Quá trình điều tra chuyên án làm giả xăng ở Đồng Nai, cơ quan Công an đã xác định được chỉ từ tháng 8/2020 đến nay, các đối tượng đã cung cấp ra thị trường khoảng 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng. Vậy, xăng gỉả có dễ phát hiện và người tiêu dùng liệu sẽ gặp những nguy cơ gì nếu chẳng may mua phải loại này?
Xăng giả không thể phân biệt bằng mắt thường
Ông Nguyễn Tuấn Tú, Trưởng phòng thử nghiệm xăng dầu khí (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Để nhận biết xăng giả bằng mắt thường rất khó, phần nhỏ có thể dựa vào cách pha màu của xăng. Ví dụ RON 95 có màu vàng nhạt đến vàng, E5 RON 92 có màu xanh nhạt đến xanh.
Quan sát ngoại quan của xăng phải sạch, trong suốt và không có tạp chất lơ lửng. Cách tốt nhất để phân biệt là mang mẫu xăng để thử nghiệm các chỉ tiêu phù hợp với quy định thì mới là xăng thật. Tuy nhiên, nếu nói về một hàng hóa, có nhiều cách giả khác nhau (về công dụng, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn hay các chỉ tiêu chất lượng...).
Riêng với xăng dầu còn có nhiều chỉ tiêu chất lượng liên quan đến phụ gia hóa học, dung môi... Những chỉ tiêu này phải có các cơ quan chuyên môn, các tổ chức kỹ thuật được trang bị phòng thử nghiệm đánh giá trên cơ sở phân tích mẫu thì mới đi đến kết luận đó có phải là xăng giả hay không.
|
Nhìn bằng mắt thường, người dân khó phân biệt được xăng thật, xăng giả.
|
Các mẫu xăng nghi ngờ về chất lượng phải được kiểm định tại các tổ chức thử nghiệm có đăng ký hoạt động và được cấp chứng chỉ. Với mặt hàng xăng dầu, người tiêu dùng có thể bảo vệ mình bằng cách mua xăng ở những địa chỉ tin cậy, có thương hiệu, không nên mua xăng trôi nổi, không rõ nguồn gốc...
Nếu khi mua xăng về sử dụng, trong quá trình di chuyển thấy có vấn đề, ví dụ xe chết máy hoặc động cơ có biểu hiện bất thường, nên thông tin về cơ quan Quản lý thị trường, Công an, Chi cục tiêu chuẩn, đo lường chất lượng tại địa phương... Các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp nhận thông tin và có kế hoạch phối hợp trinh sát kịp thời.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam nhìn nhận vấn đề thực tế hơn: Những vụ cháy xe thời gian gần đây nhiều khả năng xuất phát từ xăng giả. Khi chưa phát hiện ra các vụ làm giả xăng dầu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều nguyên nhân như thời tiết, chất lượng phương tiện, các tài xế độ nâng cấp, gia cố phương tiện. Xăng giả ảnh hưởng đến chất lượng máy móc và có thể kích nổ bất kỳ lúc nào để gây ra cháy nổ.
Do đó, để ngăn chặn hành vi làm giả xăng dầu, cần phải xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội bởi vì hậu quả của xăng giả rất nghiêm trọng. Ngoài việc cháy nổ mất an toàn giao thông, uy hiếp tính mạng người điều khiển, xăng giả còn tàn phá nền kinh tế đất nước.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước
Câu hỏi được đặt ra: Vì sao một mặt hàng trọng yếu, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia, được quản lý theo diện kinh doanh có điều kiện nhưng vẫn có thể tiêu thụ dễ dàng, rộng khắp các tỉnh, thành trong một thời gian không ngắn? Mặc dù thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán xăng dầu, nhưng thực tế cho thấy, sự phối hợp đồng bộ các lực lượng chức năng ở các địa phương vẫn chưa kịp thời, hiệu quả, nhất là trách nhiệm của các đơn vị trong quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng xăng dầu và đơn vị kiểm tra chất lượng xăng dầu trên thị trường… đôi khi còn “buông lỏng”, dẫn tới vấn nạn xăng dầu giả quy mô lớn vẫn còn “đất diễn”, xâm hại trực tiếp tới quyền lợi người dân, thậm chí là cả các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo PGS-TS Hoàng Mạnh Hùng (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an), xăng là dạng dung dịch nên chỉ cần đổ thêm một chút dung môi, phụ gia có thể biến đổi chất lượng. Vì vậy, việc đấu tranh với các hành vi pha chế lậu, pha chế dung môi khiến giảm chất lượng xăng dầu là rất khó khăn. Để phân biệt, phải lấy mẫu thử nghiệm qua nhiều loại máy móc khác nhau mới có thể kết luật chất lượng xăng có đảm bảo hay không.
Theo ông Hùng, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, bởi hiện cả nước có trên 50 đầu mối xăng dầu lớn nên việc quản lý phải quy trách nhiệm từng đầu mối. Tiêu chuẩn xăng không chỉ có chỉ số octan, mà phải xét nghiệm tất cả các thành phần có trong xăng, do đó các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Nguồn: Báo CAND