Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Xuất khẩu gạo theo hướng giảm lượng, nâng chất

Tuy nhiên, xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn từ các nước có truyền thống XK gạo lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Mỹ và hiện nay còn có Campuchia, Myanmar. Câu chuyện về cạnh tranh ở đây không đơn thuần là chỉ giá cả, mà còn là chất lượng, thương hiệu sản phẩm và cách tổ chức chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra XK gạo.

Với đa dạng loại sản phẩm như: gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đặc sản,... thời gian qua một số sản phẩm gạo nước tađã bước đầu thâm nhập, đảm bảo chất lượng, các yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu,… 

Nếu như trên thị trường thế giới, việc điều chỉnh chính sách XK của các nước xuất khẩu gạo cạnh tranh khác, đặc biệt là Thái Lan và Ấn Độ đã tác động lớn tới xu hướng giá trên thị trường thế giới. 

Còn trong nước, XK gạo phải đối mặt với khó khăn do khí hậu, thời tiết gây nên như tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung cấp nên sản xuất lúa cả năm 2016 giảm cả về diện tích và năng suất so với năm 2015, đặc biệt là khu vực phía Nam. 

Diện tích gieo trồng lúa đạt 7,8 triệu ha, giảm 0,5%; năng suất ước đạt 56 tạ/ha, giảm 2,8%, là mức giảm năng suất mạnh so với bình quân hằng năm; nên sản lượng chỉ đạt 43,6 triệu tấn, giảm 3,3% so năm 2015. XK gạo giảm mạnh cả về lượng và trị giá, chỉ đạt 4,8 triệu tấn với 2,2 tỷ USD, thấp nhất trong 5năm. 

Bước sang đầu năm 2017, XK có một số tiến triển khi các đơn hàng quay trở lại, nhưng XK gạo vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm 2017, XK gạo ước đạt 2,8 triệu tấn, giá trị 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

 

Việt Nam nâng cao chất lượng và giá trị của mặt hàng gạo xuất khẩu.

Tại hội nghị triển khai chiến lược phát thị trường XK gạo theo Quyết định 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ giảm dần lượng gạo xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị để giữ ổn định kim ngạch. Đến năm 2020, xuất khẩu 4,5 - 5 triệu tấn gạo, giá trị kim ngạch 2,2 - 2,3 tỷ USD/năm, đến năm 2030 xuất khẩu còn khoảng 4 triệu tấn.

Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo 5 năm nay có xu hướng giảm dần (từ 7,7 triệu tấn năm 2012 xuống còn 4,8 triệu tấn năm 2016,  kim ngạch xuất khẩu từ 3,4 tỷ USD xuống còn 2,1 tỷ USD) nhưng năm nay, đến hết tháng 9, các doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu được 4,3 triệu tấn gạo, thu về gần 1,9 tỷ USD, dự báo con số gạo xuất khẩu đến cuối năm 2017 ở mức 5,6 triệu tấn. 

Điều đáng mừng là cơ cấu có sự chuyển dịch tích cực: Gạo trắng hạt dài cấp cao tăng lên 26%, gạo trắng hạt dài cấp thấp và trung bình còn hơn 13,6%, gạo thơm các loại (bao gồm gạo hạt tròn Japonica) hơn 30,4%, nếp 23,4%.

Bộ Công Thương cho rằng, cần chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu gạo, tỷ trọng gạo trắng hạt dài cấp thấp và trung bình còn khoảng 20%, gạo trắng hạt dài cấp cao lên 25%, gạo thơm và đặc sản (bao gồm gạo hạt tròn Japonica) lên 30%, gạo nếp 20%, các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng khoảng 5%. Đến năm 2030, tỷ lệ này lần lượt là 10%, 15%, 40%, 25% và 10%. 

Và cần đa dạng hóa, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, khai thác cơ hội, tiềm năng, lợi thế từ các hiệp định thương mại FTA, các cam kết quốc tế. Nhiều DN cho rằng, trước hết 22 DN trong danh sách xuất khẩu vào Trung Quốc cần có sự liên kết, hợp tác lại với nhau để bảo bệ quyền lợi chung của các DN Việt Nam. 

Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 cho thấy định hướng chuyển từ “lượng” sang “chất” trong chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo; chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam. Với quyết định này, đến năm 2030, lượng gạo xuất khẩu phấn đấu đạt 4 triệu tấn; tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%; tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng 10%).

 Trích nguồn: Báo điện tử CAND
Biên tập: Mai Hương (T2)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi