Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bản lĩnh của Thanh niên Công an khi sử dụng Internet và tham gia mạng xã hội

Internet là gì? Đó là một mạng lưới thông tin trải rộng khắp toàn cầu, khắp các châu lục được kết nối bằng các thiết bị khoa học công nghệ cao như điện thoại di động, máy vi tính… Internet hiện nay là một trong những nhân tố không thể thiếu trong sự phát triển xã hội, kinh tế, an ninh và là một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của con người. Đặc biệt đối với thanh niên - những người trẻ tuổi, yêu công nghệ, thích cái mới, thích sự sáng tạo và hiện đại thì những tiện ích mà Internet mang lại có một sức hấp dẫn rất lớn.

Có thể nhận thấy rằng, thời đại thông tin ngày nay đã tạo những điều kiện và cơ hội cho con người giao lưu, liên kết, chia sẻ những sở thích, sự quan tâm, những ý tưởng, những việc làm bằng các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là sự phát triển ngày càng đa dạng của Internet, trong đó có các mạng xã hội. Sự xuất hiện với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, mạng xã hội đã cho phép người dùng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách có hiệu quả, vượt qua trở ngại về không gian và thời gian, vượt qua khoảng cách giữa các thế hệ. Đây là cầu nối giúp liên kết mọi người lại với nhau. Không ai dám phủ nhận vai trò của các mạng xã hội, chẳng hạn như công cụ tìm kiếm bạn bè trên Facebook. Sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng, chọn Facebook làm một nơi giải trí, viết blog cá nhân, đăng tải những tấm hình mới chụp được hay đơn giản là chia sẻ cảm xúc của mình với mọi người…

Hiện nay, trên thế giới có khoảng trên 02 tỷ người sử dụng mạng xã hội, tập trung ở một số trang như: Facebook, Twitter, Youtube…trong đó Facebook được sử dụng phổ biến nhất, có khoảng trên 01 tỷ người sử dụng.Tại Việt Nam, đến tháng 03/2013, có khoảng 20 triệu người sử dụng mạng xã hội, riêng Facebook có khoảng trên 12 triệu người dùng và liên tục tăng nhanh. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể nhưng việc cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân sử dụng mạng xã hội là tương đối phổ biến.

Song song với những lợi ích mà internet và mạng xã hội mang lại thì có thể nói nó cũng là con dao hai lưỡi, cũng chứa đựng nhiều mặt trái của nó:

Thực tế cho thấy những hạn chế của Internet đối với học tập của học sinh, sinh viên hiện nay là việc thích dựa dẫm vào những kết quả có sẵn trên mạng mà đánh mất đi thói quen tư duy, đào sâu suy nghĩ trước một vấn đề đặt ra, bên cạnh đó sẽ bị bối rối trong biển thông tin khổng lồ trên Internet mà không xác định được thông tin mình cần hoặc không biết các thông tin đó có độ tin cậy đến đâu.

Ở nhiều quốc gia, các nhà tâm lý học lại lưu ý đến tình trạng khẩn cấp phải đối phó của một chứng tật ham mê mới, đó là nghiện Internet. Nghiện Internet là một căn bệnh tâm lý nguy hiểm. Mới xuất hiện ở Việt Nam trong một vài năm trở lại đây nhưng với tốc độ phát  triển như vũ bão. Một bộ phận giới trẻ hiện nay đang có xu hướng sống ảo trong đời thực, những bạn này thường tự vẽ ra cho mình một cuộc sống hoàn toàn khác với bên ngoài. Việc thường xuyên chơi game online và sống trong ảo giác sẽ gây ra những hành vi dần ảnh hưởng đến đạo đức, làm tha hóa nhân cách, lệch lạc về nhận thức, từ đó dẫn đến những hành vi tiêu cực, có thể hủy hoại tương lai của giới trẻ.

Trên một số trang mạng xã hội thời gian vừa qua cho thấy, một số cán bộ, chiến sỹ trẻ, học viên các trường Công an nhân dân đã lấy tên các đơn vị để tạo tài khoản; đăng tải, chia sẻ thông tin cá nhân (tên, tuổi, quê quán, tên trường, nơi làm việc…), ảnh cá nhân, tập thể trong đó có phòng làm việc, lịch công tác của đơn vị, các loại tài liệu hay các trang thiết bị để chiến đấu. Một số các bộ, chiến sỹ chia sẻ, tham gia bình luận, đăng tải hình ảnh mang tính ngẫu hứng, bột phát, khoa trương, thiếu văn hóa, phản cảm. Một số cán bộ, chiến sỹ sử dụng các trang mạng xã hội trong giờ hành chính đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn được giao.

Việc cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân tham gia các mạng xã hội tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến lộ, lọt bí mật Nhà nước hoặc nguy cơ lây nhiễm virus máy tính, phần mềm gián điệp khi chia sẻ file hoặc đường dẫn tới những địa chỉ chứa mã độc. Mặt khác, mạng xã hội đã bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để đăng tải thông tin trái chiều, viết bài xuyên tạc, chống phá ta nhằm mục đích thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội để thu thập thông tin về tâm tư, tình cảm, nhu cầu cá nhân nhằm tác động lôi kéo cán bộ, chiến sỹ, nhất là cán bộ trẻ thiếu kinh nghiệm thực tế, yếu về bản lĩnh chính trị, dễ hoang mang, dao động, mất phương hướng….. làm phát sinh nguyên nhân và điều kiện mất an ninh chính trị nội bộ.

Hiện nay và trong thời gian tới mạng xã hội tiếp tục là phương tiện để giải trí, giao lưu, kết nối mọi người; là diễn đàn công khai, bình đẳng cho mọi người mà không bị giới hạn bởi không gian, thành phần tham gia. Song, đây còn là“xã hội ảo” tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn như: sự đa dạng của thành phần tham gia; có nhiều phương tiện (điện thoại di động, máy tính bảng, máy tinh) hỗ trợ sử dụng; thông tin phong phú, phát tán nhanh chóng, rộng rãi và hầu như không thể kiểm soát. Do đó, việc Thanh niên Công an sử dụng mạng xã hội một cách tùy tiện, thiếu cảnh giác là rất nguy hiểm.

Vấn đề đặt ra là thanh niên cần trang bị cho mình những gì khi sử dụng Internet và tham gia mạng xã hội để hạn chế những tiêu cực. Đặc biệt đối với thanh niên Công an - những người trực tiếp tham gia vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; là lực lượng nòng cốt trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng để trở thành những người có “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn” hết lòng phụng sự quốc gia, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thiết nghĩ để hạn chế tác động tiêu cực của mạng Internet cần phải có hai yếu tố cơ bản. Đó là: sự can thiệp kịp thời, triệt để từ các cấp quản lý và sự hiểu biết đúng đắn từ người sử dụng.

Như vậy, đối với các cấp quản lýcần có sự hướng dẫn, tư vấn, định hướng cho giới trẻ về việc sử dụng mạng xã hội một cách có ích và mang lại hiệu quả tốt. Hướng dẫn cho thanh niên ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn của việc đưa các thông tin cá nhân của bản thân lên mạng xã hội.

Đoàn viên thanh niên Công an tuyệt đối không được lấy tên, phiên hiệu cơ quan đơn vị làm tài khoản cá nhân trên mạng xã hội; không đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân, tập thể có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước hoặc có liên quan đến lực lượng CAND. Không được tham gia bình luận, chia sẻ những thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của BCA; trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân. Khi phát hiện những thông tin tuyên truyền phản động, thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật nghiệp vụ và những thông tin khác xét thấy cần thiết phục vụ cho công tác Công an trên mạng Internet và các mạng xã hội phải kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị hoặc các đơn vị chức năng để có biện pháp xử lý

 Bên cạnh đó cũng hướng cần hướng các bạn trẻ vào đời sống thực, với các hoạt động có ích cho bản thân, cộng đồng. Đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng chính trị, nâng cao tầm nhận thức của họ về các vấn đề chính trị, xã hội, để từ đó từng bước giúp các bạn trẻ có được bản lĩnh vững vàng, xử lý được những thông tin tiếp cận từ nhiều chiều khác nhau.

Nhưng trên tất cả phải là ý chí của mỗi thanh niên Công an chúng ta. Trong thời đại kinh tế tri thức, bùng nổ thông tin, hãy bản lĩnh và sáng suốt làm chủ thông tin, làm chủ công nghệ, đừng bao giờ biến mình thành nô lệ của những thứ do chính trí tuệ con người tạo ra.

Hoàng Ngọc Huân
Bí thư Đoàn thanh niên


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi