Chủ Nhật, 28/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Chung nhịp đập cùng Biển, Đảo Tổ quốc

Gần 900 đại biểu ưu tú của sinh viên Việt Nam đã tập trung trên bờ biển của đảo Phú Quốc , đúng lúc tình hình biển Đông, đặc biệt là khu vực huyện đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang dậy sóng. Hội trại với chủ đề “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc 2014″ không còn mang tính chất của một hội trại kỹ năng và giao lưu đơn thuần mà nóng lên với diễn biến vụ hạ đặt giàn khoan trái phép cùa Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Nhiều cách thể hiện lòng yêu nước

Là một trong 100 đại biểu sinh viên TP Cần Thơ tham gia hội trại, Ngô Chí Trung (năm thứ ba, khoa Điện tử, trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ) có chuyến di chuyển từ Cần Thơ đến bến tàu Rạch Giá (Kiên Giang) và thực hiện hải trình 120 km để lên Thới An (thuộc huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang).

Trước đó vài ngày, Trung đã cùng các bạn sinh viên trong trường thực hiện một cuộc mít tinh ôn hòa, thể hiện chính kiến, lòng yêu nước của sinh viên Cần Thơ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam.

Chí Trung nói: “Sinh viên tụi mình cần làm gì? Thể hiện quan điểm của mình thế nào? Làm sao thể hiện lòng yêu nước, cho thế giới thấy chính nghĩa của mình mà không gây mất trật tự an ninh, ảnh hướng xấu đến hình ảnh và uy tín của đất nước?

Đó là những câu hỏi thường trực trong mình. Mình đặc biệt quan tâm các thuyết trình của các chuyên gia quân sự, luật sư về tình hình Biển Đông. Mình nghĩ, Trung Quốc phải rút giàn khoan không điều kiện, trả lại trật tự trong khu vực”.

Nhóm 4 bạn đại diện cho sinh viên trường ĐH Văn Lang TPHCM thực hiện những bức ảnh với ý nghĩa kêu gọi sự đoàn kết. Thanh Vân (năm thứ tư, khoa Ngoại ngữ) cho biết: “Vừa hạ trại, tụi mình đã thực hiện ngay ý tưởng chụp ảnh những nắm tay siết chặt. Cổ tay quấn cờ Tổ quốc, trước biển.

Hy vọng, bạn bè và mọi người xung quanh sẽ cùng nhau truyền thông điệp đoàn kết một lòng hướng ra biển Đông, tiếp sức cho các cán bộ quả cảm thực thi nhiệm vụ, bất chấp hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Sau chuyến đi này, tụi mình mong sẽ chia sẻ cho bạn bè thông điệp yêu nước, đấu tranh kiên quyết mà vẫn giữ tinh thần hòa bình”.

Với màu áo đỏ, 8 bạn trẻ đại diện cho sinh viên trường ĐH Xây dựng Miền Tây (Vĩnh Long) cũng thực hiện những bức ảnh với chủ đề đồng lòng hướng ra biển Đông. Các bạn đứng trên những mỏm đá nổi, tay hướng ra biển, trên lưng áo có dòng chữ “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”.

Hồ Lê Thanh Phương bày tỏ: “Đây là lúc chúng ta đoàn kết hơn bao giờ hết. Với những sinh viên Xây dựng, ra đảo Phú Quốc tham dự hội trại lần này, tụi mình sẽ đóng góp những hành động ý nghĩa xây dựng đảo như sơn lại nhà cho ngư dân. Hành động tuy nhỏ nhưng truyền thông điệp sinh viên miền Tây luôn mong muốn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

Trái tim nóng, cái đầu lạnh

Nguyễn Thị Thanh Thúy (năm thứ ba, khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) chia sẻ: “Mình tự hào là sinh viên Đà Nẵng, nơi có huyện đảo Hoàng Sa.

Trong tình hình biển, đảo đang căng thẳng, trái tim tụi mình cũng sôi lên. Nhưng mình vẫn luôn mong sinh viên giữ vững lập trường, tin tưởng vào chủ trương kiên trì giữ biển, giữ đảo của Nhà nước”.

Các đại biểu sinh viên Hà Nội phải qua 2 chuyến bay để đến được Phú Quốc. Quách Huyền Trang (năm thứ ba, trường ĐH Luật Hà Nội) là một trong 20 đại biểu sinh viên Thủ đô được vinh dự đến với hội trại. Trang cho biết: “Rất cảm xúc vì đây là lần đầu tiên mình được đến một hòn đảo phía Nam của Tổ quốc. Dù Phú Quốc - Thổ Chu ở phía Tây nhưng tim mình vẫn đang hướng về những diễn biến trên biển Đông, cùng nhịp đập với vận mệnh dân tộc.

Mình may mắn là sinh viên Luật nên rất hiểu về Luật Biển. Mình sẵn sàng chia sẻ kiến thức này đến với các bạn sinh viên ngành khác. Các chuyên đề về Luật Biển trong hội trại đã giúp các bạn chủ động, tự tin hơn trong việc thể hiện tinh thần yêu nước.

Đồng thời, các bạn nhận ra rằng, phát triển bản thân mình góp phần phát triển đất nước là cách yêu nước hiệu quả nhất. Đoàn Hà Nội đã mang đến ý tưởng về dự án cung cấp nước sạch cho đảo”.

Sinh viên đóng góp thế nào?

Anh Bùi Quang Huy - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội trại - chia sẻ: “Trong hoàn cảnh hiện nay, ngoài giáo dục truyền thống, cung cấp kiến thức về biển, đảo là điểm mới của chương trình hội trại năm nay. Khi Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sinh viên có nhiều cách tiếp cận thông tin.

Điều quan trọng là các bạn phải xác định được mức độ của thông tin. Khi có kiến thức, các bạn sẽ có lập trường vững chắc, tránh để bị kích động”.

Hội trại cũng phát huy tính tình nguyện bằng những công việc như: Đi thăm tặng quà cho cựu tù, gia đình chính sách, khám chữa bệnh, sửa chữa nhà cửa cho người dân. Các sinh viên cũng xây dựng cột cờ ở đảo Thổ Chu, một đảo của chúng ta nằm gần hải phận quốc tế.

Đây là hành động rất ý nghĩa của sinh viên trong việc góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của nước nhà".

Anh Bùi Quang Huy nhấn mạnh: “Sinh viên hiện nay không hề thờ ơ với vận mệnh dân tộc như một số ý kiến chủ quan. Tôi xem trên mạng xã hội, thấy sinh viên nhận ra rất rõ và đồng loạt lên án mạnh mẽ những hành động tuần hành quá khích trong nước gần đây. Yêu nước luôn là tình cảm chính đáng của mọi công dân, đặc biệt là sinh viên.

Trong hoàn cảnh hiện tại, càng yêu nước, các trí thức trẻ tương lai càng cần rèn luyện nhiều hơn để góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Biên tập: Hoàng Diệu Linh - Trung tâm TTKH & TLGK
Trích nguồn: Báo Sinh viên Việt Nam

Gửi cho bạn bè