc kinh tế tương lai mới đạt được.
Thứ hai, tận dụng thời cơ để đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ - 4.0, lấy kinh tế số làm trục chính. Trước đây, chúng ta coi cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt nhưng không thành công, coi kinh tế tri thức là đích để phát triển cũng không thành. Và bây giờ là cách mạng 4.0, chúng ta không được đánh mất cơ hội này.
Phải nhập cuộc để chiến đấu. Lần này, chúng ta tự tin và vững chắc rất nhiều. Các Trung tâm Đổi mới – Sáng tạo Quốc gia, các Doanh nghiệp Khởi nghiệp Sáng tạo trở thành những đối tượng ưu tiên khuyến khích phát triển cao nhất.
Thứ ba: Thể chế phải tốt. Mấu chốt là bỏ cơ chế xin – cho và phải có các thị trường đúng nghĩa, quan trọng nhất là các thị trường đầu vào, thị trường các nguồn lực. Có thị trường tốt thì mới khuyến khích cạnh tranh tự do, sòng phẳng, không phân biệt đối xử, đề cao tính sáng tạo.
Cần phải nhấn mạnh rằng, yếu tố mấu chốt vẫn là kinh tế tư nhân và phát triển công nghệ. Cuộc khủng hoảng này cũng là cơ hội để Việt Nam vượt lên phát triển cao hơn. Do vậy, chúng ta tuyệt đối không được phép lãng phí nó.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo CAND