Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Từ người làm thuê thành nhà nông tiêu biểu

Sau nhiều năm gắn bó với nghề trồng lúa nước ở quê nhà Thái Bình những vẫn thiếu trước hụt sau, năm 1997, ông Trần Ngọc Hòa đưa cả gia đình vào Đà Lạt sinh sống bắt đầu từ nghề làm thuê. 

Ông Hòa véo von: “Hồi mới vào, vợ chồng tôi đi làm thuê. Thú thực, làm hoa khó và kỳ công hơn trồng lúa nước rất nhiều!..”. Chính thời gian “học việc được trả lương” này đã giúp vợ chồng ông Hòa tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật trong việc trồng và nhân giống các loại hoa cúc. 

Cùng với công việc làm thuê, cặp vợ chồng quê Thái Bình còn mạnh dạn mướn đất để trồng rau, hoa nhằm tăng thêm thu nhập, nuôi các con ăn học. Chẳng bao lâu vườn cúc đã tràn ngập sắc vàng, tới kỳ thu hoạch.

Cứ thế, sự cần mẫn, không ngại gian khổ, quyết chí vươn lên trên vùng đất mới của gia đình ông Hòa rồi cũng được đền đáp xứng đáng. Sau 3 năm làm thuê, tích lũy được một khoản tiền kha khá, vợ chồng ông Hòa mua được 5.000m² đất ở thôn Măng Line, phường 7, TP Đà Lạt. 

Với kinh nghiệm trồng hoa cúc học được, vợ chồng ông Hòa nhanh chóng biến khu đất hoang hóa vừa mua thành mảnh vườn màu mỡ với những luống cúc quanh năm xanh tốt mơn mởn. 

Đến nay, gia đình ông Trần Ngọc Hòa đã sở hữu hai trang trại chuyên nhân giống và trồng hoa cúc thương phẩm áp dụng công nghệ cao với diện tích lên tới 4ha, tại tổ dân phố Măng Line và Đa Phú, phường 7, TP Đà Lạt. 

Hiện nay, chỉ tính riêng giống hoa cúc, mỗi tháng, gia đình ông Hòa cung cấp ra thị trường ít nhất 2 triệu cây, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục người xa quê có hoàn cảnh khó khăn. 

Cùng với đó, ông Hòa cũng không ngại hỗ trợ các gia đình về kỹ thuật chăm sóc hoa cúc, “bắt” các loại bệnh để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả, cùng nhau từng bước nâng cao chất lượng loại hoa này.

Ông Trần Ngọc Hòa tại vườn ươm.

Với mong muốn nâng cao năng suất, chất lượng và đầu ra cho hoa cúc ngày càng ổn định, ông Trần Ngọc Hòa đã cùng một số hộ dân khác thành lập Hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc hoa cúc Măng Line. 

Năm 2019, hội được đổi tên thành Tổ hợp tác trồng hoa cúc theo hướng công nghệ cao do ông Hòa làm tổ trưởng. Tổ hợp tác có 134 hộ nông dân tham gia với diện tích trồng hoa lên đến 60ha, tạo công ăn việc làm cho hơn 400 lao động.

Theo ông Trần Ngọc Hòa, số tiền đầu tư và thu nhập của ông có tỷ lệ 50/50. Giá hoa cúc chỉ cần bán được khoảng 1.500 đồng/cành thì 1 sào mỗi năm ông Hòa có thu nhập 180 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. 

Không chỉ làm giàu cho gia đình, nhận thấy Đà Lạt là vùng đất khí hậu thuận lợi, có tiềm năng phát triển kinh tế, ông Hòa đã giúp đỡ nhiều người từ vùng quê Thái Bình vào Đà Lạt lập nghiệp.

Những người còn khó khăn, ông sẵn sàng tạo điều kiện để họ làm việc ngay trong trang trại của gia đình mình. Đến nay, đã có hơn 60 hộ được ông Trần Ngọc Hòa hướng dẫn vào Đà Lạt lập nghiệp, làm ăn, sinh sống.

Năm 2020, ông Trần Ngọc Hòa được bình chọn là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Còn với người dân địa phương và những gia đình đã được ông giúp đỡ, lão nông này không chỉ là người truyền cảm hứng, một hình mẫu cho người trồng hoa cúc vươn lên làm giàu mà còn là bậc thầy lão luyện, làm chủ trong tay kỹ thuật và hàng chục phương pháp điều trị bệnh sâu bệnh trên cây hoa cúc, đảm bảo loài hoa này khi tới tay người tiêu dùng đạt chất lượng tốt nhất.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi