Thứ Bảy, 23/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tiết kiệm 50 tỷ đồng nhờ ứng dụng dữ liệu dân cư trong nộp hồ sơ thi đại học 2022

 Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh: "Cán bộ công chức phải có nhận thức đầy đủ về tinh thần “phục vụ” chứ không phải “ban phát”

Sáng 20/11, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công An, UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông: Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”.

Tham dự tại điểm cầu ở UBND TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải; Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan; Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam Tô Anh Dũng… Tại đầu cầu trực tuyến tỉnh Hà Nam có sự tham dự của Phó Chủ tịch tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng; hội nghị còn được trực tuyến đến đầu cầu các quận, huyện, thị xã của Hà Nội và Hà Nam.

Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, tại hội nghị triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tổ chức ngày 18/1/2022 đã nhấn mạnh Đề án gồm 5 hệ sinh thái, phân công 47 đầu việc của Trung ương, 8 đầu việc của địa phương.

Đề án 06 được Chính phủ ban hành trên cơ sở đã hoàn thành bước đầu dự án về thu thập dữ liệu dân cư quốc gia và dự án về sản xuất, quản lý, cấp thẻ căn cước công dân.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, với Luật cư trú sửa đổi, đây là những dữ liệu gốc và dữ liệu cốt lõi để cùng các nhóm dữ liệu đã xác định phát triển trong kinh tế-xã hội, văn hoá, an ninh quốc phòng…

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, tại hội nghị đánh giá 6 tháng về Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá đây là đề án vô cùng quan trọng cho đất nước trong tình hình mới. Ở các cuộc cách mạng công nghệ trước Việt Nam chưa kịp tham gia, đến cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 này, nước ta đang chủ động và tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Thứ trưởng Bộ Công an điểm lại mốc ngày 3/5/2022, lần đầu tiên Ban chỉ đạo Đề án 06 của Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT ứng dụng dữ liệu dân cư vào căn cước công dân gắn chip để thí sinh nộp hồ sơ online tại nhà.

Khoảng 1 triệu thí sinh đăng ký thi Đại học năm nay đã không phải dùng ảnh để dán vào hồ sơ mà xác thực qua căn cước công dân, điều này đã lợi cho xã hội 50 tỷ đồng. Quan trọng hơn hồ sơ ở các năm trước nếu có sai sót sẽ phải đến địa điểm đăng ký dự thi đính chính chính lại, nhưng hiện nay nếu sai sót chỉ cần thực hiện đính chính trên môi trường điện tử.

Tiếp theo đó, ngày 20/5, đã thực hiện phân cấp cho hơn 2 nghìn xã trên địa bàn toàn quốc thực hiện đăng ký xe tại cấp xã; ngoài ra tổ chức làm hộ chiếu online tại nhà…

Trên tinh thần kết quả như vậy, với nhiệm vụ phát triển 25 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06, Thủ tướng đã chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm sẽ đẩy mạnh hoàn thành 25 dịch vụ công trực tuyến, trong đó nòng cốt là 2 nhóm TTHC liên thông: Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”.

Với sự nỗ lực rất lớn của các Bộ, ngành, đặc biệt là Hà Nội và Hà Nam, Ban chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã thống nhất triển khai thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, muốn triển khai nhiệm vụ này phải làm rõ được nhận thức của các bộ, công chức tại 4 cấp để làm sao phục vụ người dân tiện lợi nhất, người dân cũng phải hiểu được sự tiện lợi được hưởng, giảm thời gian so với đến làm TTHC trực tiếp, bên cạnh đó độ chính xác khi thực hiện TTHC online rất cao…

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh: “Muốn tạo nhận thức như vậy, cán bộ công chức phải có nhận thức đầy đủ về tinh thần phục vụ chứ không phải ban phát. Tất cả Chính phủ phục vụ nhân dân qua các cơ quan công quyền và công cụ phục vụ nhân dân…”.

Về quá trình triển khai 2 nhóm TTHC liên thông này, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, những ngày đầu triển khai sẽ rất vất vả, khó khăn, có thể có trường hợp vẫn phải làm trực tiếp để tháo gỡ dữ liệu chưa có…

Tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị 2 địa phương phải theo sát từng giờ, giải đáp khó khăn, vướng mắc của cơ sở. Quan trọng hơn khi đã nhận thức đầy đủ thì các giải pháp phải thông minh, linh hoạt, tự tin thì mới tạo được hiệu quả cao nhất là niềm tin của xã hội, niềm tin của nhân dân vào dịch vụ công trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị cán bộ, công chức mạnh dạn bỏ công việc thủ công hàng ngày sang ứng dụng công nghệ để phục vụ ngày càng tốt hơn cho xã hội, cho nhân dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số thành công tại Việt Nam...

Nguồn: Báo An ninh Thủ đô

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi