Sau khi vụ án được điều tra, những bệnh nhân đã sử dụng dịch vụ được lấy lại phần tiền chênh lệch mình bị chiếm đoạt, nhưng còn những bệnh nhân không lựa chọn phẫu thuật vì chi phí cao, có người mất “thời điểm vàng” chữa trị, có người ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng... ai trả cho họ cơ hội được phẫu thuật đã bị “tước” đi ?
“Cưỡi ngựa xem hoa” khi liên doanh, liên kết
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 8 bị can trong vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai”.
Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai là pháp nhân riêng, tự chủ hoàn toàn theo quy định của Bộ Y tế. Nguyễn Quốc Anh và Nguyễn Ngọc Hiền là lãnh đạo bệnh viện thời điểm Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa.
Khi Nguyễn Quốc Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bị can này muốn phát triển khoa Ngoại nên thành lập một số khoa như ppẫu thuật thần kinh, Chấn thương chỉnh hình và cột sống.
Biết được việc này, bị can Phạm Đức Tuấn đến gặp Nguyễn Quốc Anh, giới thiệu Công ty BMS là đơn vị phân phối robot phẫu thuật và đề nghị cung cấp cho Bệnh viện Bạch Mai loại robot Rosa với giá 39 tỉ đồng, loại robot Mako giá 44 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Tuấn nói Công ty BMS không bán vì thủ tục của Bộ Y tế phức tạp. Thay vào đó, Tuấn cùng Nguyễn Quốc Anh thống nhất sẽ để BMS và Bệnh viện Bạch Mai liên doanh lắp đặt robot phẫu thuật với giá do Tuấn đưa ra.
|
Bệnh viện Bạch Mai. |
Tháng 1-2017, đề án xã hội hóa được ký kết, Bệnh viện Bạch Mai trang bị hai loại robot phẫu thuật, trong đó robot Rosa có giá 39 tỉ đồng. Đáng chú ý, thời điểm trên, Công ty BMS vẫn chưa nhập robot Rosa. Vì vậy, để hợp thức hóa, các bị can thuộc Công ty thẩm định giá VFS đã phát hành chứng thư trái với quy định của pháp luật.
Bị can Nguyễn Quốc Anh đã đồng ý việc này dù không thông qua Đảng ủy, Ban giám đốc và công đoàn bệnh viện. Nguyễn Quốc Anh chỉ đạo Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Hiền cùng phòng tài chính - kế toán Bệnh viện Bạch Mai hoàn thiện các thủ tục để liên doanh với Công ty BMS.
Tháng 1-2017, Nguyễn Quốc Anh và Phạm Đức Tuấn ký các bản Đề án Xã hội hóa trang thiết bị hệ thống Robot Rosa, nội dung, công ty BMS là đơn vị đặt máy, giá trị đầu tư Robot Rosa là 39 tỉ đồng, giá trị dịch vụ sử dụng đề nghị là 36 triệu đồng/ca (trong đó, Công ty BMS nhận chi phí khấu hao máy là 23,14 triệu đồng và chi phí trả lãi vay là 4,1 triệu đồng). Trong khi thời điểm này Robot Rosa chưa được nhập, chưa có hồ sơ mua bán hoặc chứng thư thẩm định giá làm căn cứ đưa giá máy vào đề án.
Trong khi, tháng 2-2017, Công ty BMS mới nhập khẩu robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, nguyên giá là hơn 7,4 tỉ đồng. Bị can Tuấn thừa nhận, tổng giá trị hệ thống Robot Rosa công chi phí lắp đặt cho đến khi vận hành tại bệnh viện chỉ khoảng trên 7,4 tỉ đồng, nhưng bằng thỏa thuận thống nhất với Nguyễn Quốc Anh và việc hợp thức hóa thủ tục định giá khiến giá lên 39 tỉ đồng, công ty BMS đã được Bệnh viện Bạch Mai cho hưởng lợi số tiền trên 23 triệu đồng/ca.
|
Robot Rosa phẫu thuật thần kinh trong một lần được sử dụng năm 2017. |
“Thông đồng”... tiền lệ?
Xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực y tế là một chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Ngay từ năm 2007, sau khi có Nghị định 43/2006/NĐ-CP và Thông tư 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai nhiều đề án xã hội hóa liên doanh, liên kết lắp đặt các thiết bị y tế công nghệ cao, kỹ thuật mới, giúp cho người bệnh trong cả nước được chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh lý phức tạp với chi phí thấp hơn chi phí khám, chữa bệnh ở nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều bất cập đã lộ ra, bởi Đề án được triển khai thời điểm Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện có hiệu lực, các quy trình quy định của pháp luật chủ yếu căn cứ vào Nghị định 43/2006, Thông tư 15/2007 còn chưa chặt chẽ, quy định còn thiếu cụ thể, trong quá trình áp dụng có nhiều cách vận dụng khác nhau, dẫn đến vi phạm trong việc lập các thủ tục trái quy định, như: quy định về chủ trương thống nhất của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn bệnh viện không được hướng dẫn bằng văn bản cụ thể nào. Dẫn đến, Bệnh viện Bạch Mai hiểu là thông qua Hội đồng khoa học và Đạo đức thì có đủ các thành phần, đã bỏ qua các thủ tục theo quy định.
Thực tế quá trình đầu tư nhập khẩu hệ thống robot, Công ty BMS còn phải chi phí thêm các khoản chi phí chuyển giao công nghệ, tập huấn, đào tạo bác sỹ... chưa tính các khoản lợi nhuận, dự phòng rủi ro.
Các chi phí này trên thực tế là có thật, được xem là hợp lý nếu đối tác đặt máy nói chung và Công ty BMS có đầy đủ chứng từ, để được tính vào giá thiết bị hoặc đưa vào cơ cấu giá dịch vụ theo đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế do chi phí là dự kiến trong vòng đời của thiết bị, chi phí đã thanh toán thì không có chứng từ nên Công ty BMS phải che giấu, xóa giá nhập trên tờ khai hải quan và hợp đồng ngoại.
Đáng chú ý, 100% các đề án tại Bệnh viện Bạch Mai, phía đối tác đều cung cấp hồ sơ nhập khẩu nhưng không thể hiện giá thiết bị.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai thông đồng với Công ty BMS, không kiểm tra đầy đủ hồ sơ theo quy định. Dẫn đến Công ty BMS thỏa thuận, cấu kết với đơn vị thẩm định giá là Công ty VFS hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá, Bệnh viện Bạch Mai bỏ qua các hồ sơ, thủ tục khác làm căn cứ xác định nguyên giá theo quy định của Thông tư 45/2013/TT-BTC.
Mặt khác, việc Phạm Đức Tuấn và nhân viên Công ty BMS trong quá trình tiếp xúc với các lãnh đạo tại Bệnh viện Bạch Mai đã biết các khoản phong bì tiền “đối ngoại”, cũng góp phần thúc đẩy hành vi của các bị can. Việc đưa phong bì diễn ra thường xuyên và liên tục, rơi vào các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm như một “thông lệ” được các bên đón nhận để “tạo điều kiện” cho việc hợp tác.
|
Các bị can nguyên là lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, từ trái qua: Ông Nguyễn Quốc Anh, ông Nguyễn Ngọc Hiền và bà Trịnh Thị Thuận. Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp |
Ép bệnh nhân chữa bệnh bằng robot để ăn tiền
Tính đến tháng 5-2020, Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỉ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán chi phí liên quan cho Công ty BMS liên quan 551 ca bệnh.
Căn cứ vào thông tin, số liệu do Bệnh viện Bạch Mai cung cấp, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã điều tra xác minh, làm việc, ghi lời khai đối với những người bệnh, người nhà người bệnh tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ủy thác điều tra đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an 17 tỉnh, kết quả: những người bệnh/người nhà người bệnh khi đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai đều được giải thích về các phương pháp điều trị phẫu thuật thần kinh - sọ não.
Trong đó, hình thức phẫu thuật thông thường, không có sự hỗ trợ bằng robot thì chi phí rẻ hơn, được bảo hiểm y tế chi trả một phần. Hình thức phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, là điều trị dịch vụ không được bảo hiểm chi trả, chi phí cao hơn khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ ca tùy thuộc vào số ngày giường, vật tư tiêu hao... trong quá trình phẫu thuật nhưng người bệnh sẽ giảm biến chứng, ít đau đớn, phục hồi nhanh hơn.
Người bệnh và gia đình không được biết thiết bị robot do đối tác liên doanh, liên kết lắp đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, không được giải thích cụ thể từng loại chi phí trong quá trình phẫu thuật, không được biết chi phí khấu hao thiết bị robot, nhưng với mong muốn nhanh lành bệnh đã lựa chọn phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, ký giấy cam đoan sử dụng dịch vụ.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cùng dàn lãnh đạo Công ty BMS và đơn vị thẩm định giá đã dẫn đến hậu quả, thiệt hại làm tăng chi phí khám chữa bệnh, người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế, gây thiệt hại tổng số tiền hơn 10 tỉ đồng và gây bức xúc trong dư luận. Phạm Đức Tuấn đã nộp 10 tỉ đồng để trả tiền chênh lệch cho 551 ca phẫu thuật thu sai.
Từ một chủ trương xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực y tế đúng đắn, hướng tới phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, doanh nghiệp đã tìm mọi cách “bắt tay” với nhóm lãnh đạo trong bệnh viện nâng khống giá trị, nhằm trục lợi. Vì lợi nhuận, họ đã công nhiên móc túi, cưỡng đoạt tiền của bệnh nhân.
Giờ đây, những thiệt hại bằng tiền đã được các bị can khắc phục một phần. Tuy nhiên, hậu quả xã hội, niềm tin vào y đức, tin vào dịch vụ khám chữa bệnh kết hợp xã hội hóa đã bị “lung lay”.
Cũng chính những người mang danh “lương y” khám bệnh, cứu người, họ cũng đã tước đi cơ hội được phẫu thuật, được khám chữa chất lượng cao của nhiều bệnh nhân vì không đủ chi phí khám chữa, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của bao người, gây hậu quả cho bao gia đình. Như vậy, còn những hậu quả không thể khắc phục bằng tiền.
Khi vụ việc được đưa ra xét xử, với mức án được tuyên đúng người, đúng tội, họ sẽ phải trả giá cho hành vi sai phạm của mình. Còn tòa án lương tâm, còn lời thề của bác sĩ, còn lương tâm của thầy thuốc, họ có thoát khỏi mặc cảm, họ đã từng làm giàu trên nỗi đau bệnh tật của bao bệnh nhân?
Theo Kết luận điều tra, bị can Nguyễn Quốc Anh khai, quá trình thực hiện đề án liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai, có nhận tiền từ bị can Tuấn, tổng số tiền đã nhận từ Tuấn là 100 triệu đồng và 10.000 USD. Nguyễn Quốc Anh và gia đình phối hợp nộp khắc phục toàn bộ số tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra.
Nguyễn Ngọc Hiền (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), được Phạm Đức Tuấn biếu các khoản tiền, mỗi dịp 50 triệu đồng, tổng cộng 150 triệu đồng. Bị can hiện đã nộp lại khoản hưởng lợi này.
|
Các bị can bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự gồm: Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện), Trịnh Thị Thuận (cựu Trưởng phòng Tài chính bệnh viện), Lý Thị Ngọc Thủy (cựu Phó phòng Tài chính bệnh viện), Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS), Ngô Thị Thu Huyền (Phó Giám đốc Công ty BMS), Trần Lê Hoàng (thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội - VFS) và Phạm Minh Dung (cựu Tổng Giám đốc Công ty VFS).
|
Nguồn: báo CAND