Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 18/12 (giờ địa phương) đã tổ chức phiên thảo luận mở trực tuyến về chủ đề tăng cường hợp tác giữa HĐBA và Tòa án Quốc tế trong thúc đẩy pháp quyền, góp phần vào duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, với sự tham dự của Thẩm phán Abdulqawi Ahmed Yusuf, Chủ tịch Tòa án Quốc tế.
Tại phiên thảo luận, Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tăng cường vai trò của các cơ quan pháp lý quốc tế trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các nước.
Chủ tịch Tòa án Quốc tế nhắc lại hai trường hợp hợp tác điển hình giữa HĐBA và tòa trước đây. Năm 1947, HĐBA đã khuyến nghị các bên đưa vụ tranh chấp Vương quốc Anh kiện Albania về Kênh đào Corfu ra giải quyết tại Tòa án Quốc tế và năm 1970, HĐBA đã xin ý kiến tư vấn pháp lý của tòa liên quan đến hệ quả pháp lý đối với các quốc gia từ việc Nam Phi tiếp tục hiện diện tại Namibia.
|
Một phiên họp trực tuyến với sự tham gia của Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý.
|
Từ đó, Thẩm phán Abdulqawi Ahmed Yusuf đề nghị HĐBA khôi phục truyền thống khuyến nghị các bên tranh chấp đưa vụ việc ra giải quyết tại Tòa án Quốc tế, xin ý kiến tư vấn pháp lý của tòa. Ông cho rằng, cả HĐBA và Tòa án Quốc tế đều đóng góp vào sự phát triển của luật pháp quốc tế, tăng cường pháp quyền quốc tế, như việc HĐBA xác định vi phạm có hệ thống và phổ biến luật pháp quốc tế được coi là một trong các tiêu chí cấu thành “mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”, cũng như việc Tòa án Quốc tế giải thích, làm rõ việc các nghị quyết của HĐBA có giá trị ràng buộc pháp lý.
Các thành viên HĐBA khẳng định, giải quyết hòa bình tranh chấp là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Tòa án Quốc tế trong thực thi chức năng cơ quan xét xử chính của LHQ đóng vai trò quan trọng vào thúc đẩy pháp quyền và công lý. Các ý kiến phát biểu nhất trí HĐBA và Tòa án Quốc tế có vai trò bổ trợ cho nhau trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và ủng hộ việc tăng cường đối thoại và hợp tác giữa hai cơ quan này.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cho rằng, trong bối cảnh các thách thức đối với hòa bình, an ninh quốc tế gia tăng, hành vi vi phạm luật pháp quốc tế vẫn diễn ra tại nhiều khu vực, HĐBA cần đề cao và sử dụng luật pháp quốc tế, thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp nhằm ngăn ngừa xung đột. Đại sứ ủng hộ HĐBA tăng cường hợp tác với Tòa án Quốc tế thông qua các cơ chế được Hiến chương LHQ cho phép, đối thoại với Tòa án Quốc tế về các vấn đề pháp lý phức tạp.
Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ các tiến trình pháp lý quốc tế, trong đó có Tòa án Quốc tế, ủng hộ tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực quốc gia trong sử dụng các cơ chế xét xử, trọng tài quốc tế và kêu gọi Tòa án Quốc tế tăng cường các hoạt động đào tạo, thực tập cho sinh viên luật làm quen với công việc của tòa và tiến trình giải quyết tranh chấp thông qua pháp luật.
Trước đó, hôm 14-12, HĐBA LHQ đã tổ chức họp định kỳ 6 tháng nghe báo cáo và thảo luận về công việc của Cơ chế giải quyết các vụ việc tồn đọng của các tòa án quốc tế (IRMCT). Tại đây, Việt Nam khẳng định, các quốc gia có trách nhiệm hàng đầu trong truy tố, xét xử tội ác quốc tế nghiêm trọng và ủng hộ Văn phòng Công tố viên Cơ chế tăng cường hợp tác, hỗ trợ quốc gia thực thi thẩm quyền xét xử.
Đại sứ Đặng Đình Quý ghi nhận các nỗ lực của IRMCT trong triển khai các biện pháp thực hiện Nghị quyết 2529 (2020) của HĐBA về kiểm điểm hoạt động, ủng hộ tiếp tục áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm thực hiện tầm nhìn của HĐBA về IRMCT theo hướng “quy mô nhỏ, hoạt động hiệu quả, tạm thời với cơ cấu và chức năng giảm dần theo thời gian”.
Cũng tại cuộc họp, Thẩm phán Carmel Agius, Chủ tịch IRMCT cho biết, trong 6 tháng qua, IRMCT đã đạt được nhiều tiến triển tích cực trong công tác xét xử như khôi phục phiên xử án tại Cơ sở Arusha (Tanzania) nhờ việc thiết kế lại phòng xử án và áp dụng công nghệ cho các nhân chứng và thẩm phán tham dự từ xa; khởi động quá trình chuẩn bị hồ sơ xét xử Felicien Kabuga, một trong các nghi phạm chủ chốt gây tội ác diệt chủng tại Rwanda năm 1994, trốn tránh hơn 20 năm qua, trước khi bị bắt giữ tại Pháp vào tháng 5/2020.
Chủ tịch IRMCT cho biết, dự kiến sẽ hoàn thành các vụ việc xét xử trước tháng 5/2021 và xét xử sơ thẩm vụ Kabuga trước cuối năm 2023. Thẩm phán Carmel Agius cũng thông tin về các biện pháp phòng chống COVID-19 và bảo đảm sức khỏe, an toàn cho nhân viên của IRMCT, các phạm nhân và người bị tạm giam; kết quả hợp nhất hồ sơ lưu trữ của các Tòa án quốc tế về Rwanda, Nam Tư cũ và của IRMCT hiện nay, qua đó tạo điều kiện cho việc tiếp cận hồ sơ của Tòa phục vụ nghiên cứu, minh bạch hóa.
Trong khi đó, ông Serge Brammertz, Công tố viên IRMCT bày tỏ cảm ơn cơ quan tư pháp quốc gia của các nước và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ IRMCT trong việc truy bắt và xác định danh tính hai nghi phạm phạm tội diệt chủng tại Rwanda, cảm ơn chính quyền Rwanda trong hợp tác điều tra phục vụ xét xử Felicien Kabuga, kêu gọi các nước được cho là nơi nghi phạm đang lẩn trốn, cung cấp thông tin và danh tính nghi phạm. Các ý kiến phát biểu bày tỏ ủng hộ vai trò của IRMCT trong thực thi công lý, truy cứu trách nhiệm với những người được cho là phạm tội ác nghiêm trọng, ghi nhận tiến độ xét xử, triển khai biện pháp phòng chống COVID-19, quản lý hồ sơ, bảo vệ nhân chứng, kêu gọi các nước liên quan hợp tác và hỗ trợ IRMCT.
Tòa án Quốc tế là cơ quan xét xử chính của LHQ, được thành lập năm 1945 theo Hiến chương LHQ, có tiền thân là Tòa án Quốc tế thường trực được thành lập cùng với sự ra đời của Hội Quốc liên. Tòa án Quốc tế là cơ quan xét xử chính của LHQ, có thẩm quyền xét xử các tranh chấp giữa các quốc gia, cung cấp ý kiến tư vấn pháp lý cho HĐBA, Đại Hội đồng (ĐHĐ), một số tổ chức quốc tế và cơ quan chuyên môn được ĐHĐ cho phép. Đây là lần thứ hai trong hai tháng qua HĐBA tổ chức cuộc họp, đối thoại với đại diện của Tòa án Quốc tế. Hằng năm, Chủ tịch Tòa án Quốc tế đối thoại riêng với các thành viên HĐBA về các vấn đề pháp lý liên quan đến duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
IRMCT được HĐBA thành lập năm 2010 nhằm kế thừa và thụ lý các công việc còn lại của Tòa hình sự quốc tế về Rwanda và Tòa hình sự quốc tế về Nam Tư cũ. HĐBA định kỳ 6 tháng xem xét tiến độ hoạt động của cơ chế này. Việt Nam hiện là Chủ tịch Nhóm công tác không chính thức của HĐBA về các tòa án quốc tế. Tháng 6/2020, với sự điều phối của Việt Nam, HĐBA đã thương lượng và thông qua Nghị quyết 2529 về kiểm điểm hoạt động của IRMCT. Hợp tác của Việt Nam với các nước thành viên HĐBA và LHQ liên quan đến công việc của IRMCT được nhiều nước đánh giá cao, thể hiện tính khách quan, chuyên nghiệp.
|
Nguồn: Báo CAND