Thứ Sáu, 27/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan trong triển khai các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực - Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan trong triển khai các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực - Ảnh: TTXVN.

 

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo đã công bố, ngày 29/10/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 191-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo (thay thế Quy định số 32-QĐ/TW, ngày 16/9/2021) và Quyết định số 192-QĐ/TW kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó đã bổ sung cho Ban Chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm của phòng, chống lãng phí là trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Từ sau phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo (ngày 14/8/2024) đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, thực hiện nghiêm các kết luận phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; tiến độ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc cơ bản hoàn thành theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có việc vượt yêu cầu đề ra. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết; phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An; hoàn thành các cuộc kiểm tra liên quan đến Công ty AIC; qua kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý 247 tổ chức đảng, 441 đảng viên, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 26 vụ việc. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 6 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 734 vụ/1.681 bị can, truy tố 591 vụ/1.479 bị can, xét xử sơ thẩm 1.002 vụ/2.703 bị cáo về các tội tham nhũng kinh tế, chức vụ. Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm...

Từ sau phiên họp thứ 26 đến nay, các địa phương đã khởi tố mới 656 vụ án/1.367 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 169 vụ án/347 bị can về các tội tham nhũng, nâng tổng số vụ án tham nhũng khởi tố mới ở các địa phương từ đầu năm 2024 đến nay là 613 vụ án/1.350 bị can...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan trong triển khai các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cảm ơn sự phối hợp triển khai rất chặt chẽ của Ban Chỉ đạo, các cơ quan, thời gian qua.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có chiều sâu, bám sát được thực tế, không ngừng nghỉ, bất kể lĩnh vực nào. Nhiều vụ án, vụ việc đưa ra xét xử theo đúng kế hoạch với mức án rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan trong triển khai nhiệm vụ, tháo gỡ khó khăn, tiếp tục được nâng lên, càng làm càng thấy rõ những vấn đề của thực tiễn, làm càng trúng những yêu cầu đề ra, có chuyển biến rõ rệt. Công tác thu hồi tài sản đạt được nhiều kết quả.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được củng cố. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từ cơ sở, từ chi bộ và mỗi đảng viên. Việc kịp thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, được cán bộ, đảng viên, người dân đánh giá là rất đúng và trúng, mong chờ có nhiều chuyển biến trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số những hạn chế về công tác giám định, định giá tài sản; vẫn còn tình trạng né tránh kết luận trực tiếp nội dung trưng cầu. Công tác tương trợ tư pháp, truy bắt, dẫn độ các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn khó khăn. Thu hồi tài sản mặc dù đã được tăng cao hơn so với năm trước nhưng giá trị tài sản thu hồi cũng còn tồn đọng lớn. Tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp...

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Tô Lâm: Xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: TTXVN

 

Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng vừa phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; vừa phải tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí; phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, cần nghiên cứu, chỉ đạo quyết liệt để triển khai ngay công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với tham nhũng, tiêu cực.

Về tổng thể, phải kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thấp lên cao để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng văn hóa, chống lãng phí trong toàn xã hội, trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội, đưa vào nội quy của từng cơ quan, hương ước của thôn, xóm, quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, xử lý các vi phạm từ hành chính đến mức cao, nhất là hình sự. Lựa chọn những nội dung trọng tâm, những giải pháp đột phá để tập trung chỉ đạo tạo dấu ấn lan tỏa trong toàn xã hội.

“Một số nội dung cần nghiên cứu, triển khai sớm, như: Khẩn trương ban hành Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo những nội dung cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lãng phí, trong đó phải nhận diện chỉ rõ các hành vi biểu hiện lãng phí, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí”, Tổng Bí thư lưu ý.

Tổng Bí thư yêu cầu, phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất; sửa đổi, bổ sung ngay các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước; chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận quan tâm theo tinh thần là xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực, xác định rõ trách nhiệm xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của nhân dân. Trước mắt, rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài những dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần có hình thức khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có các giải pháp làm lợi cho Nhà nước.

Tổng Bí thư nêu rõ, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với tăng tốc bứt phá, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra; tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giải quyết kịp thời các vụ việc dư luận quan tâm, nhân dân bức xúc, nhưng hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, doanh nghiệp.

Thực hiện có hiệu quả Kết luận 77 của Bộ Chính trị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong dự án đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Các luật sửa đổi cần tăng cường triển khai hiệu quả để tháo gỡ điểm nghẽn, góp phần khơi thông các nguồn lực, đưa các tài sản lưu thông, tránh thất thoát, lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được thực hiện có hiệu quả với mục tiêu cao nhất là không được để những đối tượng tham ô, tham nhũng tham gia cấp ủy các cấp.

Các vụ án, vụ việc tham nhũng mà dư luận xã hội quan tâm phải đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý; khẩn trương làm rõ các trường hợp cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc liên quan đến công tác nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp với tinh thần nghiêm túc, thận trọng, khách quan, kiên quyết không để lọt vào khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tổng Bí thư đề nghị, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

“Phải làm cho việc thực hành liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành việc làm 'tự giác', 'tự nguyện' như 'cơm ăn, nước uống, áo mặc hàng ngày'. Phải khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của nhà nước, công sức của nhân dân”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư yêu cầu, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở theo đúng phương châm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từ cơ sở, từ chi bộ; sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh để tạo sự đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, tăng cường xây dựng công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính, xử lý hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt”, khắc phục bệnh “sợ trách nhiệm”, đùn đẩy, né tránh, sợ sai, không dám làm; không được lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để cản trở hoạt động phát triển hoặc trục lợi.

Nguồn: Cổng TTĐT BCA

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi