Trong đó phải kể đến tổ chức, chỉ huy bảo đảm và vai trò của hậu phương chi viện hậu cần cho tiền tuyến. Đây có thể coi là một trong những nhân tố cơ bản, hết sức quan trọng quyết định đến thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nó khẳng định năng lực, tài trí tổ chức, chỉ huy điều hành và vai trò của hậu phương, đặc biệt là vai trò của hậu phương tại chỗ, ở khắp nơi, chi viện hậu cần cho tiền tuyến, đã tạo nên một thế trận lợi hại của chiến tranh nhân dân.
Ngày 7/5/1954, ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của QĐND Việt Nam anh hùng
tung bay trên nóc hầm Đờ Cát-tơ-ri, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng.
Ảnh tư liệu
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vấn đề tổ chức, chỉ huy và vai trò của hậu phương chi viện hậu cần cho tiền tuyến đã phát huy sức mạnh tổng hợp của hậu phương, hậu cần địa phương, của hậu cần toàn dân và vai trò nòng cốt của hậu cần Quân đội để đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu hậu cần cho chiến dịch; đã tạo lên một kỳ tích trong lịch sử bảo đảm hậu cần trong tác chiến, tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp ở chiến trường Đông Dương.
Chúng ta biết rằng công tác bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ cực kỳ khó khăn phức tạp, diễn ra ở địa bàn vùng rừng núi hiểm trở, giao thông khó khăn, thời tiết khắc nghiệt. Chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch trên một khu vực có thể nói là sâu nhất của chiến trường rừng núi Tây Bắc, xa hậu phương chiến lược, địch đánh phá ác liệt; phải bảo đảm cho chiến dịch có qui mô lớn nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thời gian chiến dịch kéo dài. Công tác hậu cần trực tiếp bảo đảm cho các lực lượng của ta tác chiến suốt 55 ngày đêm (từ 13/3/1954 đến 7/5/1954), không kể thời gian chuẩn bị, trong điều kiện lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật của ta hết sức khó khăn, kinh nghiệm tổ chức, chỉ huy bảo đảm hậu cần cho chiến dịch với quy mô lớn còn hạn chế.
Về tổ chức, chỉ huy
Để bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã chỉ thị thành lập Hội đồng cung cấp Trung ương và Hội đồng cung cấp liên khu. Hội đồng cung cấp Trung ương do đồng chí Phạm Văn Đồng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng làm chủ tịch. Hội đồng cung cấp liên khu do chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính, kiêm bí thư Đảng làm chủ tịch hội đồng. Trong chiến dịch có 4 liên khu gồm: Liên khu Việt Bắc, Tây Bắc, 3, 4 để huy động nhân lực, vật lực cho chiến dịch. Như vậy về tổ chức, chỉ huy bảo đảm cho chiến dịch được Đảng lãnh đạo, chính quyền các cấp từ Chính phủ xuống các Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp thực hiện. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng
quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Về tuyến cung cấp, được tổ chức thành 2 tuyến gồm: Tuyến chiến lược và tuyến chiến dịch. Tuyến chiến lược do Tổng cục cung cấp và Hội đồng cung cấp mặt trận các liên khu Việt Bắc, 3 và 4 đảm nhiệm. Tuyến chiến dịch do Tổng cục cung cấp tiền phương và Hội đồng cung cấp liên khu Tây Bắc đảm nhiệm. Đồng chí Phạm Kim Giang - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp được chỉ định là Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch; đồng chí Nguyễn Thanh Bình Cục trưởng Cục Quân nhu làm phó chủ nhiệm. Các đồng chí Cục trưởng Vận tải, Quân y, và một số cục phó trong Tổng cục Cung cấp đều đi chiến dịch để chỉ huy, điều hành cơ quan thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cho chiến dịch “chỉ được đánh thắng” theo chỉ thị của Bác Hồ.
Để tổ chức, chỉ huy chặt chẽ, Tổng Quân uỷ đã chỉ thị cho các đơn vị chấn chỉnh tổ chức, biên chế cơ quan, cơ sở hậu cần từ cấp chiến lược xuống đến đơn vị cho phù hợp tinh gọn hơn. Hậu cần chiến lược đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức, biên chế mới, điều chỉnh vị trí các căn cứ hậu cần không để phân tán và ở trong rừng sâu, mà triển khai ra tiếp cận tuyến đường vận tải chiến lược để sẵn sàng bảo đảm cho các hướng chiến dịch, tập trung cho hướng tây Bắc. Về tổ chức mạng đường vận tải cơ giới, Tổng cục Cung cấp đã đề nghị Tổng Quân uỷ đề nghị Chính phủ giao cho ngành Giao thông Công chính và Uỷ ban kháng chiến, Hội đồng cung cấp liên khu sửa chữa và mở đường để chuẩn bị cho chiến dịch.
Về tổ chức bảo đảm vật chất: Hậu cần chiến lược đã cử nhiều đoàn cán bộ đi xuống các địa phương để nghiên cứu, nắm tình hình khả năng cung cấp của các địa phương và hợp đồng với các cơ quan nhà nước để để nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cho địa phương chuẩn bị nhân lực, vật lực phục vụ cho chiến dịch.
Qua việc tổ chức, chỉ huy bảo đảm hậu cần cho chiến dịch thể hiện rất chặt chẽ, tập trung thống nhất, chỉ đạo, hiệp đồng chặt chẽ thông suốt từ Trung ương đến địa phương, giữa hậu cần chiến lược với chiến dịch, các đơn vị các tuyến; giữa hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân tại chỗ …Chỉ huy linh hoạt, sáng tạo, vận dụng các hình thức tổ chức, chỉ huy cho phù hợp, bám sát đơn vị, bám sát chiến trường, coi trọng thực tiễn, xử lý kịp thời các mặt bảo đảm hậu cần theo yêu cầu của chiến dịch trong mọi tình huống.
Về vai trò của hậu phương chi viện hậu cần cho tiền tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Khi quyết định chọn chiến dịch Điện Biên Phủ làm chiến dịch quyết chiến chiến lược, cuộc đọ đầu lịch sử với Quân đội Viễn chinh Pháp trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mặc dù nhận thấy rất rõ những khó khăn, thách thức lớn mà quân và dân ta phải đối mặt. Đặc biệt là cung cấp, tiếp tế, vận chuyển vật chất hậu cần, chuyển thương; hậu phương xa tiền tuyến, nhưng Bộ Chính trị, Bác Hồ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã rất tin tưởng, đánh giá rất đúng và trúng vai trò của hậu phương chi viện hậu cần cho tiền tuyến bảo đảm cho chiến dịch nhất định thắng lợi.
Đội hình vận tải bằng xe thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
Khi đánh giá về vai trò của hậu phương chi viện hậu cần cho tiền tuyến trong chiến dịch Điện Biên phủ, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 khoá II tháng 5/1957 đã khảng định “Hậu phương vững chắc là nhân tố quan trọng bậc nhất quyết định thắng lợi của kháng chiến”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Bọn đế quốc, phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của một dân tộc, sức mạnh của nhân dân” và khẳng định “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề cung cấp lương thực, thực phẩm, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém về tác chiến; khó khăn về cung cấp không kém khó khăn về tác chiến và công tác cung cấp là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi”.
Để bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng. Tổng cục Cung cấp đã phối hợp với Hội đồng cung cấp từ Trung ương tới các liên khu để bảo đảm cung cấp sức người, sức của cho chiến dịch. Trong đó, hậu phương đã chi viện hậu cần cho tiền tuyến tổng số 26.880 tấn lương thực, thực phẩm, 1450 tấn đạn, phối hợp với lực lượng quân y cứu chữa 10.139 thương binh và 4489 bệnh binh. Trong đó phải kể đến khả năng khai thác nguồn tại chỗ. Chính Điện Biên Phủ là nguồn tại chỗ có vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc và đã huy động được trên 7000 tấn gạo, chiếm gần 50% lương thực tiêu thụ cho lực lượng chiến đấu. Hình ảnh người dân gặt lúa rồi để từng đống ngoài đồng để đêm bộ đội ra lấy về sử dụng, đó là hình ảnh sinh động nhất về hưởng ứng lời kêu gọi “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả cho toàn thắng của chiến dịch”.
Có thể nói, chưa bao giờ có được sự chi viện của hậu phương về hậu cần cho tiền tuyến rầm rộ như vậy. Hàng vạn, hàng triệu người từ khắp mọi xóm làng, miền xuôi, miền ngược ở cả vùng tự do cũng như vùng địch tạm chiếm dồn sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng quân thù.
Chi viện hậu phương về hậu cần cho tiền tuyến còn thể hiện trên mặt trận khó khăn nóng bỏng nhất là công tác vận tải. Trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch đã huy động lực lượng thanh niên xung phong, dân công cùng với bộ đội đã làm được 89km đường mới, sửa chữa, nâng cấp 500km đường. Trong chiến dịch đã huy động hơn 33.300 dân công tham gia làm đường và vận tải trên các tuyến. Trong đó có đến 15.000 dân công hoả tuyến và 20.911 xe đạp, làm xe thồ của dân công mang theo để vận tải, hơn 7000 xe cút kít, 1800 xe trâu, bò kéo các loại, 325 xe ngựa và các loại phương tiện thô sơ khác. Trong cuốn “Mắt thấy tại Việt Nam” có ghi lại lời than thở của một sĩ quan cao cấp Quân đội Pháp: "Than ôi! máy bay của chúng ta lại thua đôi bồ dân công của Việt Minh”. Hay đại tá Giuyn Roa người Pháp đã viết “…và không phải viện trợ của Trung Quốc đánh bại tướng Na va mà đó là những chiếc xe đạp Pơgio chở 200 - 300kg hàng do những dân công ăn không đủ no, ngủ trên những tấm ni nông trải ngay trên mặt đất …và lòng quyết tâm chiến thắng của đối phương”.
Có thể nói rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, tổ chức, chỉ huy và huy động hậu phương chi viện hậu cần cho tiền tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ hết sức chặt chẽ, linh hoạt, đã huy động được sự đồng tình, hưởng ứng, giúp đỡ rất to lớn của các cấp, các ngành, nhân dân các địa phương, để bảo đảm đầy đủ, kịp thời, liên tục nhu cầu về hậu cần cho các lực lượng tham gia chiến dịch, giành thắng lợi hoàn toàn. Đặc biệt vai trò của hậu phương chi viện cho tiền tuyến; nó không chỉ huy động về nhân tài vật lực mà hậu phương còn là sức mạnh tổng hợp, bao gồm cả yếu tố tinh thần, văn hoá (lòng yêu nước nồng nàn, truyền thống anh dũng đánh giặc giữ nước, chí căm thù địch sâu sắc của quần chúng nhân dân. Cùng với nghệ thuật lãnh đạo, tổ chức, chỉ huy của bộ máy chỉ đạo chiến tranh vô cùng tài trí, linh hoạt, sáng tạo trong huy động sức người, sức của cho tiền tuyến đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu “ Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Thắng lợi vĩ đại trong chiến dịch Điện Biên phủ, trước hết khẳng định tính đúng đắn đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức, chỉ huy chặt chẽ, đánh giá đúng vai trò của hậu phương, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, huy động được sự chi viện hết sức to lớn của hậu phương về hậu cần cho tiền tuyến trong chiến dịch để giành thắng lợi hoàn toàn.
Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước đang có những diễn biến, phức tạp khó lường. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố, tranh giành tài nguyên đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, tính chất phức tạp ngày càng tăng. Trong điều kiện mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, nếu chiến tranh xảy ra, chúng ta sẽ phải tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, với nghệ thuật và cách đánh của Việt Nam. Trong đó những vấn đề về tổ chức, chỉ huy, huy động hậu phương chi viện hậu cần cho tiền tuyến trong chiến dịch Điện Biên phủ là những vấn đề rất cốt lõi cần được nghiên cứu, vận dụng một cách sáng tạo trong tình hình hiện nay.
Để làm tốt được điều đó, cần tập trung giải quyết mấy vấn đề chủ yếu sau:
- Một là, phải quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân, hậu cần nhân dân của Đảng. Phải nhận thức đúng, đầy đủ vai trò của tổ chức, chỉ huy, vai trò của hậu phương trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần. Triệt để dựa vào nhân dân, dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Làm cho mỗi bước phát triển của kinh tế cũng chính là tăng cường tiềm lực quốc phòng, tiềm lực xây dựng hậu phương. Khi xảy ra chiến tranh có thể nhanh chóng chuyển nền kinh tế từ thời bình sang thời chiến, vừa bảo đảm cho chiến đấu, vừa tiếp tục sản xuất, ổn định đời sống, để tiếp tục bảo đảm cho nhu cầu của chiến tranh.
- Hai là, coi trọng xây dựng hậu phương chiến lược gắn với xây dựng hậu phương tại chỗ vững mạnh. Công tác hậu cần và ngành Hậu cần Quân đội phải triệt để dựa chắc vào nguồn hậu phương đất nước, nguồn hậu cần nhân dân, phải có kế hoạch cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Chính phủ để xây dựng kế hoạch huy động tiềm năng của đất nước, của từng địa phương sẵn sàng bảo đảm nhu cầu về hậu cần và động viên cho chiến tranh nếu xảy ra. Đồng thời phải hết sức chú trọng xây dựng hậu cần Quân đội vững mạnh cả về tổ chức, chỉ huy, lực lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật để làm nòng cốt bảo đảm hậu cần cho tác chiến.
- Ba là: Xây dựng căn cứ hậu phương phải toàn diện về mọi mặt, cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá với quy mô ngày càng lớn và hoàn chỉnh. Phải nghiên cứu tổ chức, bố trí các lực lượng cho phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng lực lượng hậu cần với xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, xây dựng thế trận hậu cần nhân dân vững mạnh, rộng khắp. Kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần Quân đội với hậu cần địa phương và hậu cần nhân dân và phải có cơ chế điều hành thống nhất, hợp lý để tạo được sức mạnh tổng hợp. Chủ động, có kế hoạch xây dựng, cải tạo địa hình, khai thác các hang động tự nhiên, xây dựng hệ thống công sự, trận địa phòng thủ, cơ sở bảo đảm hậu cần, kỹ thuật bảo đảm tính liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, bảo đảm bí mật bất ngờ. Phải quán triệt tinh thần tự lực, tự cường, phát huy nội lực của từng ngành, từng đơn vị, địa phương.
- Bốn là: xây dựng căn cứ hậu phương, phù hợp với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Xây dựng căn cứ hậu phương, phải bảo đảm được cho mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang nhân dân trong khu vực phòng thủ hoặc hướng chiến trường đảm nhiệm. Vì vậy, phải xây dựng, chuẩn bị ngay từ thời bình, trên cả nước, đặc biệt trên các hướng chiến lược, địa bàn chiến lược, gắn với địa bàn tác chiến phòng thủ của các quân khu và hậu phương tại chỗ của các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), bảo đảm tác chiến lâu dài. Có kế hoạch cụ thể khai thác, tạo nguồn bảo đảm, biện pháp chống hư hỏng, xuống cấp vật tư, trang bị, vật chất hậu cần, kỹ thuật; duy trì, bảo đảm mạng đường giao thông, vận tải, y tế, bưu điện, kho tàng. Phải coi trọng và có kế hoạch bảo vệ hậu phương, bảo vệ căn cứ hậu phương. Quá trình xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần phải nghiên cứu phân bố hợp lý trên các vùng, miền của đất nước đất, vừa phát huy hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội , vừa bảo đảm sử dụng cho quốc phòng - an ninh trong mọi tình huống./.
TS. Nguyễn An Tiêm
Đại tá Vũ Xuân Phác
Trích nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK