Chủ Nhật, 24/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tưởng niệm và lắng nghe

Khi ấy nghe xong, tôi đã không hỏi thêm anh ta vì không muốn sự thắc mắc của mình làm tan loãng cảm xúc ấy mà đứng dậy đi bộ dọc công viên. Chính từng bước chân đã giúp tôi dần ngộ ra từng lớp lang ý nghĩa của câu chuyện đó. Suy cho cùng, sự im lặng đâu phải là một bí ẩn hay một sự trống rỗng mà đó là câu trả lời vang lên trong tâm hồn mỗi chúng ta. Chỉ cần ta biết cách để lắng nghe…

20h30’ ngày 19/11/2021, nhiều nơi trên cả nước tắt đèn, thắp nến tưởng nhớ hơn 23 ngàn đồng bào đã mất vì COVID-19. Trên mạng xã hội, hình ảnh về ngọn nến tưởng niệm trong đêm đã được xuất hiện nhiều lần như một hiệu ứng lan toả của sự lặng lẽ và sâu lắng. Tôi tin, đó không phải là sự lan tràn một trend nào đó như ta vẫn thường thấy mà từ sự thành tâm của rất nhiều người. Chúng ta nghiêng mình trước hơn 23 ngàn đồng bào đã tử vong, chúng ta đang cúi đầu nhìn vào ngọn nến, lắng nghe tiếng lòng mình. Tôi không thấy bóng tối và lễ tưởng niệm gợi một điều gì đó bi luỵ mà đó mới là sợi dây gắn kết giữa hai thế giới, hơn 23 ngàn đồng bào vẫn đồng hành với chúng ta trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.

Tưởng niệm và lắng nghe -0
Lễ thắp nến tưởng nhớ những người đã nằm xuống vì đại dịch COVID-19.

Ở nhiều nước trên thế giới cũng đã diễn ra lễ tưởng niệm những người đã ngã xuống trong chiến tranh, trong thiên tai, trong các vụ xả súng tàn sát dân lành… bằng những cách thể hiện khác nhau, con người cùng cúi đầu tưởng nhớ những gì không thể lấy lại được và nắm chặt tay nhau hướng đến tương lai.

Thông thường, những lễ tưởng niệm còn là sự thanh lọc tâm hồn, cảnh tỉnh chính những người đang ở bờ vực của tội ác kịp “quay đầu là bờ”. Nhưng, với lễ tưởng niệm này còn mang một ý nghĩa khác. Khi quyền độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các nước trên thế giới ngày càng được tôn trọng, quyền con người được đề cao, hội nhập và toàn cầu hoá trở thành xu thế phát triển… thì sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 là một sự huỷ hoại ghê gớm. Không chỉ gây tử vong ở người, COVID-19 còn huỷ hoại những giá trị mà các phát minh, các công trình khoa học mà nhiều thế hệ, nhiều nền văn hóa đã chung tay vun đắp. Nhiều người trong số chúng ta hôm qua đã không thể tiễn đưa người thân mất vì COVID-19; học sinh, sinh viên đã không thể đến trường, nhiều em bé đang có gia đình ấm áp bỗng trở thành trẻ mồ côi; các lễ hội văn hoá phải dừng tổ chức, thậm chí những người hàng xóm không thể gặp mặt nhau…

Dịch bệnh gây tử vong ở người luôn là mối đe doạ đáng sợ nhất trong lịch sử nhân loại. Trên thực tế, với con số 5,13 triệu người tử vong trên thế giới, các quốc gia, các dân tộc đều phải đau xót tiễn đưa những công dân của mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng, sự ra đi của họ không vô nghĩa, bởi điều đó đã thôi thúc các nhà khoa học tìm ra những “vũ khí y học” và thức tỉnh trong mỗi người chúng ta tình đồng loại, nghĩa đồng bào và giá trị của sự sống.

Cũng như câu chuyện của người bạn đã từng nói với tôi trong công viên, không ít nhiều người trong số các nạn nhân của COVID-19 là y, bác sĩ, là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, những người mẹ, người cha… Dù ở vị trí nào, tuổi tác và tình trạng sức khỏe nào thì họ cũng đã chiến đấu với dịch bệnh kiên cường đến hơi thở cuối cùng. Sự dũng cảm của họ gợi cho ta nghĩ đến những câu trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” mà nhà nho Nguyễn Đình Chiểu đã viết từ năm 1861: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh”. Họ vẫn tồn tại trong suy nghĩ của chúng ta, đó là điều không thứ dịch bệnh nào hủy hoại được.

Con người sinh học chính là gốc gác, là cội nguồn của mọi sự phát triển. Ở một góc nhìn khác, bệnh dịch giúp chúng ta hiểu ra được phần sinh học, bản thể đó. Hay nói cách khác, chúng ta có thể lắng nghe được những điều tưởng như vô vọng và bi thảm, có lẽ hơn lúc nào hết, câu nói của Marie Curie mang một ý nghĩa như thế: “Cuộc sống không phải để sợ, mà là để hiểu. Đây chính là lúc chúng ta cần phải tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống để làm vơi bớt mọi nỗi sợ hãi”.

Nếu cho rằng, khái niệm “hiểu” và “sợ” trong câu nói của nhà bác học người Pháp tựa như bệnh dịch và liều thuốc đặc trị thì những giây phút nhân loại cúi đầu tưởng nhớ những đồng loại của mình chính là sự giác ngộ cao nhất. Con người đã tìm ra lửa để đối đầu với thú dữ, để mở cánh cửa bước vào thời kì văn minh, để chống lại bóng tối của sự sợ hãi. Con người đã sáng tạo ra tiếng nói để giao tiếp, để mô tả, khái quát và phân tích thế giới này. Con người luôn ngẩng cao đầu để vươn lên, con người đã tìm cách tiếp cận các hành tinh và sáng lập các hệ sinh thái để kết nối thế giới này thành một hành tinh số hoá…

Sau chừng ấy nỗ lực, con người lại cúi đầu, im lặng, tạm tắt mọi ánh sáng náo nức để nhìn vào ngọn nến tâm tưởng trong bàn tay của mình. Bởi lẽ, chỉ có con người chứ không một thiết bị nào khác có thể lắng nghe được những điều mà bao người ngã xuống muốn nhắn gửi; bao hy vọng mà họ gửi lại trước khi đi vào cõi lặng im: ấy là sự “hiểu” mà Marie Curie nhắc đến, là những liều “vaccine” không chỉ để phòng Sars-CoV-2 mà còn để con người tránh các cuộc chiến tranh, sự tàn phá huỷ hoại môi trường, hướng đến các phát minh mang giá trị nhân văn và yêu thương nhau hơn…

Tưởng niệm và lắng nghe -0
Lực lượng tuyến đầu đồng lòng, quyết tâm trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 -Ảnh Tiến Tuấn.

Vậy đằng sau những suy cảm đó, đọng lại trong chúng ta điều gì?

1. Dù cuộc chiến với COVID-19 của loài người sẽ không đơn giản nhưng con người đã chứng minh được chúng ta chưa bao giờ bất lực. Những người đã khuất như những chiến binh đã hy sinh, để lại sự quyết tâm, sự mạnh mẽ cho những người thân trong cuộc chiến này. Khi nghĩ về họ, chúng ta xót thương nhưng cũng cảm thấy quyết tâm, mạnh mẽ, tỉnh táo và thận trọng hơn.

2. Cuộc sống con người đã phải thay đổi, những thói quen mới được hình thành nhưng dịch bệnh không thể hủy hoại được những giá trị tốt đẹp trong văn hóa của xã hội loài người mà sự chia sẻ về vaccine, về lương thực và các giá trị tinh thần, vật chất đã chứng minh cho điều đó. Dù đại dịch khốc liệt đến đâu, con người vẫn tìm cách gắn kết để tạo ra sức mạnh. Họ có thể không được gặp mặt, không được nắm tay nhưng vẫn có thể thổi kèn, chơi đàn, hát cho nhau nghe…chỉ để chứng minh sự bất diệt đó.

3. Lặng lẽ cúi đầu và lắng nghe tiếng nói từ lương tri của mình là một cảnh giới, là một sự tích lũy, cầu thị cao để có những hành động và bước tiến hiệu quả, mau lẹ, giành lấy sự chủ động. Dường như đó cũng là bí quyết giúp loài người vượt qua những thử thách khó khăn nhất để vững vàng hơn. Chúng ta đã từng chia sẻ với nhau ánh sáng của lửa, của trí tuệ sáng tạo và giờ đây là lúc hội tụ nguồn năng lượng ấy để vững vàng và mạnh mẽ bên nhau.

Nguồn: Báo CAND

Đêm tắt đèn, thắp nến để tưởng niệm những đồng bào đã mất vì COVID-19 sẽ còn được nhắc đến như một sự kiện với giá trị nhân văn và những bài học quý giá. 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi