Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cai nghiện ma túy

Vấn đề sử dụng, lạm dụng ma túy và đặc biệt là việc sử dụng ma tuý dạng đá, ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Tại buổi tọa đàm “Hiểm họa của ma túy và hành động của chúng ta” do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tại Hà Nội sáng 14-6, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Tính đến tháng 12-2016, cả nước có hơn 200.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Lứa tuổi sử dụng ma tuý chủ yếu tập trung ở thanh niên dưới 35 tuổi. Đây là lực lượng lao động chính của xã hội, gia đình và có đến 8% người sử dụng lệ thuộc vào ma túy ở tuổi vị thành niên, học sinh. 70% số xã có người nghiện ma túy. 100% tỉnh và huyện có người nghiện ma túy.

Theo nghiên cứu của SCDI, ở 3 thành phố lớn thì có tới hơn 20% người nghiện bị chính gia đình mình kỳ thị; hơn 40% cảm thấy bị coi thường; 65,9% người nghiện lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình sử dụng ma túy; 67,8% cho rằng, nếu không sử dụng ma túy sẽ có cơ hội tốt hơn, nhưng tỷ lệ người nghiện đi điều trị lại rất thấp, như Hà Nội là 7,1%; TP Hồ Chí Minh gần 20%; Hải Phòng là 10,1%.

Trước năm 2013, thực hiện quy định của pháp luật, 60/63 tỉnh, thành phố thành lập 123 cơ sở cai nghiện bắt buộc với quy mô tiếp nhận khoảng 80.000 người và hằng năm tiếp nhận khoảng 50.000 đến 60.000 người vào cai nghiện. Tuy nhiên, có tới hơn 90% số người cai nghiện trở về cộng đồng tái nghiện sau khi chấp hành cai nghiện bắt buộc ở cơ sở cai nghiện từ 1 đến 2 năm. Số người nghiện không ngừng gia tăng bình quân năm sau cao hơn năm trước khoảng 6-8%. Nhiều loại ma tuý mới xuất hiện như: ATS, cỏ mỹ, tem cười… gây phức tạp thêm số người và dạng nghiện.

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục PCTNXH, thì nguyên nhân tái nghiện là do cai nghiện chưa bảo đảm quy trình, bởi cai nghiện là quá trình lâu dài, có người suốt đời. Vì vậy, sau khi trở về cộng đồng nếu không được tiếp tục giúp đỡ thì rất khó cai nghiện thành công. Cục trưởng Cục PCTNXH cũng đưa ra một số bất cập đang tồn tại hiện nay là người đi cai nghiện bắt buộc thì được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí còn tự nguyện thì không.

Cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, ngày 27-12-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2596/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020 với quan điểm coi nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ; điều trị cai nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của người nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép; thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị bao gồm tăng dần điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và giảm dần điều trị bắt buộc tại các trung tâm. Nhà nước đầu tư nguồn lực và có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác dự phòng và điều trị nghiện, hỗ trợ điều trị nghiện cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.

Theo ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục PCTNXH, thực hiện đề án, số người tái nghiện sau khi cai nghiện tự nguyện đã giảm. Triển khai thực hiện đề án, nhiều địa phương xuất hiện những mô hình cai nghiện hiệu quả, như: Chương trình về giúp đỡ hồi gia tại Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh; hoạt động của nhóm Hải Đăng trong các can thiệp cho người sử dụng ma túy tại Hải Phòng; mô hình quân dân y kết hợp tại các xã biên giới thuộc tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương mình, ông Trần Quốc Thông, quyền Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Khánh Hòa đã thành lập được 6 điểm tư vấn, điều trị cho người nghiện ma túy do SCDI hỗ trợ toàn bộ chi phí. Các điểm tư vấn này phát huy hiệu quả rất tốt. Người nghiện được điều trị trong môi trường mở có người thân đến chăm sóc, hỗ trợ; điểm tư vấn không chỉ điều trị cắt cơn mà còn tiếp tục hỗ trợ sau điều trị. Đây cũng là nơi kết nối các chương trình dạy nghề, vay vốn tạo việc làm để người nghiện có việc làm ổn định; có sự hỗ trợ tích cực của Nhóm Tự lực để kết nối giữa người nghiện với điểm tư vấn; bảo đảm được bí mật thông tin cho người nghiện và gia đình cảm thấy yên tâm. Dự kiến đến năm 2018, Khánh Hòa sẽ thành lập 4 điểm tư vấn mới. Năm 2019 thêm 2 điểm và đến năm 2020 duy trì 12 điểm tư vấn trong toàn tỉnh".

Ông Lê Văn Khánh, Phó cục trưởng Cục PCTNXH khẳng định: Nghiện ma túy có thể điều trị được, nhưng phải thực hiện đồng bộ giữa cơ sở cai nghiện, gia đình và toàn xã hội, có phương pháp phù hợp với nhu cầu từng người nghiện để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, giảm tác hại liên quan đến ma túy. Ông Khánh đề xuất, nên thành lập cơ quan chuyên môn chuyên cai nghiện ma túy, chứ không phải giao cho chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm như hiện nay.

Để công tác cai nghiện mang lại hiệu quả, chất lượng cao và có chiều sâu, theo các chuyên gia, nhà quản lý, cần phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền để thống nhất quan điểm nghiện ma túy là bệnh mãn tính, cai nghiện là thực hiện đồng bộ các can thiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của người nghiện. Bảo đảm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho học viên trong thời gian chấp hành cai nghiện tại cơ sở cai nghiện. Nhà nước, địa phương ban hành cơ chế chính sách đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện; nghiên cứu ban hành quy chế quản lý người nghiện trong cơ sở cai nghiện theo hướng thân thiện và thực hiện quyền công dân; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới…

Nguồn tin: Báo điện tử QĐND
Biên tập: Nguyễn Cường

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi