Thứ Năm, 28/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Vươn khơi xa góp phần bảo vệ chủ quyền

Những ngày này, ngư dân các tỉnh, thành miền Trung đồng loạt vươn khơi đánh bắt cá vụ Nam. Nhiều tàu, thuyền sau chuyến biển dài ngày đánh bắt tôm cá đầy khoang trở về cập cảng tiêu thụ sản phẩm nâng cao đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đặc biệt, mỗi con tàu ngư dân vươn khơi là “cột mốc sống” góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc…

 

Sáng sớm một ngày cuối tháng 3/2021, cảng cá Thuận An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) nhộn nhịp, tấp nập hơn khi nhiều tàu cá công suất lớn của ngư dân đánh bắt hải sản dài ngày trên biển trở về cập cảng. Cột dây neo tàu xong, ngư dân Nguyễn Văn Mới (50 tuổi, ở thị trấn Thuận An) cùng các bạn thuyền vận chuyển những thùng tôm, cá lên khỏi khoang tàu bán cho thương lái. 

Ông Mới cho hay, sau 3 tháng cho tàu cá “ngủ đông” do mưa bão, mới đây tàu cá của gia đình ông và nhiều tàu xa bờ ở địa phương đã xuất quân đánh bắt cá vụ Nam. Những chuyến biển vừa qua, do thời tiết thuận lợi nên tàu nào ra khơi cũng trúng đậm “lộc biển” với các loại tôm cá, đặc biệt các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ đại dương. Trừ chi phí nhiên liệu, bình quân mỗi tàu thu lợi từ hàng chục đến gần trăm triệu đồng...

Những năm qua, nhờ sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ vay vốn thông qua nhiều chương trình, đặc biệt là Nghị định 67 của Chính phủ đã giúp ngư dân thị trấn Thuận An có điều kiện phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ. Tính đến nay, toàn thị trấn có trên 400 phương tiện tàu thuyền hoạt động khai thác nghề biển, trong đó tàu xa bờ công suất lớn có 122 chiếc tập trung hoạt động đánh bắt chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa với sản lượng hải sản khai thác đạt hiệu quả cao. 

Ngư dân Lê Văn Tuấn, Đội trưởng Đội tàu xa bờ thôn Tân Bình 1 chia sẻ, từ khi thành lập các đội tàu đoàn kết trên biển, UBND thị trấn Thuận An thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An vận động các ngư dân, đặc biệt là các chủ tàu đánh bắt, thu mua hải sản vùng xa bờ ở địa phương tăng cường đoàn kết, cùng vươn khơi bám biển bảo vệ ngư trường và góp phần vào công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An còn cho hay, nhờ công tác tuyên truyền, vận động thiết thực nên ngày càng có nhiều chủ tàu xa bờ tự nguyện viết đơn xin gia nhập vào các tổ tàu đoàn kết. Đây là điều hết sức đáng mừng khi ngư dân địa phương đã cùng nhau bám biển, chung sức bảo vệ ngư trường. Nhờ thế nên trong năm 2020, sản lượng đánh bắt thủy hải sản của ngư dân địa phương đạt 10.050 tấn, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ tôm cá đầy khoang cập cảng Thuận An sau chuyến đi biển dài ngày.

Cùng chung quyết tâm bám ngư trường truyền thống sản xuất, ngư dân ở các xã biển như Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Thanh (huyện Phú Vang); Hải Dương (thị xã Hương Trà); Lộc Trì (huyện Phú Lộc)… cũng đồng loạt vươn khơi đánh bắt cá vụ Nam. 

Có mặt tại âu thuyền xã Phú Hải, sau khi được “tiếp tế” thêm lương thực, nước ngọt và đá cây phục vụ cấp đông hải sản, các chủ tàu cá xa bờ ở các thôn Cự Lại Bắc, Cự Lại Đông, xã Phú Hải lại nhổ neo, cho thuyền hướng ra cửa biển để tiếp tục hành trình vươn khơi bám biển. Trước khi xuất bến, ngư dân không quên treo những lá cờ Tổ quốc mới lên nóc tàu. 

“Ra giữa biển khơi thấy tàu cá có lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nóc thì chúng tôi vui lắm, như được tiếp thêm động lực vậy. Vì chúng tôi biết rằng, mỗi tàu cá của ngư dân Việt Nam là một cột mốc sống trên biển”, ngư dân Nguyễn Văn Trái, Liên đoàn trưởng Liên đoàn tàu 469 xã Phú Hải khẳng định. 

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết, để phát huy tiềm năng kinh tế biển của địa phương, thời gian qua, các cấp chính quyền của huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền ngư dân tham gia khai thác, tập trung bám biển dài ngày. 

Bên cạnh đó còn thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn. Nhờ thế nên nhiều ngư dân địa phương đã chú trọng đầu tư ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản với các loại có giá trị xuất khẩu, tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 2.000 ghe, tàu nhỏ đánh bắt gần bờ và đội tàu đánh bắt xa bờ gần 400 chiếc, trong đó có khoảng 200 tàu cá có công suất từ 400CV đến 1.000CV. 

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, để tạo động lực giúp ngư dân vươn khơi bám biển, tăng thời gian hoạt động đánh bắt xa bờ, ngoài việc hiện đại hóa tàu cá cần có sự liên kết để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. 

Muốn làm được điều này, các chủ tàu cá cần hiện đại hóa về công nghệ đánh bắt, xác định được vùng đánh bắt và công nghệ bảo quản hải sản. Có như thế thì hải sản vùng đánh bắt xa bờ sẽ có giá trị kinh tế hơn, bán được giá cao hơn, giúp ngư dân có thu nhập ổn định để tập trung bám biển, bảo vệ lãnh hải Tổ quốc.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi